Động thái mới của chủ đầu tư sân golf Đà Lạt sau vi phạm về xây dựng tại Đồi Cù
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án sân golf Đà Lạt (hay Dalat Golf Club) của CTCP Hoàng Gia ĐL.
Báo cáo nêu, sân golf Đà Lạt 18 lỗ được thành lập từ năm 1922. Theo thời gian, nhu cầu chơi golf ngày càng tăng và đòi hỏi các dịch vụ kèm theo. Do đó, chủ đầu tư muốn xây dựng bổ sung khu nhà câu lạc bộ golf trong khuôn viên sân golf. Dự án sân golf Đà Lạt nằm trong khuôn viên tổng thể 62.4ha của sân golf Đà Lạt hiện hữu.
Các hạng mục giữ nguyên gồm: sân golf, công viên, cây xanh, mặt nước; tòa nhà câu lạc bộ (club house) cũ phía đường Trần Nhân Tông; nhà bảo trì phía đường Trần Quốc Toản.
Các công trình xây dựng mới gồm: nhà câu lạc bộ (club house) mới tiếp giáp đường Đinh Tiên Hoàng gồm khối nhà tiếp đoan, khối dịch vụ Golf 1 và 2; và một số công trình không có mái che như bãi đậu xe, giao thông nội bộ, sân bãi.
Dự án có phía Đông, Nam và Bắc giáp sân golf hiện hữu; phía Tây giáp đường golf số 8 và đường Đinh Tiên Hoàng. Tổng diện tích toàn khu đất là 624,038m2, chia làm hai gồm khu sân golf và khu công viên chuyên đề và dịch vụ. Tiến độ thực hiện dự kiến 1.5 năm.
Nguồn: Báo cáo tác động môi trường của Hoàng Gia ĐL
|
Cơ cấu đất tại khu sân golf gồm đất công trình dịch vụ du lịch 22,420m2 (chiếm 3.59%); đất trồng cỏ sân golf, đất cây xanh có thông, mặt nước 407,501m2 (chiếm 65.3%); đất giao thông, sân bãi 35,511m2 (6.17%).
Trong đó, tòa nhà CLB golf cũ được cải tạo có diện tích 5,625m2, cao tối đa 19m; nhà bảo trì 1,125m2, cao tối đa 1 tầng; tòa nhà CLB golf xây mới 6,120m2, cao từ 2-3 tầng; đất công trình không có mái che 9,550m2 (1.53%).
Còn khu công viên chuyên đề và dịch vụ có tổng diện tích 118,438m2 (chiếm 18.98%) với nhà nông cơ hiện trạng cải tạo 2,016m2 và công viên chuyên đề, thể dục thể thao 96,853m2 (15.52%).
Báo cáo của Hoàng Gia ĐL đánh giá tác động môi trường của dự án như sau:
- Ô nhiễm nước mặt và đất bởi chất hữu cơ và vi sinh từ nước thải sinh hoạt tại khu vực thi công: Mức độ tác động trung bình, thời gian tác động ngắn hạn, phạm vi tác động mang tính khu vực (ảnh hưởng tới một hoặc nhiều đối tượng có cùng bản chất cách khu vực thực hiện dự án một cách đáng kể hay khi việc tác động gây ảnh hưởng tới cả một vùng) và có thể tự đảo ngược (khả năng tác động có thể giảm dần theo thời gian và trở lại trạng thái ban đầu mà không cần can thiệp).
- Ô nhiễm không khí bởi bụi phát sinh từ hoạt động đào lắp và thi công bù ngang (hoạt động của máy móc thiết bị thi công): Nhỏ, ngắn hạn, địa phương (tác động đến một số đối tượng có cùng bản chất trong ranh giới ảnh hưởng của dự án hoặc gần kề) và có thể tự đảo ngược.
- Ô nhiễm bụi phát sinh từ hoạt động vận chuyển bằng đường bộ: Nhỏ, ngắn hạn, địa phương và có thể tự đảo ngược.
- Ô nhiễm khí thải từ công đoạn hàn, cắt kim loại: Nhỏ, ngắn hạn, địa phương và có thể tự đảo ngược.
- Ảnh hưởng đến cộng đồng do ô nhiễm bụi: Nhỏ, ngắn hạn, địa phương và có thể tự đảo ngược.
- Ô nhiễm rác: Trung bình, ngắn hạn, điểm (tác động chỉ ảnh hưởng tới một số đối tượng có cùng bản chất bên trong ranh giới ảnh hưởng của dự án) và có thể tự đảo ngược.
- Ảnh hưởng sinh hoạt cộng đồng do lầy hóa do bồi lắng đất xói do mưa: Trung bình, ngắn hạn, khu vực và có thể tự đảo ngược.
- Mất mỹ quan môi trường: Trung bình, ngắn hạn, điểm và có thể tự đảo ngược.
- Ô nhiễm đất và nước mặt bởi chất thải nguy hại: Trung bình (môi trường đất) và lớn (môi trường nước), dài hạn, khu vực và có thể tự đảo ngược.
- Nguy cơ ô nhiễm nước do nước mưa chảy tràn các chất ô nhiễm trên bề mặt công trường: Nhỏ (chất hữu cơ) – lớn (dầu), ngắn hạn (chất hữu cơ) – dài hạn (dầu), khu vực và có thể tự đảo ngược.
- Tác động do tiếng ồn: Nhỏ ngắn hạn, khu vực và có thể tự đảo ngược.
- Tác động do rung động: Không đáng kể.
- Tác động do rung đến các công trình liền kề: Không đáng kể.
- Cản trở và mất an toàn giao thông do thi công tại các vị trí giao cắt với đường hiện hữu: Lớn, ngắn hạn, điểm và có thể tự đỏa ngược.
- Tăng nguy cơ tai nạn giao thông do hoạt động vận chuyển làm rơi vãi vật liệu gây lầy hóa, trơn trượt: Trung bình, ngắn hạn, điểm và có thể tự đảo ngược.
- Nguy cơ lây lan truyền bệnh: Trung bình, ngắn hạn, điểm và có thể tự đảo ngược.
- Nguy cơ phát sinh mâu thuẫn: Trung bình, ngắn hạn, điểm và có thể tự đảo ngược.
Trước đó, ngày 11/01/2024, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt 240 triệu đồng đối với Hoàng Gia ĐL về hành vi xây không phép và xây sai phép tại dự án sân golf Đồi Cù của CTCP Hoàng GIa ĐL.
Hồi năm 2023, Công ty đề xuất làm khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp, hai khu hầm đậu xe 7 tầng ở sân golf Đồi Cù rộng hơn 62ha giữa TP. Đà Lạt. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó bác ý tưởng này với lý do các hạng mục trên chưa có trong quy hoạch.
Sau đó, TP Đà Lạt kiểm tra, phát hiện tại dự án có một số vi phạm. Cụ thể hơn, Hoàng Gia ĐL trong quá trình xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf ở lỗ golf số 8 (giáp đường Đinh Tiên Hoàng). Tòa nhà này không chỉ là cụm công trình sai phép và không phép mà còn sai quy hoạch khi chắn núi Langbiang, biểu tượng Đà Lạt - cao nguyên Lâm Viên, theo hướng nhìn từ hồ Xuân Hương.
Ngoài ra, trong Đồi Cù Đà Lạt có 2 khối công trình lớn, một khối công trình có diện tích 6,120m2 là công trình đã được cấp phép. Quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích sai phép hơn 3,300m2. Bên cạnh đó, trong công trình còn xây hơn 4,400 m2, 4 tầng nổi khi chưa có phép. Vì thế, cơ quan chức năng đã yêu cầu dự án phải dừng thi công, hoàn thiện hồ sơ.
Bên cạnh xử phạt, chính quyền yêu cầu đơn vị này phải dừng thi công tại công trình và liên hệ cơ quan chức năng xin cấp phép. Trong trường hợp được cấp phép, Công ty này buộc tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm ngoài phần được phê duyệt, trong thời gian 90 ngày để khắc phục.
* Vụ sai phạm ở Đồi Cù: Được "đồng ý miệng"?
Hoàng Gia ĐL công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án khu nghỉ mát Đà Lạt (điều chỉnh lần thứ 10 vào ngày 15/06/2022). Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 714,820m2. Tổng vốn đầu tư 2 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện dự án là hơn 848 tỷ đồng, còn vốn vay gần 1,152 tỷ đồng.
Một trong nội dung triển khai dự án khu nghỉ mát Đà Lạt là đầu tư xây dựng bổ sung công trình tòa nhà câu lạc bộ Golf với khối tiếp đón và khối dịch vụ có diện tích 6,120m2 - đúng bằng diện tích tòa nhà CLB golf xây mới Hoàng Gia ĐL đề cập ở trên. Bên cạnh đó là các bãi đỗ xe với tổng diện tích 9,550m2. Theo tiến độ dự kiến, tòa nhà này sẽ được triển khai từ quý 2/2022-quý 2/2025, sau đó sẽ đưa vào hoạt động.
Á hậu Dương Trương Thiên Lý nắm 78% vốn Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL có tiền thân là Liên danh DRI, hình thành từ năm 1991 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, thời hạn hoạt động liên danh 20 năm. Cơ cấu vốn gồm 50% trong nước vào 50% từ nước ngoài.
Trong đó vốn bên phía Việt Nam gồm quyền sử dụng 947,563m2 đất trong 20 năm trị giá hơn 13.1 triệu USD (tiền thuê đất cho cả thời gian liên danh 20 năm từ 1991-2011); nhà cửa trang thiết bị hiện có của sân golf, KS Dalat Palace, KS DuParc, Dinh 1 và 16 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo, trị giá gần 6.9 triệu USD. Vốn nước ngoài gồm chi phí cả tạo, nâng cấp cơ sở vật chất 16.5 triệu USD; phương tiện vận chuyển trị giá 3 triệu USD; tiền nước ngoài để làm vốn lưu động 500 ngàn USD.
Á hậu Dương Trương Thiên Lý
|
Năm 2005, hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng giá trị đầu tư trong Công ty liên doanh DRI để chuyển hình thức đầu tư sang 100% vốn nước ngoài. Hợp đồng chuyển nhượng giá trị đầu tư quy định chủ đầu tư bàn giao lại cho UBND tỉnh các tài sản gồm Dinh 1, 14 biệt thự Trần Hưng Đạo và giá trị chuyển nhượng 14.1 triệu USD.
Năm 2015, Công ty Danao Limited (trụ sở tại British Virgin Island) xuất hiện trong giấy phép đăng ký kinh doanh của Hoàng Gia ĐL với vai trò là chủ doanh nghiệp nắm 100% vốn (437.8 tỷ đồng).
Đến tháng 4/2016, vốn điều lệ Công ty đạt hơn 848 tỷ đồng – đây cũng chính là số tiền mặt mà Công ty phải góp để thực hiện khu nghỉ mát Đà Lạt.
Danh sách các cổ đông góp vốn cập nhật đến giữa năm 2022 cho thấy bà Dương Trương Thiên Lý góp 661.5 tỷ đồng (chiếm 78% vốn điều lệ), bà Nguyễn Thị Kim Phượng 178.1 tỷ đồng (21%), ông Trần Ngọc Nhật gần 8.5 tỷ đồng (1%).
Ông Nguyễn Hoàng Vũ hiện là Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Hoàng Gia ĐL.
Hà Lễ
FILI
|