Chứng khoán Everest tăng đầu tư vào thương vụ “siêu lời”
Trong liên tiếp hai ngày 07 - 08/11/2024, CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) đã mua vào lần lượt 300 ngàn cp và gần 1.9 triệu cp của CTCP G-Automobile (HNX: GMA), tăng sở hữu từ gần 1.1 triệu cp (tỷ lệ 5.4%) lên hơn 3.2 triệu cp (tỷ lệ 16.17%).
Thống kê giao dịch cổ phiếu GMA trong hai ngày kể trên có thể thấy hai giao dịch thỏa thuận với khối lượng tương tự, giá trị lần lượt 15.9 tỷ đồng và gần 98.3 tỷ đồng, tương ứng 53,000 đồng/cp, thấp hơn đôi chút thị giá đóng cửa 53,600 đồng/cp.
Như vậy, có thể EVS đã chi tổng cộng gần 114.2 tỷ đồng để sở hữu thêm gần 2.2 triệu cp GMA.
Trên thị trường, cổ phiếu GMA gần như không có thanh khoản kể từ giữa năm 2022, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện các giao dịch khớp lệnh với khối lượng thấp.
Không chỉ dừng lại ở việc trực tiếp sở hữu 16.17% vốn, EVS còn mối quan hệ mật thiết với ba cổ đông khác của GMA, trong đó có hai tổ chức là cổ đông lớn, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư G-Holding nắm gần 1.4 triệu cp (tỷ lệ 6.84%) và CTCP Tập đoàn Gami nắm gần 1.3 triệu cp (tỷ lệ 6.48%). Cổ đông có liên quan còn lại là ông Nguyễn Hải Châu nắm 180 ngàn cp (tỷ lệ 0.9%).
Ông Nguyễn Hải Châu không phải cái tên xa lạ khi chính là Chủ tịch HĐQT, Thành viên Ủy ban Kiểm toán EVS, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gami. Trong khi đó, chủ sở hữu của Đầu tư G-Holding là ông Trần Đình Cường - cá nhân cũng nằm trong Thành viên HĐQT EVS.
Như vậy, tổng lượng cổ phiếu GMA mà EVS và các bên có liên quan nắm giữ đã lên đến gần 6.1 triệu cp (tỷ lệ 30.39%).
Mặt khác, khoản đầu tư vào GMA có thể được xem là thương vụ “siêu lợi nhuận” của EVS. Theo dữ liệu trên BCTC soát xét bán niên 2024, EVS ghi nhận giá mua vào lượng cổ phiếu GMA chỉ là 5 tỷ đồng, trong khi giá thị trường hơn 48 tỷ đồng, tức gấp đến 9.6 lần.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 của EVS
|
CTCP G-Automobile (GMA) tiền thân là CTCP Enteco Việt Nam, được thành lập ngày 10/10/2011 và hoạt động chính trong các lĩnh vực cho thuê máy móc thiết bị công trình; dịch vụ sửa chữa máy móc thiết bị công trình và hoạt động sản xuất sản phẩm thiết bị công trình phục vụ ngành thi công nền móng, xây dựng dân dụng.
Năm 2022, công ty tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên gần 200 tỷ đồng, đồng thời kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành. Theo đó, Công ty định hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư sang mảng ô tô bao gồm đại lý ô tô, dịch vụ ô tô, công nghệ liên quan đến ô tô. Cùng năm, Công ty chính thức đổi tên thành CTCP G-Automobile và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới.
GMA hoạt động với 3 công ty thành viên, gồm Công ty TNHH Cho thuê Ô tô An Hòa Phát (Avis Việt Nam) (sở hữu 90%), CTCP Truyền thông và Dữ liệu thanh toán An Du (sở hữu 55%) và CTCP Đầu tư Thương mại An Dân Hà Nội (sở hữu 30.875%).
Trong đó, Avis Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe ô tô, thuộc hệ sinh thái của Avis toàn cầu - thương hiệu xe ô tô lớn trên thế giới. Còn An Du chuyên kinh doanh và sửa chữa xe Mercedes-Benz, thường được biết đến là Mercedes-Benz An Du.
Các Công ty thành viên của GMA
Nguồn: Website GMA
|
* Tự doanh gặp khó, Chứng khoán Everest chịu lỗ trong quý 3
Huy Khải
FILI
|