!
Thứ Năm, 14/11/2024 09:02

Doanh nghiệp thủy sản hồi phục mạnh nhưng chưa hết lo

Quý 3, doanh thu các doanh nghiệp ngành thủy sản trên sàn hầu hết đều khả quan hơn so với cùng kỳ, thậm chí xuất hiện những con số kỷ lục. So với tôm, lợi nhuận nhóm cá tra khả quan hơn.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance của 19 doanh nghiệp thủy sản trên các sàn HOSE, HNX và UPCoM, 15 trong số này báo doanh thu và lợi nhuận tích cực hơn cùng kỳ.

Tổng doanh thu ngành đạt khoảng 20 ngàn tỷ đồng, tăng 24%, tiếp tục đi lên và hồi phục mạnh từ đáy quý 1/2023, thậm chí gần chạm đỉnh thời điểm giữa năm 2022 - giai đoạn thị trường tranh thủ nhập hàng trong bối cảnh lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự với Ukraine.

Tổng lãi ròng đạt 466 tỷ đồng, tăng 52% với sự khởi sắc hơn ở nhóm doanh nghiệp cá tra. Chi phí vận chuyển tiếp tục được người ta nhắc đến, là lý do khiến lợi nhuận ngành này chưa thể bứt phá.

Tổng doanh thu hồi phục từ đáy năm 2023 nhưng lợi nhuận vẫn chưa đạt kỳ vọng (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Cá tra thuận lợi nhưng lãi vẫn ở mức thấp

Trong 6 công ty đạt doanh thu ngàn tỷ đồng, chỉ có FMCMPC hoạt động mảng tôm; những cái tên còn lại đều kinh doanh cá tra, gồm: VHC, ANV, ASMIDI.

Doanh thu các ông lớn cá tra đều tăng trưởng so với cùng kỳ, từ mức thấp nhất 8% của IDI đến cao nhất 22% như ANV hay VHC.

Cụ thể, doanh thu Nam Việt (HOSE: ANV) đạt hơn 1.3 ngàn tỷ đồng, cao nhất 5 năm; còn Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đạt gần 3.3 ngàn tỷ đồng, cũng ở mặt bằng cao và liên tục đi lên từ đáy quý 1/2023. Dù bán hàng phục hồi mạnh, nếu nhìn lại 5 năm qua, lợi nhuận đợt này của ANV vẫn ở mức thấp (gần 28 tỷ đồng).

Chi phí vận chuyển đã tác động không hề nhỏ. Khoản chi của ANV gấp 3 lần cùng kỳ, lên mức 59 tỷ đồng - con số khá lớn nếu so với lãi ròng. “Do chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới làm giá cước tàu tăng cao” - ANV cho biết trong văn bản giải trình. VHC ít nhiều cũng bị ảnh hưởng với 40 tỷ đồng chi phí vận chuyển tăng thêm trong quý 3 năm nay so với 12 tỷ đồng cùng kỳ.

Cước tàu quốc tế tăng cũng được Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) nhắc đến khi nói về lý do giảm lãi 23%, dù doanh thu vẫn tăng nhẹ.

Lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM), công ty mẹ của IDI, theo đó cũng hãm đà tăng, do chi phí vận chuyển lên cao.

Mảng cá tra tích cực cả doanh thu lẫn lợi nhuận (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Mảng tôm chưa thể vui?

Quý 3 năm nay, doanh thu mảng tôm đón nhận tăng trưởng tích cực. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) ghi nhận hơn 4.3 ngàn tỷ đồng, thuận lợi nhất 2 năm qua. Còn Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đạt số kỷ lục với gần 2.9 ngàn tỷ đồng.

Song lợi nhuận lại là câu chuyện khác. Lãi ròng của FMC gần như không tăng, vẫn quanh mức gần 80 tỷ đồng, được cho là do giá nguyên liệu tăng đột biến vào cuối quý 3 khiến việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong đợi. Lý do khác là cước vận chuyển tăng cao. FMC còn phải trích trước chi phí thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp trên doanh thu bán hàng sang Mỹ.

MPC còn tiêu cực hơn khi lỗ lớn đến 94 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, "vua tôm" lỗ gần 54 tỷ đồng, khiến kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.2 ngàn tỷ đồng trở nên xa vời. “Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm thuộc Tập đoàn đạt hiệu quả thấp so với cùng kỳ” - MPC nói về lý do lỗ quý 3. Chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác tăng thêm 100 tỷ đồng cũng tác động đáng kể vào kết quả thất vọng này.

* "Vua tôm" Minh Phú dự lãi kỷ lục 1.2 ngàn tỷ năm 2024, liệu có xa vời?

Doanh thu mảng tôm thuận lợi nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Cước tàu cản đà tăng lợi nhuận

Ở nhóm các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, phần lớn báo lợi nhuận tăng trưởng hoặc bớt lỗ nhờ xuất khẩu tích cực. Nhưng điểm chung vẫn là chi phí vận chuyển tăng nhiều lần so với cùng kỳ.

Nhu cầu cá tra tăng do thị trường xuất khẩu có sự khởi sắc giúp Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (UPCoM: CCA) cải thiện lãi ròng, dù chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng. Còn cước tàu biển trong kỳ đã đội lên hơn 3 lần, đến 24 tỷ đồng so với 7 tỷ đồng ở cùng kỳ.

Số lượng cơ cấu bán hàng xuất khẩu của Camimex (UPCoM: CMM) tăng, đồng thời nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa hai kỳ đã mang về khoản lãi 25 tỷ đồng, gấp đôi quý 3/2023; nhưng vẫn không quá cao so với quá khứ, do chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Việc điều chỉnh cơ cấu các mặt hàng cá tôm đã đưa lợi nhuận Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD) hồi phục đáng kể. Nhưng SPD cũng thừa nhận: "Tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa hồi phục rõ rệt, chưa kể áp lực cạnh tranh giá bán với tôm Ecuador và Ấn Độ".

Nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Dự báo tiếp tục thuận lợi?

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tồn kho cá tra tại Mỹ đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, dự báo sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ bổ sung hàng cho mùa lễ hội cuối năm, trong khi nhu cầu các nước phương Tây có thể giảm do giữa năm đã nhập khá nhiều. Giá cá tra nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng bù lại cước vận tải và giá thức ăn chăn nuôi cũng đang trong xu hướng thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp.

Ngoài sự hồi phục tại thị trường Mỹ, trong báo cáo cuối tháng 10, Chứng khoán SSI nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá rô phi Trung Quốc (sản phẩm thay thế gần nhất của cá tra) sẽ giúp giá cá tra Việt Nam cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, Chứng khoán Mirae Asset nói thủy sản Việt Nam được có thể hưởng lợi khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ở góc độ thay thế các sản phẩm từ Trung Quốc, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng phải chịu mức thuế cao hơn khi nhập vào nước này.

Năm 2025, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành thủy sản trong khoảng 12-13%. Và khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) có hiệu lực, các ưu đãi về thuế sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là tôm và cá, theo quan điểm của Chứng khoán An Bình (ABS).

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   SCR: Nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phân phối cổ phiếu phát hành để hoán đổi nợ (12/11/2024)

>   ABS: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua giao dịch với bên có liên quan (12/11/2024)

>   VCI: Điều lệ công ty sửa đổi lần thứ 10 (12/11/2024)

>   TCD: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Hà Nội thay đổi lần 4 (12/11/2024)

>   VHM: Biên bản kiểm phiếu và Nghị quyết ĐHĐCĐ lấy ý kiến bằng văn bản lần 2 (12/11/2024)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 13/11/2024 (12/11/2024)

>   SPM: Biên bản kiểm phiếu và Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 (12/11/2024)

>   SPM: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền (12/11/2024)

>   FUEDCMID: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 10/11/2024 (12/11/2024)

>   FUEABVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 11/11/2024 (12/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật