Thứ Ba, 03/12/2024 10:40

Doanh nghiệp sản xuất nước ép hiếm hoi trên sàn muốn huy động thêm tiền để trả nợ

CTCP Tập đoàn Tiến Thịnh (UPCoM: TT6) sẽ thu hơn 51 tỷ đồng, nếu chào bán thành công hơn 5.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp, theo tờ trình gửi cổ đông trong đợt lấy ý kiến bằng văn bản đang diễn ra.

TT6 sẽ phát hành hơn 5.1 triệu cp theo tỷ lệ thực hiện quyền 100:25, cổ đông sở hữu 1cp được nhận 1 quyền mua, 100 quyền mua sẽ được mua 25cp mới. Vốn điều lệ sau khi thực hiện sẽ tăng 25% lên gần 260 tỷ đồng.

Mức giá bán 10,000 đồng/cp đang cao hơn khoảng 20% so với giá đóng cửa phiên 02/12 của cổ phiếu TT6. Công ty dự định dành hơn 20 tỷ đồng để thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ; 31 tỷ đồng còn lại dùng để thanh toán tiền mua hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho nhà cung cấp. Tất cả được dự chi từ quý 2 năm sau.

Đợt lấy ý kiến bằng văn bản lần này cũng bao gồm loạt nội dung liên quan đến các vấn đề khác như ban hành lại Điều lệ, thay đổi mô hình tổ chức quản lý và hoạt động, hủy bỏ quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; đồng thời hủy bỏ phương án chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6 với kế hoạch khi đó là dùng toàn bộ 51.3 tỷ đồng để mua dịch chanh dây và xoài trái từ nhà cung cấp.

Cổ đông gửi phiếu lấy ý kiến về văn phòng Công ty ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thời hạn đến hết 12 giờ ngày 12/12/2024.

Ông Phạm Tiến Hoài. Nguồn: TT6

Đáng chú ý, hơn 20 triệu cp TT6 mới được giao dịch trên UPCoM từ tháng 8 năm nay với 50.3% vốn thuộc về ông Phạm Tiến Hoài - cổ đông sáng lập.

TT6 trước đây là Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tiến Thịnh ra đời đúng 10 năm trước, ngày 03/12/2014, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng và đặt nhà máy đầu tiên ở tỉnh Hậu Giang để sản xuất nước trái cây. Lô hàng đầu tiên được xuất bán vào năm 2016 là sản phẩm nước ép tự nhiên từ trái tắc. Doanh nghiệp này lắp thêm 4 máy sấy dẻo trong năm 2019 để làm sản phẩm trái cây sấy.

Trong những năm đầu tiên xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, ngoài vay ngân hàng, TT6 chủ yếu hoạt động từ nguồn tiền của ông Phạm Tiến Hoài, vốn điều lệ của Doanh nghiệp dần tăng lên từ đó. Đến năm 2021, thời điểm chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Công ty đón thêm 2 cổ đông lớn khác là Đầu tư Agri Group và Dịch vụ Nông sản Agriservices. Mỗi đơn vị này góp 9.9 tỷ đồng để sở hữu 5.8% vốn nhưng nhanh chóng thoái toàn bộ sau đó.

Hoạt động kinh doanh của TT6 nhìn chung vẫn ghi nhận lãi đều đặn nhưng đang có dấu hiệu suy giảm. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 191 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp lại tăng, đạt 27 tỷ đồng. Công ty vẫn lãi ròng 4.7 tỷ đồng, không tăng so với cùng kỳ. Năm 2023, TT6 lãi ròng 8 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoảng 14 tỷ đồng các năm 2022 và 2021, lý do là thị trường xuất khẩu khó khăn.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   DC2 hủy 1.58 triệu cp riêng lẻ vì nhà đầu tư "bẻ kèo" (02/12/2024)

>   NHA dừng kế hoạch huy động vốn từ cổ đông (02/12/2024)

>   Khang Điền nhận chuyển nhượng BĐS Thủy Sinh giá trị gần 600 tỷ (29/11/2024)

>   Tân binh mới lên sàn muốn huy động thêm vốn (29/11/2024)

>   Tổng Công ty Thép muốn thoái vốn VICASA với giá khởi điểm gấp hơn 2.5 lần thị giá, cổ phiếu kịch trần (29/11/2024)

>   Hudland chốt quyền phát hành 11.6 triệu cp thưởng cho cổ đông (28/11/2024)

>   Kinh tế khởi sắc sẽ vực dậy thị trường M&A (28/11/2024)

>   NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (27/11/2024)

>   Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (25/11/2024)

>   HSV muốn thâu tóm một công ty vận tải với giá chưa đến 80% vốn điều lệ (25/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật