Vì sao các chuỗi cà phê - trà sữa, thời trang đóng cửa lại khiến thị trường “dậy sóng”?
Không chỉ tưng bừng khai trương, nhiều thương hiệu gần đây rời thị trường cũng “ồn ào” không kém.
Mới nhất phải kể đến chuỗi cà phê "nghĩ điên làm chất" Monkey in Black gắn với tên tuổi chuyên gia khởi nghiệp Trần Thanh Tùng (thường gọi Tùng BT) vừa tuyên bố sẽ đóng chi nhánh cuối cùng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) đã tồn tại hơn 10 năm. Dự kiến, trễ nhất cửa hàng này sẽ đóng cửa vào ngày 30-11 tới.
Ghi nhận của phóng viên, cửa hàng đã thông báo "tạm biệt – tụi mình sẽ không còn ở đây nữa" để khách hàng biết. Một số khách hàng đã chọn đây là góc check-in lần cuối tại quán cà phê có nhiều món "độc", "lạ" này.
Monkey in Black từng có 4 quán cà phê tại TP HCM nhưng thu hẹp dần và hiện đã đóng cửa vì không còn hợp thời, lợi nhuận thấp.
Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, trà sữa Âm 18 độ C thông báo đóng cửa sau 19 năm hoạt động đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" bởi đây là thương hiệu trà sữa thanh xuân của nhiều người. Sau thông báo này, trà sữa Âm 18 độ C đông nghịt khách hàng để thưởng thức hương vị trà sữa đời đầu.
Những thương hiệu tuyên bố rời thị trường hoặc chuyển sang bán online gần đây
|
Đến cuối tháng 6, thương hiệu trà sữa này chuyển sang bán online với một tấm bảng hiệu khá khiêm tốn gần mặt bằng cũ đã trả trên đường Võ Văn Tần (quận 3).
Ở mảng thời trang, thương hiệu Lep' có 8 năm tuổi đời cũng thông báo ngừng hoạt động chính thức kể từ 30-11 tới. Sau thông báo này, đã xuất hiện làn sóng khách hàng đến săn khuyến mãi lần cuối ở cả cửa hàng trực tiếp lẫn online do mức giảm giá khá sâu.
Trước đó, thương hiệu thời trang nam CATSA cũng tuyên bố rời thị trường sau 13 năm với 22 cửa hàng trên toàn quốc vào khoảng tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, hệ thống này không đóng cửa đồng loạt. Đến nay, website CATSA vẫn còn chương trình "xả hàng đóng cửa" "sale sâu chưa từng có" và tại TP HCM vẫn còn 1 cửa hàng trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) đang hoạt động.
Cà phê Monkey in Black đóng cửa trong tháng 11
|
Bình luận về việc một số thương hiệu về thời trang, dịch vụ ăn uống (F&B) khi đóng cửa gần đây đưa ra các tuyên bố công khai kèm nhiều sự kiện đi cùng, đôi khi là hơi "rầm rộ" trong khi trước đây tưng bừng khai trương còn đóng cửa thì âm thầm, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment & FoodEdu Academy nói rằng đây là xu hướng mới.
Theo ông Tùng, việc thông báo công khai cũng là cách để tri ân khách hàng trung thành để họ trở quay lại, nhớ về thời thanh xuân. Việc tạo nên sự kiện đóng cửa cũng giúp chủ thương hiệu xả hàng tồn, giảm thiệt hại hoặc giới thiệu dự án mới của chủ cũ với những khách hàng thân thiết,…
"Trên thị trường cũng có những cửa hàng treo bảng "thanh lý đóng cửa quanh năm", nhưng những thương hiệu có tên tuổi chút thì không dám dàn dựng chuyện đóng cửa để bán hàng" – ông Tùng nhận xét.
|
Ngọc Ánh
Người lao động
|