Bao giờ giảm gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân?
“Yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp bối cảnh mới...” đặt ra trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính được nhiều người quan tâm. Vậy giảm trừ gia cảnh nên là bao nhiêu để giảm được gánh nặng cho người nộp thuế?
Mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp
Nội dung chính sách và giải pháp điều chỉnh trong tờ trình Bộ Tài chính đưa ra như: Nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự thay đổi về mức sống dân cư; nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc...
Từ năm 2020 đến nay, việc giảm trừ gia cảnh áp dụng với thu nhập cá nhân (TNCN) của người nộp thuế ở mức là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng - mức này được cho là khó có thể đủ để cho một bà mẹ ở thành phố chi dùng cho con.
Chị Lan ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, một tháng chỉ riêng tiền lo cho cậu con trai học lớp 10, học thêm vài môn chính đã bằng, thậm chí cao hơn mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. “Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nói chung đã không còn ý nghĩa từ rất lâu rồi..”, chị Lan nói.
Sửa luật thuế TNCN cần điều chỉnh mạnh giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng thuế cho người nộp. Ảnh: Nguyễn Tân.
|
Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh nhiều lần. Từ 1/1/2009, quy định mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ 1/7/2013, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Ngày 2/6/2020, Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đã giảm gánh nặng cho mọi đối tượng nộp thuế TNCN.
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,96 triệu đồng. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người, tức là mức giảm trừ cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất nước.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội hôm 21/11 vừa qua, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu trăn trở của cử tri về giá bất động sản phi mã khiến lao động, công chức “không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà”. Như vậy, với thu nhập đơn thuần của một công chức, viên chức bình thường, họ phải “cả đời không ăn gì” mới có thể mua được nhà ở, chưa nói đến ăn, mặc, sinh hoạt phí bình thường.
Cần tăng giảm trừ gia cảnh cao hơn nhiều mức hiện nay
Người làm công ăn lương đang chịu gánh nặng thuế TNCN đặt ra yêu cầu phải nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhưng nâng bao nhiêu là phù hợp, có nên chỉ “neo mấu” vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để tính mức giảm trừ gia cảnh không khi mà luật quy định phải chờ CPI tăng vượt quá 20% mới sửa mức giảm trừ gia cảnh?
Bà Huyền Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.
|
Trao đổi với phóng viên với tư cách chuyên gia, bà Huyền Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam - cho biết, mức giảm trừ gia cảnh phụ thuộc nhiều yếu tố như chi phí cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản, chỉ số lạm phát... Trong khi đó, CPI được xây dựng dựa trên một rổ hàng hóa và quyền số thể hiện tỷ trọng chi tiêu từng nhóm hàng so với tổng chi tiêu của dân cư. Dù CPI là một trong các tham số để đánh giá mức tăng chi phí sinh hoạt của người dân, rổ hàng hóa và quyền số để tính CPI chỉ được cập nhật sau mỗi 5 năm, do vậy CPI có thể không phản ánh kịp thời biến động giá cả qua từng năm.
“Nếu tiếp tục dựa vào CPI, mức độ biến động CPI cần thiết để xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nên được giảm xuống, thay vì 20% như hiện nay”, bà Huyền Nguyễn nói.
Về biểu thuế lũy tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, bà Huyền Nguyễn cho hay: “Nếu so với nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam, biểu thuế của Việt Nam hiện quá cao. Philippines, Indonesia có mức thuế suất cao nhất cũng là 35% nhưng áp dụng cho thu nhập 5 tỷ Rupiah Indonesia/năm (667 triệu đồng/tháng) hoặc 8 triệu Peso/năm (288 triệu đồng/tháng).
Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở ta đã được giảm từ 25% (áp dụng từ 2009) xuống 20% (từ 2016). Do đó, việc mức thuế suất cao nhất 35% được duy trì áp dụng với người có mức thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng trở lên (đã áp dụng từ năm 2009) nên được cân nhắc và xem xét điều chỉnh giảm”.
Theo lịch trình sửa và thay thế luật này, nếu không có một quyết sách về giảm trừ gia cảnh như năm 2020 được ban hành thì người nộp thuế phải đợi đến đầu năm 2027 luật thuế mới có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh mới được thay đổi.
Quyền Thành
Tiền phong
|