Ngân hàng và thiên tai
Để đánh giá chính xác mức độ tác động của thiên tai (như bão Yagi) lên ngành ngân hàng, việc chỉ xét đến các chính sách miễn giảm lãi suất hay gia tăng nợ xấu là chưa đủ.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ di chuyển cành cây bị gãy ra khỏi khu vực đông dân cư trên phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Internet
|
Nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp
Ngân hàng cần xác định rõ khách hàng sử dụng tín dụng có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các tỉnh chịu ảnh hưởng do bão Yagi vừa qua lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái và Lào Cai. Đây là nhóm khách hàng dễ bị tổn thương do thiệt hại từ thiên tai, đặc biệt trong các lĩnh vực như:
• Nông nghiệp: Bao gồm các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại những khu vực có mưa lũ gây thiệt hại nặng nề.
• Du lịch và dịch vụ: Các công ty trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải gián đoạn hoạt động kinh doanh do giảm khách hàng và cơ sở vật chất bị phá hủy.
• Sản xuất và xây dựng: Các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất chịu ảnh hưởng từ thiệt hại hạ tầng và gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Việc đánh giá sẽ trở nên hợp lý khi phân tích cụ thể vào dư nợ của nhóm khách hàng này.
Tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng bị thiệt hại so với tổng dư nợ ngân hàng
Sau khi xác định được nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng, cần phân tích tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng này so với tổng dư nợ của ngân hàng. Nếu tỷ lệ này chiếm tỷ trọng lớn, có thể coi là trọng yếu và gây ra những ảnh hưởng lớn đến các chỉ số tài chính chính của ngân hàng.
Nếu dư nợ từ nhóm khách hàng bị thiệt hại chiếm tỷ trọng lớn và các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất để hỗ trợ, điều này sẽ dẫn đến sụt giảm biên lợi nhuận ròng (NIM), do chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí vốn bị co lại. Cần tính toán cụ thể tỷ lệ dư nợ này là bao nhiêu để xác định mức ảnh hưởng tới NIM.
Nếu nhóm khách hàng này không có khả năng thanh toán nợ sau khi thiệt hại, số lượng nợ xấu sẽ tăng lên. Đặc biệt, khi tỷ lệ dư nợ của nhóm này chiếm phần đáng kể, các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, làm giảm lợi nhuận thực tế.
Việc gia tăng chi phí dự phòng, giảm thu nhập từ lãi suất (do NIM giảm) và sự gia tăng nợ xấu sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng chịu thiệt hại là không đáng kể so với tổng dư nợ thì ảnh hưởng lên lợi nhuận tổng thể có thể không quá lớn.
Tính trọng yếu của thiệt hại trong bối cảnh toàn ngành
Để xác định liệu thiệt hại từ bão lũ có đủ lớn để tác động đến toàn ngành ngân hàng hay không, cần phải xem xét tỷ lệ thiệt hại của từng ngân hàng.
Nếu tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng bị thiệt hại chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ của ngân hàng thì tác động lên lợi nhuận, nợ xấu và NIM có thể không quá nghiêm trọng. Ngân hàng có thể chịu đựng được những thiệt hại này mà không gặp rủi ro lớn về tài chính.
Ngược lại, nếu tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng thiệt hại lớn, điều này có thể trở thành vấn đề trọng yếu, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và yêu cầu phải có những giải pháp chiến lược, bao gồm tái cấu trúc nợ, tăng cường dự phòng và điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp.
Chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng chịu thiệt hại
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, tác động của bão lũ lên các ngân hàng không thể chỉ dựa vào việc xem xét chung các chỉ số tài chính (NIM, nợ xấu hay lợi nhuận). Thay vào đó, cần phân tích kỹ tỷ lệ dư nợ của các khách hàng chịu thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng chính (Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái…). Nếu tỷ lệ này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của ngân hàng, sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến NIM, nợ xấu và lợi nhuận. Nếu tỷ lệ này không lớn thì tác động tổng thể lên ngân hàng có thể không quá nghiêm trọng và ngành ngân hàng có thể tiếp tục ổn định hoạt động trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, nếu các ngân hàng có thể quản lý tốt các rủi ro tín dụng trong ngắn hạn, giảm thiểu thiệt hại từ các khách hàng bị ảnh hưởng thì vẫn có cơ hội để phục hồi lợi nhuận trong trung và dài hạn, đặc biệt khi nền kinh tế phục hồi sau bão lũ và các gói hỗ trợ từ Chính phủ được triển khai.
Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cao từ các khu vực chịu thiệt hại sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn, đặc biệt là khi phải đối diện với áp lực kép từ bão lũ và ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các biện pháp giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ… chỉ mang tính chất tạm thời. Cần phải có cơ sở pháp lý như luật phá sản, vì một số doanh nghiệp khi bão lũ quét qua chắc chắn “mất trắng”, không có khả năng trả được nợ cho ngân hàng.
Khi giải quyết được nợ hiện tại mới tính đến chuyện làm sao có thể hỗ trợ chương trình tín dụng mới, giúp người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ phục hồi được sản xuất kinh doanh.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, diễn ra ngày 20/9/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các tổ chức tín dụng đã thể hiện sự chủ động, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời tới doanh nghiệp, cá nhân tại các tỉnh chịu thiệt hại, chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời tới khách hàng gặp khó khăn sau cơn bão số 3.
Nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đã báo cáo số liệu tích cực từ việc triển khai chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn, bao gồm các chính sách xử lý nợ cũ, chính sách mới với nhiều đối tượng, giảm lãi suất đến gần 50%...
Thêm vào đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách một cách hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong việc triển khai chính sách tín dụng dành cho người dân. NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan như: Trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ cơn bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó xây dựng Chương trình hành động ngành Ngân hàng để ban hành cho các đơn vị có căn cứ thực hiện.
Cát Lam
FILI
|