Xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao triệu tập Quốc Cường Gia Lai?
Tại phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, tòa án yêu cầu sự có mặt của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 4-11, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 1. Ở giai đoạn xét xử này, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị TAND TP HCM xét xử sơ thẩm tuyên án tử hình về các tội: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Phiên tòa được mở do có 48/86 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm mà TAND TP HCM đã tuyên.
Từ sáng sớm, an ninh tại phiên toà đã được siết chặt để đảm bảo trật tự. Các cổng ra vào đều có đội ngũ công an túc trực, kiểm tra giấy tờ và nhận diện người vào dự phiên xử. Bên ngoài tòa án, các tuyến đường lân cận được phân luồng giao thông, hạn chế tụ tập đông người để giữ ổn định khu vực.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà
|
Phiên toà được mở trực tiếp kết hợp trực tuyến. Có 46/48 bị cáo có đơn kháng cáo có mặt tại phiên xử, hai bị cáo vắng mặt vì lý do sức khoẻ là Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang, Tập đoàn Capella) và bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty CP Natural Land).
HĐXX cho biết một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng một số luật sư đã xin vắng mặt.
Đáng chú ý, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) cũng được triệu tập tham dự phiên toà với vai trò là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Trong bản án này, Quốc Cường Gia Lao liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (bị tuyên án tử hình) thông qua 475 bất động sản. Bao gồm 301 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 hợp đồng công chứng, 147 thoả thuận bồi thường các thửa đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM thuộc dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển và 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM.
HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Công ty CP đầu tư Sunny Island (Sunny) để ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển với Quốc Cường Gia Lai với giá là 14.800 tỉ đồng.
Sunny đã thanh toán cho Quốc Cường Gia Lai hơn 2.882 tỉ đồng để tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng và nhận từ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nêu trên.
Ngoài ra, đại diện Quốc Cường Gia Lai còn giao cho bà Lan giữ 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú huyện Nhà Bè với mục đích để làm tài sản thế chấp vay vốn thêm.
Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Công ty Sunny Island tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) do việc chậm thanh toán theo hợp đồng hứa mua, hứa bán ngày 29-3-2017. Hội đồng Trọng tài của VIAC đã ra phán quyết số 63/20HCM vào ngày 10-5-2023, tuyên bố việc Công ty Quốc Cường Gia Lai chấm dứt hợp đồng là hợp pháp và không yêu cầu hoàn trả số tiền đã nhận. Tuy nhiên, phán quyết này đã bị TAND TP HCM hủy bỏ theo quyết định số 2542/2023/QĐ-PQTT ngày 5-12-2023.
Do đó, HĐXX đã tuyên để đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước nhưng cũng để đảm bảo quyền lợi của bên liên quan cần tiếp tục kê biên để đảm bảo việc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả hơn 2.882 tỉ đồng cho bị cáo Lan nhằm đảm bảo thi hành án trong vụ án này. Nếu số tiền được hoàn trả đầy đủ, công ty sẽ được nhận lại các bất động sản và giấy tờ liên quan.
Điều này mở ra khả năng cho Quốc Cường Gia Lai "chuộc" các giấy tờ liên quan Khu dân cư Bắc Phước Kiển.
Tuy nhiên, sau phán quyết này của toà án, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai kháng cáo cho rằng số tiền buộc phải trả lại cho bà Lan thấp hơn so với con số mà toà án xác định.
Ý Linh Ảnh: Hoàng Triều
Người lao động
|