Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Sẽ lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
|
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.
Trả lời chất vấn về đề xuất lập sàn giao dịch vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.
Theo bà Thống đốc Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
|
Thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng?
Cùng có băn khoăn về vấn đề sàn giao dịch vàng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn đặt câu hỏi hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đã có nghiên cứu, dự báo hình thức giao dịch vàng phi vật chất như sàn vàng do Nhà nước quản lý đảm bảo sự liên thông giữa trong nước và quốc tế, khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh khác, tránh vàng hóa thị trường, thay cho đôla hóa thị trường như vừa qua.
Thống đốc Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết những tồn tại thời gian qua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để báo cáo về sàn vàng có thuận lợi gì, đến lúc thực hiện hay chưa hoặc đề xuất thời điểm phù hợp.
"Khảo sát ở Trung Quốc, chúng tôi thấy thời gian đầu Trung ương độc quyền vấn đề mua bán vàng miếng. Nhưng sau đó họ trao lại cho các ngân hàng thương mại rồi thành lập sàn vàng. Nhưng đặc thù họ có điều kiện kinh tế khác biệt vì vậy cần cân nhắc để hoàn thiện đề án", bà Hồng nói.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
|
Ngân hàng Nhà nước 'không khuyến khích người dân nắm giữ vàng'
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh dẫn báo cáo về thị trường vàng đề cập một trong những tồn tại là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. "Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Thanh chất vấn.
"Chúng ta chống vàng hóa, đôla hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", bà Hồng phân tích.
Vì vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy mới có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng", bà Hồng giải thích
Để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm, theo bà, các nước có nhiều giải pháp. Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
|
Vì sao cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu làm vàng trang sức?
Đại biểu Trịnh Xuân An chất vấn, hiện Nghị định 24 không cấm doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức mỹ nghệ, nhưng "chúng ta vẫn đang cấm".
"Tư duy này đang vi phạm nguyên tắc không quản được thì cấm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân", ông An nói, thêm rằng hiện nhiều gia đình đi tìm mua nhẫn cưới thôi cũng khó.
"Đề nghị Thống đốc cho biết có nên để doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức để phục vụ người dân, nhà nước thu được thuế hay không?", ông An nêu câu hỏi.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Nghị định 24 quy định cách quản lý vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Với vàng trang sức mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất loại vàng này. Kinh doanh vàng trang sức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, nguyên liệu vàng trang sức mỹ nghệ là nhập khẩu và doanh nghiệp có thể mua bán ở thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước không cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Song theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Do đó, bà Hồng nói tùy theo chính sách tiền tệ của từng thời kỳ, cơ quan quản lý có chính sách phù hợp về xuất nhập khẩu vàng.
Nhật Quang
FILI
|