Thứ Sáu, 27/12/2024 13:32

10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 nhìn chung duy trì đà tăng trưởng ổn định, với sự gia tăng về chỉ số, thanh khoản và quy mô vốn hóa. Các chính sách điều hành kịp thời của Chính phủ và UBCKNN đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thị trường những năm tới. Cùng điểm lại 10 sự kiện chứng khoán có dấu ấn nổi bật trên thị trường năm vừa qua.

Từ 10h sáng 24/03, toàn bộ hệ thống của CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND) bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến gián đoạn dịch vụ trên các nền tảng giao dịch của VNDIRECT từ ngày 25/03/2024. Các công ty thành viên và liên quan của VNDIRECT cũng bị ảnh hưởng tương tự, bao gồm: Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) và Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM).

Hai Sở giao dịch HOSEHNX đã ngắt kết nối giao dịch từ xa và trực tuyến với VNDIRECT từ ngày 25/03. Đến sáng 01/04, hai Sở cùng có thông báo cho phép kết nối giao dịch trở lại đối với VNDIRECT.

Chủ tịch HĐQT VNDIRECT Phạm Minh Hương đã thừa nhận: "Công ty thiệt hại thật sự rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín. Nhưng nó không lãng phí, vì chúng tôi đã học ra được rất nhiều bài học quý báu trong quá trình này". Sau sự cố, VNDIRECT ra loạt chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư như miễn phí giao dịch chứng khoán trong tháng 4; miễn toàn bộ lãi margin, miễn lãi nợ thấu chi quản lý vị thế qua đêm phái sinh trong thời điểm gặp sự cố…

KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Hệ thống này cung cấp nhiều tiện ích mới, nổi bật nhất là hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng và thực hiện mua - bán cổ phiếu trong ngày (T+0).

Gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin được HOSE ký với KRX năm 2012, trị giá 600 tỷ đồng. Ban đầu, HOSE dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng sau đó liên tục lỗi hẹn và đến nay chưa thể vận hành chính thức.

Theo tiến trình được HOSE công bố, cơ quan quản lý đã hoàn tất việc tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 3/2024 để sẵn sàng triển khai vào đầu tháng 5/2024, nhưng cuối cùng, việc vận hành đã bị trì hoãn.

Tại Hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ 2025 của Sở GDCK Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN đã yêu cầu các Sở GDCK và các đơn vị có liên quan đưa Hệ thống KRX vào vận hành trong năm 2025. Đồng thời, hợp đồng tương lai chỉ số VN100 sẽ được triển khai ngay trong quý 1/2025.

Ngày 18/09, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/11/2024.

Thông tư mới ban hành có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (Non Pre-funding).

Từ ngày 02/11, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được mua cổ phiếu ở Việt Nam mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding) khi đặt lệnh. Ảnh minh họa

Theo quy định trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch. Đây được xem là nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Trên thế giới, hiện còn rất ít thị trường sử dụng cơ chế ký quỹ trước khi giao dịch, thay vào đó sử dụng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro.

Tháng 12/2024, thị trường ghi nhận trường hợp đầu tiên chậm thanh toán giao dịch Non Pre-funding. Đó là tổ chức Aegon Custody B.V (Hà Lan) đặt mua và khớp lệnh 26,600 cp FPT trong ngày 17/12, với giá trị gần 4 tỷ đồng, nhưng chưa thanh toán. Do đó, CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) đã phải chịu trách nhiệm thanh toán thay theo quy định mới tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Hiện TTCK Việt Nam đang được hai tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Theo kết phân loại thị trường định kỳ công bố tháng 6/2024, MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+".

MSCI cho rằng Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật mà không cần phê duyệt trước của cơ quan quản lý.

Việt Nam chưa lọt vào danh sách xem xét nâng hạng của MSCI dù đã cải thiện thêm một tiêu chí quan trọng. Ảnh minh họa

Như vậy, TTCK Việt Nam đã đáp ứng được 10/18 tiêu chí của MSCI, còn lại 8 tiêu chí cần cải thiện, bao gồm (1) giới hạn sở hữu nước ngoài; (2) room ngoại; (3) quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài; (4) mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; (5) đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản; (6) quy định thị trường; (7) luồng thông tin và (8) thanh toán bù trừ.

Thực tế, Việt Nam chưa cần phải cải thiện ngay toàn bộ 8 tiêu chí còn thiếu để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc thông tư 68 được ban hành là một trong những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE Russell đối với Việt Nam thời gian tới.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư đến nay đã chính thức vượt mục tiêu Chính phủ đề ra với 9.15 triệu tài khoản luỹ kế từ đầu năm, tăng thêm 1.86 triệu tài khoản trong năm. Con số trên tương đương khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023.

