Thứ Hai, 23/12/2024 09:02

Một năm phá kỷ lục của vàng

Có thể nói, năm 2024, vàng là kênh thu hút và hấp dẫn nhất khi liên tục lập kỷ lục mới cả trong và ngoài nước. Trước các căng thẳng địa chính trị và dự báo tình hình kinh tế xã hội, giá vàng tiếp tục được dự báo tăng cao trong năm 2025.

Giá vàng áp sát mốc 2,800 USD/oz

Giá vàng thế giới mở cửa đầu năm 2024 quanh mức 2,060 USD/oz và giữ nguyên xu hướng leo thang trong suốt năm bởi các yếu tố bất ổn diễn ra dai dẳng, đẩy nhu cầu trú ẩn vào kênh an toàn tăng lên.

Đầu tiên là sự bất ổn ngày càng tăng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu với 2 cuộc xung đột diễn ra ở châu Âu và Trung Đông, thúc đẩy hoạt động trú ẩn vào vàng.

Rủi ro gia tăng về xung đột thương mại toàn cầu cũng thúc đẩy các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi và châu Á bắt kịp các ngân hàng trung ương thị trường phát triển và phân bổ nhiều dự trữ hơn vào vàng.

Báo cáo quý 3 của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý 3. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD.

Với 100 tấn vàng mua vào từ đầu năm đến cuối quý 3, Ngân hàng trung ương Ba Lan trở thành quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới, nâng tổng lượng vàng đang nắm giữ lên khoảng 420 tấn, bằng khoảng một nửa tổng dự trữ của Ấn Độ hay Nhật Bản. Các quốc gia khác như Séc, Serbia, Hungary cũng tăng cường dự trữ vàng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine gia tăng.

Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tích trữ vàng được xem như lá chắn chống lại những cú sốc bên ngoài, chẳng hạn các cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng do nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump gây ra và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông. Các quốc gia Đông Âu đang tìm cách lấp đầy kho vàng của mình.

Trong bối cảnh toàn cầu biến động, thị trường kỳ vọng vào đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với lợi suất trái phiếu dài hạn giảm, sẽ là động lực tích cực quan trọng cho giá vàng.

Trong năm, giá vàng xô đổ nhiều kỷ lục: 2,500 USD/oz, 2,600 USD/oz, 2,700 USD/oz và đỉnh cao mới 2,826.2 USD/oz vào ngày 30/10. Tính đến ngày 20/12, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 2,602 USD/oz, tăng hơn 26% so với đầu năm. 

Giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục và neo cao

Giá vàng trong nước cũng lập đỉnh, NHNN can thiệp

Cùng xu hướng với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục leo thang và tạo ra nhiều mốc lịch sử ở cả vàng miếng và vàng nhẫn.

Mở đầu phiên 02/01, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức mua vào - bán ra là 70.5 - 73.5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn 9999 mua vào - bán ra ở mức 61.8 - 63 triệu đồng/lượng.

Liên thông với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng theo, lên mức 82.6 triệu đồng/lượng (09/04). Giá vàng nhẫn thời điểm này được mua - bán ở mức 73.1 - 74.5 triệu đồng/lượng.

Thời gian này, giá vàng trong nước đang chênh lệch với giá vàng thế giới 12-13 triệu đồng/lượng, khiến Chính phủ phải yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng đề ra giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Ngày 15/04, NHNN công bố hoàn tất phương án đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung vàng ra thị trường sau 11 năm kể từ lần đấu thầu vàng trước đó. Sau 6 phiên đấu thầu vàng miếng thành công, đã có tổng cộng 48,500 lượng vàng được cung ra thị trường. Thế nhưng, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng miếng SJC trong nước lại tăng. Đỉnh điểm là ngày 10/05, giá vàng SJC lập kỷ lục mới ở mốc 89.9 - 92.2 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán.

Vì vậy, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và triển khai phương án bình ổn thay thế từ ngày 03/06. Theo đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) cùng với Công ty SJC bán vàng miếng trực tiếp cho người dân.

Mặc dù vậy, nhu cầu mua vàng miếng trong dân vẫn cao, Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh chuyển sang đăng ký mua vàng trực tuyến, nhằm tránh tình trạng xếp hàng mua vàng tại các chi nhánh, phòng giao dịch kéo dài.

Các giải pháp can thiệp của NHNN cũng đã phát huy tác dụng, kéo giảm chênh lệch với giá vàng thế giới còn dưới 4 triệu đồng/lượng.

Tính đến 20/12, giá vàng miếng giao dịch ở mức 81.6 - 83.6 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán, tăng 15% so với đầu năm.

Tại dự thảo Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Chậm nhất tháng 6/2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Nguồn: Giavang.org

Giá vàng 2025 còn tăng tiếp?

Goldman Sachs dự báo giá vàng thế giới có thể chạm mốc 3,000 USD/oz vào cuối năm 2025. Ngân hàng đầu tư này cũng liệt kê vàng là một trong các lựa chọn hàng hóa hàng đầu cho năm 2025 và các chính sách của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng có thể thúc giá vàng tăng thêm.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi dự báo, năm 2025, giá vàng quốc tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng, có khả năng tiệm cận mốc 2,900 USD/ounce. Các yếu tố hỗ trợ giá vàng bao gồm việc tăng nhiệt hoặc giảm căng thẳng tại các điểm nóng như Ukraine, Trung Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Fed dự kiến tiếp tục giảm lãi suất và duy trì mức lãi suất thấp hợp lý, nếu lạm phát quanh ngưỡng 2%; chính sách từ chính quyền Tân Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ có thể gây biến động lớn trong thị trường vàng, dầu mỏ, tiền tệ và chứng khoán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết hiện nay, cuối tháng 12/2024, giá vàng trên thế giới giảm, do nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên các vấn đề địa chính trị trên thế giới vẫn đang tiếp tục. Do đó, trong năm tới, giá vàng chủ yếu phụ thuộc tình hình cuộc chiến tại Ukraine và Trung Đông.

Các chính sách từ chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn còn là ẩn số. Ông Hiếu dự báo giá vàng trên thế giới sẽ tăng và đặc biệt lạm phát Mỹ sẽ tăng, đẩy giá trị đồng USD xuống. Do đó, giá vàng có thể tăng lên 2,800 USD/oz.

Trong nước, giá vàng sau đợt điều chỉnh này, trước Tết Nguyên đán sẽ tăng trở lại và tăng theo chiều hướng thế giới trong năm 2025.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM lại cho rằng, thị trường vàng rất khó lường. Hiện nay, xu hướng thế giới giá vàng đang giảm do một số thỏa thuận ngừng bắn và nhà đầu tư chốt lời, nhưng khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức, giá vàng sẽ tương đương bất định, do ảnh hưởng bởi quyết định các nhà chính trị.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới về gần mốc 2,600 USD (20/12/2024)

>   Vừa mở cửa giao dịch, giá vàng SJC trong nước giảm 1,2 triệu đồng mỗi lượng (19/12/2024)

>   Vàng rớt hơn 2% sau tín hiệu lãi suất 2025 (19/12/2024)

>   Tối 18-12, ngân hàng, tiệm vàng đồng loạt tăng giá mua vàng miếng SJC (18/12/2024)

>   Giá vàng trong nước đứng im, tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng 8 đồng (18/12/2024)

>   Vàng thế giới giảm chờ quyết định chính sách của Fed (18/12/2024)

>   Giá vàng nhẫn và thương hiệu SJC giữ ổn định, tỷ giá USD quay đầu giảm (17/12/2024)

>   Vàng thế giới tăng trước thềm cuộc họp của Fed (17/12/2024)

>   Giảm tới 1,2 triệu đồng, thương hiệu SJC xuống sát mốc 85 triệu đồng (16/12/2024)

>   Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 99,99 tiếp tục giảm sâu (14/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật