Thị trường chứng khoán có gần 20% mã lập đỉnh thời đại từ đầu năm 2024
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua 203 phiên giao dịch của năm 2024. Dù đang có những khó khăn trong việc chinh phục mốc 1,300 điểm nhưng thực tế không ít các cổ phiếu đã có đỉnh thời đại tính từ đầu năm.
Gần 20% mã chứng khoán đã có giá kỷ lục thời đại trên cả 3 sàn
Mốc 1,300 điểm tiếp tục là một chướng ngại lớn với thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index đã có hơn 6 lần phải đón nhận thất bại. Những vận động hiện tại đang có phần làm bào mòn niềm tin của những nhà đầu tư còn "trụ" lại trên thị trường.
Dù vậy, vẫn cần nhìn lại bức tranh thị trường sau 203 phiên giao dịch của năm 2024. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng 10,87% và đang ở năm tăng giá thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, 2 chỉ số HNX-Index và UCPoM-Index có thành tích trái chiều, giảm 2.77% và tăng 5.49%.
Trong bối cảnh chỉ số VN-Index còn cách đỉnh thời đại (1,536 điểm) khoảng 18%, nhiều cổ phiếu trên cả 3 sàn vẫn có giá cao nhất lịch sử sau 203 phiên giao dịch.
Đáng chú ý nhất gần đây là trường hợp của cổ phiếu BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) đã liên tục lập kỷ lục giá nhờ lợi nhuận sau thuế quý 3/2024 tăng trưởng 39% so với cùng kỳ và thông báo tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 57.4%.
Tuy nhiên, BMP chỉ là một trường hợp điển hình bởi theo thống kê có 316 mã đã có giá kỷ lục trên cả 3 sàn, tương đương tỷ lệ gần 20% số mã chứng khoán.
Với nhiều cổ phiếu có trạng thái thanh khoản kém, nhà đầu tư "đi tiền lớn" có thể sẽ khó tham gia tìm kiếm cơ hội giao dịch. Thực tế, BMP vẫn chưa lọt vào top 20 mã có thanh khoản cao nhất trong số 316 mã lập kỷ lục giá từ đầu năm 2024.
Thanh khoản và thành tích của 20 cổ phiếu “mạnh nhất” thị trường chứng khoán Việt Nam.
|
Theo thống kê, Top 20 mã có thanh khoản cao nhất tăng trưởng bình quân 30% từ đầu năm 2024 với khối lượng giao dịch bình quân (dựa trên bình quân 20 phiên gần nhất) gần 4 triệu đơn vị. Nổi bật nhất về thanh khoản là MBB với hơn 14 triệu cổ phiếu/phiên trong khi LPB lại có mức tăng trưởng tới 104% từ đầu năm 2024.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu Tài chính vẫn thể hiện được sự ưu tiên của dòng tiền lớn với các mã MBB, ACB, CTG, EVF, MBS, LPB, BID, FTS, NAB, CTS, VCB áp đảo trong danh sách được thống kê.
Các cổ phiếu làm gì sau khi lập kỷ lục?
Một câu hỏi được không ít nhà đầu tư đặt ra là "Các cổ phiếu làm gì sau khi lập kỷ lục?". Theo thống kê sau phiên giao dịch 25/10, 316 mã đã lập kỷ lục giá trong năm 2024 đã giảm bình quân 18,3% từ đỉnh thời đại, cho thấy trạng thái điều chỉnh (giảm trên 10%).
Cá biệt một số mã còn ở trong thị trường con gấu (Bear market) với mức giảm trên 20% như TV2 (-46%), EVF (-46%), VGI (-42%).
EVF đã giảm 46% từ đỉnh sau khi lập kỷ lục.
|
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chỉ còn đang giảm 5-10% (Pullback) như MBB (-6%), ACB (-6%), HDB (-6%), CTG (-8%)… và dưới 5% (Noise) như FUEVFVND (-4%), DBD (-2%), BMP (-2%). ..
Về mặt xác suất, các cổ phiếu nằm trong nhóm Pullback và Noise vẫn có khả năng cao tiếp tục lập kỷ lục mới, được thể hiện qua những vận động vừa qua của các cổ phiếu BMP, DBD, MCH…
Ngoài ra, các biến số như câu chuyên nội tại của doanh nghiệp và bối cảnh thị trường cũng sẽ ảnh hưởng tới các chuyển động giá cổ phiếu.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư không nên quá bận tâm tới câu chuyện định giá của thị trường chung.
"Định giá của thị trường hiện không còn ở mức thấp nhưng câu chuyện định giá cao chưa phải thời điểm nói đến. Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang ở trong quá trình hồi phục. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III/2024, định giá P/E có thể sẽ còn rẻ hơn. Vấn đề của thị trường là cần cú kích thích mạnh hơn trong thời gian tới", ông Minh cho biết thêm.
Quân Mai
FILI
|