Thị trường mất 4 tháng để tăng từ 8 triệu lên mốc 9 triệu tài khoản. Tốc độ mở mới ngang với giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022 - thời điểm thị trường vào xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài. Tuy nhiên, TTCK hiện nay kém tích cực hơn.

Thanh khoản và tài khoản mở mới trong những tháng qua. Ảnh minh họa

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tổ chức tháng 11/2024 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.

Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Ảnh minh họa

Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hủy bỏ đợt chào bán.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật cũng hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên TTCK Việt Nam.

Sau khi Luật sửa đổi được thông qua, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Việc sửa đổi nghị định được chia thành 3 nhóm chính sách: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho NĐTNN trên TTCK, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK bền vững; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Ngày 21/11, CTCP Vinhomes (VHM) đã kết thúc giao dịch mua cổ phiếu quỹ. Sau 22 phiên giao dịch từ 23/10-21/11, Vinhomes đã mua tổng cộng gần 247 triệu cp quỹ với mức giá giao dịch bình quân hơn 42,444 đồng/cp, giá trị giao dịch ước tính khoảng 10,500 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ Vinhomes mua được chiếm 66.75% tổng khối lượng đăng ký. Đây là thương vụ mua cổ phiếu quỹ có quy mô lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Vinhomes giảm từ hơn 4.35 tỷ cp xuống gần 4.11 tỷ cp, vốn điều lệ tương ứng hơn 41,000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến giá cổ phiếu Vinhomes ngày 14/10. Ảnh minh họa

Vinhomes nhận định thị giá cổ phiếu VHM đang thấp hơn giá trị thực, nên Công ty muốn mua lại cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi của chính họ và cổ đông. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC soát xét bán niên 2024. Vinhomes cũng khẳng định kế hoạch trên sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án.

Số liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong năm 2024, lượng bán ròng trên sàn HOSE của khối ngoại tính tới ngày 23/12 đạt hơn 93,000 tỷ đồng (tương đương gần 3.7 tỷ USD), con số kỷ lục trong hơn 24 năm.

Phiên bán ròng mạnh nhất trong lịch sử là ngày 29/10/2024 với giá trị 5,126 tỷ đồng, chủ yếu từ giao dịch xả hơn 5,500 tỷ đồng của nhóm cổ đông ngoại ở VIB. Xếp sau là phiên 24/09, lượng bán ròng đạt 2,431 tỷ đồng, mạnh nhất từ giữa tháng 1/2023 nhưng phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận xả gần 2,750 tỷ đồng VIB.

"Bán ròng" là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất của khối ngoại trong năm 2024. Ảnh: Huy Khải

Trong năm 2024, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn HOSE với giá trị hơn 19,100 tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD). Kế đến là cổ phiếu VIB bị bán gần 8,300 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ FUEVFVND hơn 7,200 tỷ đồng; FPT gần 6,300 tỷ đồng hay MSN gần 6,000 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SBTHVN được khối ngoại mua ròng mạnh nhất lần lượt gần 912 tỷ đồng và 849 tỷ đồng.

"Ông lớn” bất động sản Vinhomes là cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại năm qua. Ảnh: Huy Khải

Đà bán tháo của khối ngoại chủ yếu được quy kết do áp lực tỷ giá (USD tăng giá trị so với VND) và sâu xa hơn là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ. Trong năm 2024, giai đoạn từ 16/09-03/10 khi tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và giữ bình ổn ở vùng dưới 24,600 đồng/USD, khối ngoại đã mua ròng gần 1,800 tỷ đồng, nhưng ngay sau đó bán ròng mạnh lúc tỷ giá tăng nóng trở lại.

Theo số liệu từ VietstockFinance, năm 2024 sàn HOSE niêm yết mới 10 cổ phiếu, gồm 3 "tân binh" lần đầu chào sàn là Gạch Royal (RYG), Chứng khoán DNSE (DSE) và Cảng Quy Nhơn (QNP), trong khi có 7 cổ phiếu chuyển thị trường UPCoM sang sàn HOSE là Nam Á Bank (NAB), Chứng khoán DSC (DSC), Chứng khoán Thành Công (TCI), Điện lực Gelex (GEE), Sữa Mộc Châu (MCM), Viettel Post (VTP); Thủy điện Hủa Na (HNA). Tổng khối lượng niêm yết mới gần 2.55 tỷ cp, quy mô vốn điều lệ tương ứng 25,500 tỷ đồng.

Cơ cấu ngành niêm yết mới lên HOSE năm 2023 và 2024. Ảnh: Huy Khải

Trên sàn HNX năm qua chỉ niêm yết 2 cổ phiếu mới là Tập đoàn Giáo dục Trí Việt (CAR) và Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTX), với tổng khối lượng niêm yết gần 11.5 triệu cp, quy mô vốn điều lệ tương ứng 115 tỷ đồng.

