Ngành hàng không “cất cánh” trong quý 3
Quý 3/2024 đánh dấu sự phục hồi toàn diện của ngành hàng không Việt Nam với những con số tăng trưởng ấn tượng, từ các hãng hàng không đến chuỗi doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ.
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 14.1 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ và gần như hồi phục hoàn toàn về mức trước dịch. Về du lịch nội địa, lượng khách đạt 100.5 triệu lượt.
Các hãng hàng không lãi lớn
Bức tranh kinh doanh của các hãng hàng không trong quý 3 cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ.
Vietnam Airlines (HOSE: HVN) tạo bất ngờ lớn khi ghi nhận lãi ròng 862 tỷ đồng, một sự thay đổi ngoạn mục so với khoản lỗ hơn 2,100 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng của các hãng đến từ nhiều yếu tố. Hãng hàng không quốc gia ghi nhận lượng khách nội địa tăng hơn 22% và khách quốc tế tăng 11%, đồng thời mở rộng mạng bay quốc tế với nhiều đường bay mới, trong đó có tuyến đến Munich (Đức). Bên cạnh đó, nhiều loại chi phí của Vietnam Airlines như tài chính, bán hàng, quản lý cũng giảm. Trong đó, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay chỉ bằng 30% quý 3/2023.
Vietjet Air cũng cho thấy sức bật ấn tượng. Doanh thu thuần 18,164 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 572 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 28% và 323% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp hàng không
Đvt: Tỷ đồng
Trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không, ông trùm ACV ghi nhận doanh thu thuần tăng 8% lên 5,655 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực từ tỷ giá đã khiến lợi nhuận ròng giảm 15% xuống còn 2,336 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 771 tỷ đồng từ khoản nợ ODA bằng đồng Yên.
Mảng dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng khởi sắc. CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài gòn (HOSE: SCS) có mức tăng trưởng vượt trội với doanh thu tăng 55% và duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 80%.
SCS cho biết, kết quả kinh doanh được cải thiện nhờ sản lượng công ty trong quý 3 tăng 42% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng quốc tế tăng 51%, quốc nội tăng 16% so với cùng kỳ.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (HOSE: NCT) cũng có kết quả khả quan với doanh thu tăng 25% và lợi nhuận ròng tăng 15%, phản ánh xu hướng phục hồi của hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Về dịch vụ thương mại và tiện ích sân bay, SASCO (UPCoM: SAS) tiếp tục khẳng định vị thế khi lập kỷ lục lợi nhuận 181 tỷ đồng trong quý 3, tăng 38% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 64%, kèm theo khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Các doanh nghiệp khác như NCS cũng tăng trưởng tích cực với doanh thu tăng 21% và lợi nhuận tăng 26%.
Ở chiều ngược lại, CTCP Dịch vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) chứng kiến hoạt động kinh doanh giảm nhẹ trong quý 3, với lãi ròng 68 tỷ đồng, giảm 5% so vưới cùng kỳ.
Chuẩn bị cho mùa cao điểm
Bước vào quý 4 – mùa cao điểm của khách quốc tế với khoảng 30% tổng lượng khách cả năm, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Nhiều hãng hàng không cũng lên kế hoạch thuê tàu bay mới. Vietnam Airlines vừa công bố kế hoạch thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, trong đó có 2 tàu thuê ướt (bao gồm tổ bay). Về phía Vietjet, hãng đã tiếp nhận 3 tàu bay mới trong tháng 10 và dự kiến trong quý 4 tiếp tục nhận thêm các tàu bay mới, thân thiện với môi trường .
Về dài hạn, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội kết nối với nhiều quốc gia hơn, tăng tần suất các chuyến bay quốc tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho toàn ngành.
Vũ Hạo
FILI
|