Thứ Tư, 18/12/2024 17:03

Bán nội ngoại thất gỗ vào Mỹ: “Ở Việt Nam đã là một lợi thế”

Bà Nguyễn Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng sản phẩm nội ngoại thất làm từ gỗ “made in Việt Nam” đang sở hữu nhiều thuận lợi để bán sang Mỹ, một trong những thị trường có quy mô lớn nhất ngành hàng này.

Tại sự kiện do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức ngày 17/12, bà My cho biết, ngoài việc Mỹ là một trong những thị trường nội ngoại thất lớn nhất thế giới và đang tăng trưởng đều đặn mỗi năm thì Việt Nam có thuận lợi khi ngành công nghiệp sản phẩm gỗ phát triển khá mạnh với mạng lưới hơn 5,500 doanh nghiệp.

Khác với ngành hàng dệt may hay giày dép, sản phẩm từ gỗ có lợi thế độc lập về mặt nguyên liệu, do không phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể giá nhân công cạnh tranh, đặc biệt là tay nghề thành thạo nên sản phẩm đa dạng và chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận.

Bản thân chúng ta ở Việt Nam đã là một lợi thế”, theo quan điểm của đại diện Amazon tại Việt Nam, và thừa nhận Chính phủ đang làm tốt chính sách thương mại với các thị trường xuất khẩu, nhất là về thuế, để hỗ trợ doanh nghiệp.

Một điểm nữa đó là Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá khá cao đối với một số quốc gia, thậm chí có thể đến 200%. Bà My cho rằng đây là cơ hội "vàng" dành cho doanh nghiệp Việt. Và điều này đã thu hút nhiều nước sang Việt Nam mở rộng nguồn hàng, để được gắn nhãn “made in Vietnam”.

Đồng quan điểm, ông Trương Nguyễn Phước Sang, đại diện Công ty Leaping Ape Logistics, dẫn chứng mặt hàng giường là một trong những sản phẩm có lợi thế lớn do thuế nhập khẩu mà Trung Quốc và các nước khác đang “gánh” lên đến 260% khi vào Mỹ, trong khi mức Việt Nam phải chịu gần như không đáng kể.

Thống kê từ Statista được đại diện phía Amazon Việt Nam chỉ ra, thị trường nội ngoại thất qua kênh thương mại điện tử tại Mỹ đang tăng trưởng khá ổn định và bền vững. Ước tính đến năm 2029, thị trường này có thể tăng thêm khoảng 52 tỷ USD để đạt mốc 177 tỷ USD. Việc bán hàng qua Amazon, nền tảng thương mại xuyên biên giới đang chiếm hơn 40% thị phần khu vực Bắc Mỹ, sẽ là một thuận lợi đáng kể đối với hàng Việt.

Amazon hiện đã vươn tới 22 thị trường với hơn 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng. Nền tảng này đang có khoảng 200 triệu khách hàng trung thành, những người sẵn sàng trả phí để hưởng một số quyền lợi và ưu đãi. Năm 2023, quy mô doanh thu của Amazon đạt 575 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2019.

Bà Nguyễn Yến My tại hội thảo. Ảnh: Tử Kính

Thuận lợi nhưng không hề đơn giản

Khác với truyền thống, hình thức kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử cho phép nhà sản xuất tiếp cận trực tiếp người dùng cuối (B2C) thay vì qua nhiều tầng lớp trung gian. Dù vậy, để có thể thành công, cần thiết phải có sự nghiêm túc ngay từ đầu.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Lương Nhã Ý, đại diện Công ty Long Thạnh – doanh nghiệp có 25 năm kinh nghiệm gia công các sản phẩm từ gỗ nhưng chỉ mới bán hàng trên Amazon hơn một năm nay – nhìn nhận việc chuyển sang B2C vốn dĩ đã khác đối với các doanh nghiệp quen làm B2B, nhưng B2C qua kênh Amazon lại “cực kỳ khác, cực kỳ phức tạp” do dòng tiền chờ về khá lâu.

Ở trường hợp của Long Thạnh, sau khi mất 1 tháng để sản xuất hàng hóa, chuyến tàu đầu tiên từ Việt Nam đến các kho của Amazon tại Mỹ tốn thêm khoảng 1.5 - 2 tháng tiếp theo. Công ty này luôn cố gắng vận chuyển mỗi lần có thể bán đủ cho 3 tháng nhưng theo bà Ý là “không nên quá nhiều”, vì sau thời gian này, chi phí lưu kho bắt đầu tăng cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Doanh nghiệp ước tính có thể mất đến 6 - 7 tháng để lấy toàn bộ tiền cho đợt hàng đầu tiên. Tuy nhiên, khi đợt hàng thứ nhất chưa xong, thì đợt hàng thứ 2 phải xuất bến để có thể bán trong tháng thứ 4, 5… Như vậy, doanh nghiệp phải tốn 2 lần tiền cho 2 đợt hàng, dù tiền của đợt 1 chưa về.

Dòng tiền chỉ là một trong số những khó khăn khi doanh nghiệp Việt muốn tiếp cận thị trường lớn như Mỹ. Ngoài ra, việc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn của Amazon cũng được cho là phức tạp không kém.

Dù nhiều thách thức, nhưng sức hấp dẫn về lợi nhuận là không nhỏ một khi sản phẩm được người Mỹ chấp nhận, bởi nó đã giúp doanh nghiệp của bà Ý tăng trưởng doanh thu 5 lần so với kế hoạch ban đầu chỉ trong thời gian ngắn nhờ tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của Amazon và tận dụng đáng kể sự hỗ trợ của bên thứ ba.

Chúng tôi đã rất nghiêm túc với Amazon ngay từ ban đầu, nên đã sớm hợp tác với bên thứ ba để lo các công việc bên ngoài, còn trách nhiệm của nhà máy là chỉ lo làm sao để phát triển sản phẩm tốt nhất và chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng”, đại diện doanh nghiệp cho hay, “Nhưng nếu không nghiêm túc, tỷ lệ thất bại sẽ rất cao vì Amazon rất minh bạch, và là nền tảng cực kỳ tốt cho các nhà máy có sản phẩm tốt, vì phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, cũng như là tiền bạc, tài chính ngay từ đầu”.

Bà Nguyễn Lương Nhã Ý, đại diện công ty Long Thạnh chia sẻ kinh nghiệm bán hàng qua Amazon. Ảnh: Tử Kính

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Đề xuất vốn ngoại không quá 65% trong liên danh dự án điện gió ngoài khơi (18/12/2024)

>   Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025 (18/12/2024)

>   Anh chính thức gia nhập CPTPP, mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam có lợi? (18/12/2024)

>   Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn (18/12/2024)

>   Bộ Giao thông Vận tải công bố mở cảng cạn Đông Phố Mới tại tỉnh Lào Cai (18/12/2024)

>   Nhìn lại những đại án liên quan đại gia, cựu quan chức bị xét xử trong năm 2024 (17/12/2024)

>   Bộ Công Thương nêu phương án gỡ vướng dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm (17/12/2024)

>   Thông tin mới về loạt dự án điện gió ở Đắk Nông dính sai phạm (16/12/2024)

>   Dựng chuyện công an bắt giữ hàng hóa để chiếm đoạt hơn 1.8 tỷ (16/12/2024)

>   TP HCM đang xây dựng đề án hỗ trợ kinh phí nâng cấp phòng trọ chưa đạt chuẩn (15/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật