COP29 đạt thỏa thuận lịch sử về thị trường tín chỉ carbon
Sau một thập kỷ đàm phán, các quốc gia đã thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon xuyên biên giới. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, mở đường cho dòng vốn tỷ USD đổ vào các dự án chống biến đổi khí hậu, góp phần kiềm chế nhiệt độ trái đất tăng cao.
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Azerbaijan (diễn ra vào ngày 11-22/11) đã đạt được thỏa thuận về khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, từ đó thiết lập nền tảng cho một hệ thống giao dịch minh bạch và đáng tin cậy, nhắm tới mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính - thủ phạm chính gây biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án xanh như trồng rừng hoặc phát triển điện gió tại các nước đang phát triển. Mỗi tấn khí thải được cắt giảm sẽ chuyển thành một tín chỉ, sau đó các quốc gia và doanh nghiệp có thể mua về để hoàn thành mục tiêu giảm phát thải.
Dù ý tưởng về thị trường tín chỉ carbon đã manh nha từ một thập kỷ trước, việc thiết lập khung pháp lý đảm bảo tính minh bạch và uy tín vẫn là thách thức lớn.
Tại hội nghị, các bên tập trung thảo luận về ba vấn đề then chốt: cơ chế vận hành sổ đăng ký tín chỉ, quy định chia sẻ thông tin và phương án xử lý khi dự án gặp trục trặc.
Chủ tịch COP29 đề xuất cho phép một số quốc gia phát hành tín chỉ carbon qua hệ thống sổ đăng ký riêng mà không cần phê duyệt từ Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cần giám sát chặt các giao dịch, đặc biệt với những nước thiếu năng lực quản lý. Mỹ cũng khẳng định giao dịch chỉ dựa trên sổ đăng ký quốc gia chưa đủ điều kiện được Liên Hợp Quốc công nhận.
Song, ông Pedro Barata, chuyên gia tại Environmental Defense Fund lại khẳng định: "Đây là một hệ thống giao dịch quốc tế đáng tin cậy, dù còn thiếu tính ràng buộc".
Kết thúc phiên thảo luận, các quốc gia đồng thuận rằng sổ đăng ký chỉ đóng vai trò ghi nhận, không quyết định chất lượng tín chỉ hay chứng thực cho đơn vị phát hành.
Thực tế, thị trường đã có giao dịch đầu tiên từ tháng 1 năm nay giữa Thụy Sĩ và Thái Lan. Song các thỏa thuận này còn nhiều hạn chế. Một khung pháp lý rõ ràng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy giao dịch carbon, thu hút thêm nhiều quốc gia tham gia.
Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế (IETA) dự báo thị trường tín chỉ carbon toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có thể đạt 250 tỷ USD mỗi năm vào 2030, góp phần cắt giảm tới 5 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm.
Thỏa thuận tại COP29 được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu, hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong những năm tới.
Thiên Vân (Theo Reuters)
FILI
|