Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng
Thị trường dầu mỏ đang đứng trước một năm 2025 đầy biến động. Các chuyên gia cảnh báo về kịch bản giá dầu có thể sụt giảm mạnh xuống mức 40 USD/thùng nếu OPEC+ quyết định nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện.
"Chưa bao giờ có nhiều lo ngại về giá dầu năm 2025 như hiện nay - kể từ thời Mùa xuân Ả Rập", Tom Kloza, Giám đốc phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, chia sẻ.
Theo ông, nếu OPEC từ bỏ và không có thỏa thuận kiềm chế sản lượng, giá dầu có thể giảm xuống mức 30-40 USD/thùng, đặc biệt trong bối cảnh thị phần của họ đã suy giảm đáng kể qua các năm.
Với mức giá dầu Brent toàn cầu hiện đang ở ngưỡng 72 USD/thùng và dầu WTI của Mỹ quanh mức 68 USD/thùng, một cú sụt giảm xuống 40 USD/thùng sẽ đồng nghĩa với việc giá sẽ giảm khoảng 40%.
Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group nói với CNBC: "Với nhu cầu dầu mỏ năm tới có thể chỉ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày, việc OPEC+ hoàn toàn từ bỏ cắt giảm sản lượng vào năm 2025 chắc chắn sẽ khiến giá dầu thô giảm mạnh, có thể xuống mức 40 USD/thùng".
Tương tự, Saul Kavonic, Chuyên gia phân tích năng lượng cao cấp của MST Marquee, cho rằng việc OPEC+ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà không quan tâm đến nhu cầu có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giá khốc liệt, đẩy giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ thời kỳ COVID-19.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng OPEC+ sẽ thận trọng hơn với một lộ trình nới lỏng dần dần vào đầu năm sau. Điều này được củng cố bởi hành động gần đây của liên minh dầu mỏ này. Họ đã hai lần trì hoãn kế hoạch giảm dần mức cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày, lần đầu vào tháng 9 và lần thứ hai diễn ra vào đầu tháng này (kéo dài tới cuối tháng 12).
Thị trường còn đối mặt với thách thức từ sự phục hồi chậm chạp của nhu cầu từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu. Phản ánh thực tế này, OPEC đã phải hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 từ 1.6 triệu xuống 1.5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu còn chịu áp lực từ tình trạng dư cung, đặc biệt khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt ngoài liên minh OPEC như Mỹ, Canada, Guyana và Brazil cũng đang có kế hoạch tăng nguồn cung, ông Gloystein nhấn mạnh.
Sẽ là năm ảm đạm cho thị trường dầu mỏ?
Martoccia Francesco, Chiến lược gia năng lượng của Citibank, nhận định thị trường sẽ chứng kiến tình trạng dư cung trở nên trầm trọng hơn.
Ông cảnh báo thặng dư thị trường có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 1.6 triệu thùng/ngày nếu nhóm các nhà sản xuất thực hiện theo kế hoạch sản xuất của họ. Ngay cả khi OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng, Citibank vẫn dự báo giá dầu Brent chỉ đạt mức trung bình 60 USD/thùng trong năm tới.
Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại sẽ lớn hơn và tác động tiêu cực tới triển vọng của thị trường dầu.
"Nếu chúng ta thực sự rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại - đặc biệt là với Trung Quốc - chúng ta có thể thấy giá dầu giảm thấp hơn nữa", Kloza của OPIS nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|