*Thị trường niêm yết cổ phiếu HOSE dần khởi sắc trong năm 2024

Trong khi đó, kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục cũng như nhiều vi phạm công bố thông tin khiến hàng loạt doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sàn. Cụ thể, HOSE ghi nhận hủy niêm yết 10 cổ phiếu và chuyển về giao dịch UPCoM, bao gồm: Thiên Nam Group (TNA), Sao Thái Dương (SJF), Nhựa Đông Á (DAG), Xây dựng Hòa Bình (HBC), HAGL Agrico (HNG), Thép Pomina (POM), XNK Quảng Bình (QBS), Chiếu xạ An Phú (APC), NGK Chương Dương (SCD), CTCP TTBGroup (TTB).

Một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ hủy niêm yết thời gian tới kể đến Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN)

Trên sàn HNX còn có tới 14 cổ phiếu đã hủy niêm yết và 2 cổ phiếu sắp hủy niêm yết (ngày 31/12/2024) để chuyển về UPCoM. Bên cạnh đó, xuất hiện trường hợp đặc biệt là Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6) và Than Đèo Nai - Vinacomin (TDN) hủy niêm yết để hoán đổi thành cổ phiếu của Công ty hợp nhất là Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV.

(*) Hủy niêm yết để hoán đổi thành cổ phiếu của Công ty hợp nhất là Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV
Các chứng khoán rời sàn HNX trong năm 2024. Ảnh: Huy Khải

Với diễn biến trên, thị trường UPCoM đón thêm 26 cổ phiếu chuyển đến, ngoại lệ cổ phiếu TKC của Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ rời HNX từ tháng 12/2023 nhưng đến tháng 3/2024 mới lên giao dịch UPCoM. Cộng với 23 cổ phiếu đăng ký giao dịch, thị trường UPCoM đã đón 50 cổ phiếu mới trong năm 2024.

Theo thống kê từ người viết, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 218 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt khoảng 54 tỷ đồng, bình quân mỗi quyết định xử phạt hơn 247 triệu đồng. Số quyết định xử phạt năm 2024 cao hơn 73 quyết định so với năm trước, tổng tiền phạt tăng hơn gấp rưỡi.

Một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: đình chỉ giao dịch, buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin, buộc từ bỏ quyền biểu quyết…

Xét theo giá trị tuyệt đối, mặc dù tháng 2 có ít ngày nhất trong năm nhưng là tháng có nhiều quyết định xử nhất với 34 quyết định và tổng số tiền phạt hơn 9.8 tỷ đồng, cao nhất trong năm (bình quân phạt 289 triệu đồng/quyết định).

Tổng hợp số lượng và mức phạt hành chính theo tháng được UBCKNN ban hành trong năm 2024. Ảnh: VietstockFinance

Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường, năm qua có 4 vụ án thao túng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, gồm HCI, PSH, DSTFIR. Dù vậy, kết quả tính toán số lợi bất hợp pháp có được do 4 vụ án trên đều cho thấy không có số lợi bất hợp pháp.

Liên quan tới vụ thao túng cổ phiếu PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, 4 cá nhân gồm ông Mai Hữu Phúc, bà Võ Như Thảo, bà Đỗ Thủy Tiên, ông Trần Minh Hoàng bị xử phạt 1.5 tỷ đồng/người và cấm giao dịch chứng khoán trong 2-3 năm; 13 cá nhân cho mượn tài khoản để người khác thao túng bị đình chỉ giao dịch trong 9 tháng, theo quyết định ngày 22/10/2024 của UBCKNN. Tổng cộng mức phạt tiền vụ này đạt 6 tỷ đồng, là án phạt nặng nhất trong năm qua.

Qua kiểm tra, UBCKNN chưa có cơ sở cho thấy thu lợi bất hợp pháp từ 4 vụ án thao túng chứng khoán năm qua. Ảnh minh họa

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   HNX: Bản công bố thông tin của CTCP Chế biến Thủy sản Út Xi (UXC) (25/12/2024)

>   VTR: CBTT Thông báo chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện (25/12/2024)

>   TKA: Thông qua việc ký kết hợp đồng với các bên liên quan (25/12/2024)

>   VVS: Quyết định HĐQT về việc nhận cấp tín dụng tại Ngân hàng TPbank (25/12/2024)

>   CVT122008: CBTT ve ngay dang ky cuoi cung de thuc hien quyen nhan goc va lai Trai phieu CVT 122008 (25/12/2024)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 25/12: Tình hình chuyển biến tích cực hơn (25/12/2024)

>   PHS: Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán điều chỉnh (25/12/2024)

>   TTH: Nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (25/12/2024)

>   ANT: Thông báo Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (25/12/2024)

>   AAS: Nghị quyết về việc đề nghị và nhận cấp tín dụng tại MSB (25/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật