Một tổ chức vừa mua hơn 22% vốn Vang Thăng Long
Cơ cấu cổ đông của CTCP Vang Thăng Long (UPCoM: VTL) nhiều lần xáo trộn từ đầu tháng 8 đến nay.
Vang Thăng Long vừa đón thêm cổ đông lớn - Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Kim Ngọc (gọi tắt Công ty Kim Ngọc).
Công ty Kim Ngọc báo cáo đã mua gần 2.3 triệu cp VTL trong ngày 27/11, nâng tỷ lệ sở hữu từ 2.09% lên 24.49% vốn (gần 2.5 triệu cp) và trở thành cổ đông lớn.
Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Kim Ngọc được thành lập cuối năm 2008, hoạt động chính kinh doanh bất động sản. Trụ sở chính tại số 3 phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Vào cuối năm 2017, Công ty Kim Ngọc tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 9/2023, bà Nguyễn Thị Bích là đại diện được ủy quyền 100% vốn. Bà Bích chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty.
|
Bên chuyển nhượng khả năng là Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Tín (gọi tắt Công ty Phúc Tín). Cùng ngày 27/11, Công ty Phúc Tín đã bán thỏa thuận toàn bộ hơn 2.4 triệu cp VTL nắm giữ (tỷ lệ 23.81%). Tổng giá trị 28.2 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 11,700 đồng/cp, cao hơn 12.5% so với giá đóng cửa phiên hôm đó (10,400 đồng/cp).
Đáng nói, Công ty Phúc Tín "rời đi" sau gần 4 tháng mua vào cổ phiếu VTL. Trước đó, vào ngày 01/08, Vang Thăng Long đón 2 cổ đông mới là Công ty Phúc Tín (tỷ lệ 23.81% sau giao dịch) và CTCP Tư vấn và Đầu tư Bình Sơn (23.72%). Trước giao dịch, 2 tổ chức này không nắm giữ cổ phần VTL.
Ở chiều bán, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư dịch vụ Thương mại Thành Công đã thoái toàn bộ 47.58% vốn VTL sở hữu, bằng đúng lượng mua vào của 2 tổ chức nói trên.
Tổng giá trị 55.8 tỷ đồng, tương đương bình quân 11,600 đồng/cp, cao hơn 3% thị giá VTL đóng cửa phiên 01/08 (11,200 đồng/cp). Ước tính, Phúc Tín đã chi 28 tỷ đồng để làm cổ đông lớn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VTL trải qua nhịp tăng nóng trong tháng 11, đưa thị giá từ vùng 4,500 đồng/cp vượt lên hơn 11,000 đồng/cp, tăng hơn 130%. Phiên sáng 02/12, thị giá VTL đứng ở mốc tham chiếu 10,400 đồng/cp, thấp hơn 27% qua 1 năm.
Diễn biến giá cổ phiếu VTL trong 1 năm trở lại đây |
|
Vang Thăng Long, thương hiệu rượu vang lâu đời, đang trải qua thời kỳ hoạt động khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, ngoại trừ năm 2021 lãi mỏng, Doanh nghiệp đều thua lỗ. Cụ thể, năm 2019 lỗ ròng 13 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 15 tỷ đồng, năm 2022 lỗ kỷ lục 36 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 9 tỷ đồng, chủ yếu do người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn nên sức mua giảm.
Kinh doanh bết bát khiến lỗ lũy kế của VTL tại ngày 31/12/2023 tăng lên hơn 72 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh Vang Thăng Long giai đoạn 2018-2023 |
|
Thế Mạnh
FILI
|