Thách thức cũng là cơ hội, BAF đã làm gì để đón đầu làn sóng chăn nuôi sắp tới?
Trong buổi tiếp xúc với nhà đầu tư vào ngày 28/09, Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Kỹ thuật của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cho rằng thời gian tới ngành chăn nuôi sẽ có những khó khăn nhất định trước hệ quả của dịch bệnh và lũ lụt từ cơn bão Yagi. Tuy nhiên, trong thách thức tồn tại cơ hội, và Doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị.
Nhận định về tình hình chung của ngành chăn nuôi heo Việt Nam, ông Minh cho biết từ năm 2019 tới nay, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã gây ra biến động lớn. Trước đó, có tới 70% các trại chăn nuôi là từ hộ nuôi nhỏ, nhưng sau giảm rõ rệt. Năm 2024, số lượng các trại công nghiệp thuộc công ty chăn nuôi đã đạt tỷ trọng 40%, và xu hướng tiếp tục gia tăng.
“Như Chủ tịch Trương Sỹ Bá từng nói, BAF sẽ tìm cách lấp đầy phần thiếu hụt heo từ các trang trại nhỏ không có khả năng tái đàn hoặc từ bỏ chăn nuôi heo” – trích lời ông Minh.
Dẫn số liệu, giai đoạn 2019 – 2020, đàn heo xuất chuồng toàn quốc giảm còn 32 triệu con, có xu hướng hồi phục tại 2021-2023, nhưng đến 2024 lại bị tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm còn 37 triệu con. Có nhiều nguyên nhân đứng sau, nhưng nổi bật là dịch tả heo châu Phi (ASF) từ cuối 2023 – đầu 2024, và lũ lụt từ bão Yagi gây ảnh hưởng vào cuối 2024 - đầu 2025.
“Nhìn vào tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, trung bình năm 2022 - 2024 ở mức khoảng 22 triệu tấn, trong đó trên 50% là cám heo. Năm 2023, thực tế cám heo chỉ đạt 10.9 triệu tấn, đến 2024 còn 8.7 triệu tấn - tức đi lùi 20% - vì số đầu heo giảm do dịch bệnh, lũ lụt. Sản lượng heo qua đó có thể giảm 8-12%. Nhưng đây cũng là cơ hội để các đơn vị như BAF đầu tư trang trại bài bản, công nghệ để kiểm soát tốt hơn. Thách thức chính là cơ hội” – ông nhận định.
Nguồn: BAF, AgroMonitor
|
Trong khi đó, số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tính tới ngày 16/09, bão Yagi gây ra thiệt hại khoảng 26,500 gia súc cùng hơn 2.9 triệu gia cầm bị chết, và 100,000 - 150,000 con heo bán chạy lũ. Tuy nhiên, đại diện BAF cho biết đây chỉ là những con số thống kê được.
“Còn rất nhiều con số khác không thể thống kê, cũng như ảnh hưởng của bão mà chưa ‘ngấm’ vào thị trường. Khi lũ ngập, các vùng chăn nuôi, trang trại đều ảnh hưởng, khi thiết bị chuồng trại không sử dụng được, trang trại cũ sập, phải xây mới, nghĩa là không có cơ hội tái đàn lập tức”.
Bên cạnh đó, lũ lụt kéo dài khiến các thiết bị điện, công nghệ cũng không hồi phục được, nghĩa là phải đầu tư thêm và phải có tiền, tức chi phí sản xuất tăng thêm và gặp bất lợi. Ngoài ra, nhiều trại giống bị ảnh hưởng, dẫn đến ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch phát triển đàn 2025. Cuối cùng, lũ lụt gây ngập úng sẽ dẫn đến dịch bệnh, bởi dịch bệnh lây qua nguồn nước là mạnh nhất, trong đó ASF là rất nghiêm trọng.
“Nếu cứ ngập úng kéo dài, trong ngắn hạn, giá heo có thể chưa tăng nhiều vì nguồn cung tăng do bán heo chạy dịch. Nhưng từ đầu tháng 12, giá heo sẽ ở mức rất cao, dù con số cụ thể là bao nhiêu thì cũng chưa thể lường trước” – ông cho hay.
Một khó khăn nữa là chi phí vận chuyển gia tăng, qua đó gây ảnh hưởng đến giá, nhưng cùng với đó mang lại lợi thế. “Với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm giá, đây sẽ là lợi thế cho các đơn vị chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi BAF – thành viên thuộc Tập đoàn Tân Long, nằm trong nhóm dẫn đầu về cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thô”.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm thị trường cũng đang có xu hướng giảm. Trung bình giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường đã giảm còn khoảng 10,500 – 10,800 đồng/kg, và ông Minh tin rằng BAF còn kiểm soát tốt hơn giá này.
Nguồn: BAF, AgroMonitor
|
Về cơ hội phục hồi heo sau dịch, ước tính sau 2025, đàn heo tại Việt Nam sẽ có điều kiện phục hồi hơn so với 2023-2024, nhưng chỉ tăng từ 37 lên khoảng 40 triệu con, chưa đạt mức thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ.
BAF đã làm gì?
Kế hoạch 2030, BAF đặt mục tiêu 450,000 nái và 10 triệu heo thương phẩm, được nhận định là kế hoạch rất thách thức. Để đạt mục tiêu, BAF có sự chuẩn bị.
“Về mặt công nghệ, gần đây, BAF đã ký hợp đồng hợp tác cùng Tập đoàn Muyuan – tập đoàn chăn nuôi có quy mô top đầu thế giới. Riêng năm 2023, Muyuan đã xuất chuồng 63 triệu con heo, nhiều hơn tổng sản lượng heo tại Việt Nam.
BAF sẽ học hỏi và áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của đàn heo, tăng hiệu quả kinh doanh và từ đó đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường. Bên cạnh đó, Muyuan có thể giúp BAF giảm giá thành của heo, từ đó tăng lợi nhuận lên. Hiện tại, giá thành sản xuất của Muyuan khoảng 13.8 tệ (40,000 đồng/kg). Muyuan cũng đặt mục tiêu đến 2030, giá thành tại Trung Quốc có thể về 11.25 tệ, và giá cost ở Trung Quốc vốn cũng đã ở mức cao rồi”.
Các công nghệ chăn nuôi, Muyuan có thể chuyển giao một số công nghệ cốt lõi như xây chuồng cao tầng, cho ăn chính xác, hệ thống quản lý, khử mùi… tất cả đều giúp chi phí tối ưu nhất.
Công nghệ chuồng trại nhà tầng của Muyuan. Ảnh: Muyuan
|
Với hệ thống trang trại, thay vì tập trung tại khu vực nhất định, BAF đang phát triển với độ phủ 3 miền với mục tiêu cân bằng thị trường. Trong đó, miền Nam tập trung ở Tây Ninh; Tây Nguyên là Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai; miền Trung và Bắc tập trung ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh. Song song đó, BAF phát triển đàn giống, cùng với nhà máy cung cấp thức ăn.
Kế hoạch tổng thể năm 2030, BAF sẽ nâng tổng số trang trại lên 102 trang trại, tổng đàn nái 450,000 con, 10 triệu heo thương phẩm xuất chuồng, trong đó 8 triệu là heo nội bộ, 2 triệu là heo hợp tác liên kết. Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất đạt 2.2 triệu tấn, với 2 triệu phục vụ heo nội bộ, 0.2 triệu tấn dành cho heo liên kết.
BAF tiết lộ, năm 2024 gần như đạt mục tiêu về tổng đàn của năm, và tổng đàn nái năm nay sẽ dao động từ 68,000 – 75,000 con. Trong đó, có sự tham gia của cụm trại Hải Hà sắp đi vào vận hành trong tháng 10/2024.
Trại Hải Hà có quy mô tương tự như cụm trại Hải Đăng mà BAF khánh thành trong năm nay. Quy mô trại gồm 5,000 nái và 60,000 heo thịt, được xây dựng trên diện tích 46ha tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, Móng Cái, Quảng Ninh. Trang trại có tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, được áp dụng một số công nghệ mới từ Muyuan, như mô hình quản lý, công nghệ khử mùi, đảm bảo an toàn sinh học tối đa.
Toàn cảnh trại Hải Hà sắp khánh thành của BAF. Nguồn: BAF
|
Dự kiến, trại sẽ thả heo vào giữa tháng 10/2024, cho ra lứa heo thương phẩm đầu tiên vào tháng 10/2025, ước tính đóng góp 750 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho BAF (với giá heo khoảng 5 triệu đồng/con).
Mục tiêu đến 2025, tổng đàn của BAF sẽ lên khoảng trên 100,000 nái; đến 2026 là trên 185,000 nái; 2027 rơi vào khoảng 260,000 heo nái.
“Đây là mục tiêu thách thức. Trước kia chúng tôi đặt mục tiêu thấp hơn, nhưng sau khi hợp tác với Muyuan đã mạnh dạn nâng mục tiêu. Quy mô phát triển đàn như vậy, mỗi năm sẽ phải đưa vào vận hành 10-12 trang trại, tương ứng phát triển 60,000 - 70,000 heo nái phát triển thêm".
Châu An
FILI
|