SMC lỗ tiếp gần 80 tỷ đồng trong quý 3, vẫn chưa xử lý khoản nợ xấu của Novaland
Khó khăn vẫn đang bủa vây CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) khi báo cáo tài chính quý 3/2024 tiếp tục cho thấy bức tranh u ám.
Từng là doanh nghiệp hoạt động khá thuận lợi trong ngành thép, SMC đang phải vật lộn với chuỗi khó khăn kéo dài kể từ khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2022.
Kết quả kinh doanh của SMC từ năm 2011 |
|
Với đặc thù phụ thuộc nhiều vào thị trường xây dựng, doanh nghiệp không chỉ chứng kiến hoạt động kinh doanh chững lại mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khoản nợ xấu hơn 1,000 tỷ đồng từ các công ty bất động sản và xây dựng, nhất là Novaland.
Vòng xoáy thua lỗ
Những rắc rối đó vẫn bám lấy SMC trong quý 3/2024. Doanh thu thuần trong quý chỉ đạt 2,276 tỷ đồng, giảm mạnh 27.5% so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận gộp có cải thiện, nhưng gánh nặng chi phí tài chính vẫn đè nặng lên doanh nghiệp. Riêng chi phí lãi vay đã ngốn của SMC gần 52 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp thép ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 82 tỷ đồng trong quý 3, đánh dấu quý lỗ thứ 7 trong 9 quý vừa qua.
Kết quả kinh doanh quý 3 của SMC
Đvt: Tỷ đồng
Nhìn rộng ra bức tranh 9 tháng đầu năm, doanh thu của SMC giảm gần 36% xuống còn 6,747 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty vẫn lãi ròng 6.8 tỷ đồng, nhờ các khoản thu nhập ngoài hoạt động cốt lõi.
Trước áp lực từ khoản nợ xấu ngàn tỷ từ Novaland, cùng với thị trường bất động sản và xây dựng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi chậm, SMC đang chật vật xoay sở bằng cách bán tài sản. Đến nay, họ đã bán khoản đầu tư vào cổ phiếu NKG, bán tòa nhà trụ sở và chuyển quyền sử dụng đất ở nhà máy Đà Nẵng. Song song đó, công ty cũng đang chuẩn bị phương án phát hành riêng lẻ để huy động vốn.
Rủi ro hủy niêm yết
Vấn đề cấp bách hơn với SMC là họ sẽ xoay chuyển tình hình kinh doanh và xử lý khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng ở các công ty bất động sản ra sao. Nếu tiếp tục ghi nhận thêm 1 năm thua lỗ, Công ty có thể đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết.
Tại cuộc họp thường niên hồi tháng 4/2024, ban lãnh đạo SMC đề ra quyết tâm xử lý dứt điểm công nợ trong năm nay, chấp nhận nhiều phương án xử lý khác nhau như thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. “Mục tiêu là để không phải trích lập thêm dự phòng nợ xấu”, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SMC, cho biết.
Trong trường hợp không xử lý được nợ, bà Nhi cho biết SMC có thể phải trích lập thêm tổng cộng 300 tỷ đồng. Đến nay, họ chỉ mới xử lý phần nợ của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) bằng cách hoán đổi thành cổ phiếu và vẫn còn gần 1,300 tỷ đồng chưa được xử lý, phần lớn liên quan tới Novaland. SMC cũng chưa trích lập nợ xấu bổ sung thêm quá nhiều trong 3 quý vừa qua.
Nguồn: BCTC quý 3 của SMC
|
Khả năng trích lập dự phòng bổ sung, cùng với hoạt động kinh doanh chưa mấy khởi sắc, có thể kéo dài giai đoạn thua lỗ của công ty thương mại thép.
Dù là vậy, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dường như vẫn đang chờ đợi một điều gì đó. Trong vòng 2 tuần qua, giá cổ phiếu SMC đã tăng hơn 20% trước khi hạ nhiệt phần nào.
Diễn biến giá cổ phiếu SMC |
|
Vũ Hạo
FILI
|