Cần áp dụng mức thuế đủ mạnh với đồ uống có đường
Các chuyên gia đều cho rằng, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên và quá nhiều là yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Sáng 24/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Toàn cảnh Hội thảo
|
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên và quá nhiều là yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe. Lượng đường tự do trong khẩu phần tiêu thụ của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để đảm bảo các lợi ích về sức khỏe; tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.
"Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần", Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai khuyến nghị.
Theo các đại biểu, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ uống có đường. Xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em.
Đặc biệt, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Các đại biểu cho rằng, việc này vừa giúp tằng nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế trực tiếp để điều trị đối với các bệnh mãn tính, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em trong chăm sóc dinh dưỡng.
Về phương pháp tính thuế và thuế suất, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để đến 2030 thuế suất đạt 20% giá bán lẻ, đạt mức đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của WHO.
Cùng với đó, cần có lộ trình đổi mới phương pháp tính thuế từ thuế theo tỷ lệ sang phương pháp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp để tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe của chính sách, theo đúng định hướng "nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế" của Chiến lược Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt cho giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu cũng lưu ý, cần phải có lộ trình tính đến hàm lượng đường khi xây dựng mức thuế nhằm tạo sự khác biệt về giá giữa đồ uống có hàm lượng đường thấp với đồ uống có hàm lượng đường cao, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm lượng đường trong đồ uống, cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm ít đường hơn hoặc không đường, duy trì được doanh số bán, giảm thiểu tác động của chính sách đến doanh nghiệp.
Bên cạnh giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, một số ý kiến đại biểu cũng khuyến nghị, cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao và thay đổi nhận thức về hành vi đối với đồ uống có đường, cũng như các thực phẩm chứa đường khác.
Đối với giải pháp về chính sách pháp luật, các đại biểu cho rằng, không chỉ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mà các Luật khác về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, quảng cáo... cũng cần có quy định về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu kết thúc nội dung hội thảo
|
Phát biểu kết thúc nội dung hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo hôm nay là nguồn thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình nghiên cứu, góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như trong việc xem xét, quyết định những vấn đề liên quan tới trẻ em của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, của các đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.
Tùng Phong
FILI
|