Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Bên cạnh các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, phương tiện vận tải, máy điều hòa nhiệt độ và một số hàng hóa khác, một trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm là việc bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chiều 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ thống nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Đóng góp ý kiến vào nội dung bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hoá) bày tỏ thống nhất với việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng sản xuất tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ uống và người tiêu dùng chuyển sang sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy, khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp. Đồng thời việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành.
Vì vậy, việc bổ sung chính sách cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để việc triển khai thực hiện được thông suốt; cần phải cân đối mục tiêu, định hướng hành vi của người tiêu dùng để góp phần hạn chế bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này.
Các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm bảo đảm kịp thời thích ứng với các chính sách mới, nâng cao tính tuân thủ cũng như tạo đà cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác thay thế hoặc là sẵn sàng trả mức cao hơn khi tiêu thụ sản phẩm này, vẫn bảo đảm đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe như đã nêu tại tờ trình.
Đại biểu đề nghị quy định về lộ trình thực hiện mức thuế suất tại dự thảo luật như sau: Từ ngày luật có hiệu lực và kéo dài trong vòng một năm, mức thuế suất là 5%; sau ngày luật có hiệu lực 1 năm, mức thuế suất là 7.5%; sau ngày luật có hiệu lực 2 năm mức thuế suất là 10%. Đây là mức thuế mà Chính phủ đề nghị áp dụng ngay tại thời điểm luật có hiệu lực.
Việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ bảo đảm quá trình triển khai không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thời gian để điều chỉnh chiến lược sản phẩm, chuyển sang sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Bởi việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường có thể sẽ không làm người tiêu dùng từ bỏ tiêu thụ nước giải khát có đường mà chỉ làm họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang các đồ uống có đường không bị ảnh hưởng bởi thuế, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm mà khó có cơ quan nào có thể xác định được lượng đường trong các loại đồ uống này.
Điều này vừa gây thất thu thuế, vừa đi ngược lại mục tiêu xây dựng luật, làm mở rộng cơ sở thuế và nâng cao sức khỏe cộng đồng, thậm chí gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là chỉ cần không dùng đồ uống có đường sẽ không bị béo phì và các bệnh có liên quan.
Đại biểu dẫn các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây bệnh thừa cân, béo phì. Thực tiễn cho thấy không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, ví dụ như là Mexico, Philippines, Ấn Độ, Phần Lan, Bỉ đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ béo phì thì vẫn tăng đều, trong khi các quốc gia không áp thuế như Nhật Bản, Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.
Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh lây nhiễm khác.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm mục tiêu của chính sách để bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) đề nghị có một danh mục cụ thể liệt kê loại thức uống nào, loại giải khát nào có đường cần phải có thuế tiêu thụ đặc biệt và danh mục này có thể giao cho Chính phủ điều chỉnh từng thời kỳ.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
|
Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo tiêu chuẩn của Việt Nam với hàm lượng là 5g/100ml, tiêu chuẩn của Việt Nam là do Chính phủ quy định. Vì vậy, Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Đại biểu lo ví dụ như nước dừa có phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hay không? Hay sữa, sản phẩm từ sữa, sản phẩm lỏng có lợi cho dinh dưỡng hay là nước hoa quả nguyên chất, ca cao…. Chính phủ sẽ có quy định tại nghị định", Phó Thủ tướng cho biết.
Vấn đề thứ hai, tại sao chúng ta lại đánh thuế đối với nước giải khát có đường mà lại không đánh thuế đối với các chất đường rắn? Theo Phó Thủ tướng, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức y tế đánh giá, dạng nước giải khát có đường lỏng thì sẽ hấp thụ vào gan rất nhanh, như vậy sẽ gây ra các bệnh, ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc là các bệnh khác. Đối với loại đường thể rắn thì dung nạp sẽ chậm hơn và tác động sẽ chậm hơn, vì vậy được kiểm soát và ngăn ngừa tốt hơn. Đó là lý do đánh thuế nước giải khát có đường.
Nhật Quang
FILI
|