Công ty thành viên bán xong đơn vị sản xuất bột vonfram, Tập đoàn Masan thu lãi ngàn tỷ
Ngày 18/12, CTCP Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) công bố đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding GmbH (HCS) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Thương vụ được thông báo lần đầu vào tháng 5/2024 với quy mô lợi nhuận ngàn tỷ đồng.
Là một phần của giao dịch, MSR và HCS ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên, đồng thời tạo nền tảng vững chắc giúp MSR tối đa hóa số lượng đơn hàng.
MSR cho biết sau khi hoàn tất giao dịch, Masan Group (HOSE: MSN) - công ty mẹ của MSR - sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế một lần, giúp giảm nợ của MSR từ khoảng 670 triệu USD xuống còn khoảng 490 triệu USD. Tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA của Masan Group dự kiến khoảng 3.17x cuối năm 2024, phù hợp với mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới 3.5x của Tập đoàn.
Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group kiêm Chủ tịch HĐQT MSR chia sẻ: “Chuyển nhượng HCS là bước đầu tiên trong việc thực hiện chiến lược tái định hướng nhằm tập trung vào các ngành kinh doanh cốt lõi có thể tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung tối ưu hóa vận hành tại MSR để tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi, bao gồm bảng cân đối lành mạnh hơn, giảm gánh nặng lãi vay và nhu cầu ngày càng tăng đối với các ứng dụng của vonfram nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”.
Thương vụ trên từng được thông báo hồi tháng 5/2024. Khi đó, Tập đoàn Masan cho biết dự kiến ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD, tương đương 1,000 tỷ đồng, từ giao dịch và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD trong dài hạn.
Theo Masan giới thiệu, H.C. Starck (HCS) là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao, sở hữu kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến vonfram, có khả năng tái chế và tiếp cận nguồn dự trữ vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.
Về đối tác MMC Group, đây là nhà sản xuất vật liệu tích hợp, cung cấp các vật liệu cơ bản như đồng và kim loại màu. MMC Group cũng sản xuất và bán các bộ phận cơ khí, vật liệu điện tử và linh kiện dùng trong ô tô, đồ gia dụng,... cũng như các công cụ dùng để chế tạo chúng. MMC Group còn tham gia vào lĩnh vực tái chế và kinh doanh năng lượng.
Nhà máy của HCS ở Goslar, Đức
|
Dù thoái vốn nhưng phía Masan vẫn sẽ giữ phần sở hữu và lợi nhuận tiềm năng tại Nyobolt Limited - công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode.
Công ty này đang tiến gần đến giai đoạn thương mại hóa sản phẩm với quy mô lớn. Đối với công nghệ tái chế “black mass” do HCS phát triển, Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận khi công nghệ này được thương mại hóa trong tương lai.
Thực tế, MSR đã bắt đầu sở hữu cổ phần Nyobolt từ tháng 7/2022, thời điểm công ty con của MSR là H.C. Starck Tungsten GmbH công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu GBP mua 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt.
Nyobolt trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan trước khi thương vụ thoái vốn diễn ra
Nguồn: BCTN 2023 của MSR
|
Trong diễn biến liên quan, ngày 04/12, HĐQT Tập đoàn Masan đã phê duyệt kế hoạch góp vốn lên đến 510 tỷ đồng vào Công ty TNHH The Sherpa, mục đích thực hiện giao dịch mua cổ phần của chính Nyobolt.
Công ty TNHH The Sherpa thành lập vào ngày 12/06/2020, trụ sở tại tầng 8, tòa nhà Central Plaza, số 17 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM và có hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).
Vốn điều lệ ban đầu của Công ty là 516.6 tỷ đồng, do Tập đoàn Masan sở hữu gần như toàn bộ. Sau đó, Công ty nhiều lần được Tập đoàn Masan rót thêm vốn, đặc biệt trong năm 2023 để nâng vốn điều lệ lên hơn 14,956 tỷ đồng. Trường hợp MSN góp thành công 510 tỷ đồng trong thời gian tới, vốn điều lệ The Sherpa sẽ nâng lên đến hơn 15,466 tỷ đồng.
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Huy Khải
FILI
|