FLC Faros, siêu dự án Đại Ninh được 'phù phép' vốn nghìn tỷ gây hệ lụy rất lớn
Việc những công ty như FLC Faros hay siêu dự án Đại Ninh được 'phù phép' vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn khiến Đại biểu Quốc hội lo ngại hệ lụy rất lớn cho thị trường chứng khoán.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Liên quan đến Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách quan tâm đến việc dự án luật sửa đổi quy định hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng cần có báo cáo vốn điều lệ đóng góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.
Theo đại biểu, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực gốc và tổng số cổ phần phát hành. “Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác sẽ là sự đánh tráo với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ khi mua lần đầu đến những lần mua tiếp theo”, ông Toàn cảnh báo.
Đại biểu nêu ví dụ điển hình liên quan đến Công ty Faros của FLC, từ vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng, sau 5 lần tăng vốn đã lên đến 4.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2016). “Điều này gây ra hệ lụy rất lớn cho thị trường”, ông Toàn nói.
Hay đối với siêu dự án Đại Ninh, ông Toàn cho biết, qua nhiều lần “phù phép” đã nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. "Cách phù phép là bơm một số tiền nhất định vào tài khoản. Sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng vốn điều lệ", ông Toàn chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: QH
|
Đại biểu khẳng định, yếu tố kiểm toán rất cần thiết, đảm bảo cho thị trường chứng khoán minh bạch, trong sạch. “Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ sẽ không xảy ra những trường hợp trên”, ông Toàn nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết, để phòng ngừa các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phải đặt ra công tác quản lý nhà nước, trong đó có các nội dung, hoạt động liên quan đến kiểm toán độc lập.
“Vừa qua, chúng ta thấy hàng loạt hệ quả đặc biệt nghiêm trọng, đó là hội chứng từ sự yếu kém đến từ lỗ hổng trong kiểm toán độc lập”, đại biểu Long nói thêm.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng nguyên nhân của vấn đề trên là do không xác minh, xác định được hoạt động thực sự của doanh nghiệp sai phạm. Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự đang thiếu tội danh liên quan đến xử lý trực tiếp vi phạm trong hoạt động kiểm toán độc lập.
Đại biểu mong rằng, bên cạnh sửa đổi nội dung liên quan đến Luật Chứng khoán thì Luật Kiểm toán độc lập cũng cần được rà soát sửa đổi về các điều cấm để làm cơ sở xử lý.
Doanh nghiệp không tiền vẫn đăng ký vốn điều lệ 20.000 tỷ
Liên quan tới quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, phát biểu tại hội trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo Luật Doanh nghiệp, khi thành lập doanh nghiệp có quyền kê khai và chịu trách nhiệm với thông tin khai của mình. Do đó, có thể khi thành lập, tài khoản của doanh nghiệp không có tiền, không có trụ sở nhưng họ vẫn đăng ký vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, 20.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH
|
Theo Phó Thủ tướng, thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra như trên. Do vậy, ngoài sửa Luật Doanh nghiệp để siết lại quy định trên, khi sửa Luật Chứng khoán lần này cơ quan soạn thảo đưa ra quy định để tránh rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Về phát hành cổ phiếu ra công chúng, có ý kiến đại biểu cho rằng cần có tài sản đảm bảo, ngân hàng bảo lãnh. Ông Phớc cho hay ở dự thảo ban đầu, cơ quan soạn thảo có thiết kế, đưa vào quy định này.
Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia, bộ ngành thì nếu quy định doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, ngân hàng bảo lãnh mới được phát hành cổ phiếu ra công chúng có thể ảnh hưởng, bóp nghẹt thị trường.
Do đó, dự thảo trình Quốc hội đưa ra quy định cần đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp loại, đánh giá tín nhiệm khi phát hành ra công chúng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra việc phát hành để tránh rủi ro.
Quang Phong
VietNamNet
|