Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của nền kinh tế
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến tín dụng bất động sản, lãi suất cho vay và các vấn đề liên quan đến tín dụng cho nhà ở xã hội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng làm rõ một số nội dung liên quan đến tín dụng bất động sản
|
Tín dụng bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của nền kinh tế
Tại phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội chiều ngày 28/10 liên quan đến báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Về tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh, trong đó vốn ngân hàng chỉ là một kênh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng sẽ tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, thời hạn, lãi suất.
Khác với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường, các tổ chức tín dụng ngoài kinh doanh theo mục tiêu, kế hoạch kinh doanh còn cần phải luôn luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN và phải đảm bảo thu hồi vốn để sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.
Vì thế, ngay cả khi có những dự án khả thi và có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn có thể phải từ chối cho vay. Hệ thống ngân hàng huy động chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho vay của thị trường bất động sản lại là dài hạn, nên việc cân đối nguồn vốn, kỳ hạn rất quan trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua và thường là tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thống đốc cho biết, hiện nay số dư nợ của tín dụng bất động sản lên đến 3.15 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.
Tại báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội có nêu ý: "các dự án bất động sản mới khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng". Về nội dung này, Thống đốc cho rằng việc này có liên quan đến sự kiện sự cố rút tiền hàng loạt bắt đầu từ ngày 06/10/2022 tại SCB.
NHNN đã phải đặt mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm an toàn hệ thống và theo đó là phải đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền. NHNN đã tăng lãi suất trong tháng 10/2022, cũng như chưa nới room tín dụng,... và thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo cải thiện thanh khoản hệ thống. Khi hệ thống thanh khoản cải thiện trở lại, NHNN đã nới room tín dụng vào tháng 12/2022. Vào thời điểm đó, các tổ chức tín dụng cũng lo ngại rủi ro người dân có thể sẽ rút tiền tại tổ chức tín dụng của mình, nên cũng rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài.
Về nhận định lãi suất còn cao, Thống đốc cho rằng, doanh nghiệp đi vay bao giờ cũng muốn lãi suất vay thấp và nếu so với mong muốn của doanh nghiệp nhận định lãi suất còn cao bao giờ cũng là đúng và là điều dễ hiểu.
Dẫn chứng số liệu, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã kiểm soát được và lãi suất cho vay mới đến nay giảm khoảng 3% so với cuối năm 2022. Hơn nữa, khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi… và ước tính con số này lên tới 60 ngàn tỷ đồng.
Thống đốc cho biết, các khoản cho vay đối với bất động sản là kỳ hạn dài nên thường lãi suất sẽ cao hơn với so với lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn.
Gói cho vay nhà ở xã hội 145 ngàn tỷ đồng mới ở giai đoạn đầu
Theo Thống đốc, để thực hiện cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội nó phụ thuộc rất là nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước. Hiện nay có một số chương trình cho vay nhà ở xã hội như: Cho vay theo Nghị định 100 qua các ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội; Các chương trình cho vay nhà ở đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền Trung; cho vay xây dựng cụm, tuyến dân cư ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; Cho vay hỗ trợ đất ở theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các chương trình này là đang được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các đối tượng được vay đều hoàn toàn do các bộ, các ngành xác định và quy định rất rõ. Còn Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện giải ngân sau khi đã thẩm định toàn bộ hồ sơ, đúng đối tượng cho vay theo quy định của các bộ, các ngành đã đưa ra.
Thống đốc cũng nhấn mạnh đến vấn đề nguồn vốn cho vay còn hạn chế. Theo đó, thời gian qua trong điều kiện Ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa bố trí được nhiều, hệ thống ngân hàng hưởng ứng đề án hướng đến 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, ngành Ngân hàng đã đưa ra gói 120 ngàn tỷ đồng và đến nay gói này đã tăng lên 145 ngàn tỷ đồng, đây là nguồn vốn mà tự các tổ chức tín dụng bố trí được, với lãi suất giảm từ 1.5 - 2%/năm cho khách hàng vay, thời hạn cho vay đối với chủ đầu tư trong 3 năm và đối với người vay vốn mua nhà là trong 5 năm. Tuy nhiên số dư giải ngân đến nay vẫn còn rất ít, mới khoảng 1,700 tỷ đồng.
Đây cũng mới là giai đoạn đầu của quá trình triển khai Đề án này. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19 vừa qua, thu nhập bị ảnh hưởng khiến nhu cầu vốn chưa cao. Trong thời gian tới khi khó khăn bớt đi, nhu cầu này kỳ vọng sẽ tăng lên.
Thống đốc NHNN đặc biệt đồng tình với phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, đó là cần nguồn lực từ NSNN và cũng cần phải khảo sát xem nhu cầu là sở hữu nhà ở hay là nhu cầu đi thuê nhà để từ đó có các giải pháp phù hợp.
Huy Khải
FILI
|