Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng
Những nền tảng kinh tế được giữ vững là cơ sở để các tổ chức quốc tế duy trì các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới.
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những yếu tố bất ổn, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững vàng, lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Những nền tảng kinh tế được giữ vững là cơ sở để các tổ chức quốc tế duy trì các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới, dù cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua gây ra những gián đoạn tạm thời, với những thiệt hại không nhỏ.
Nền tảng kinh tế được giữ vững
Ngày 25/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024, trong đó giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2024 và 2025 lần lượt ở mức 6% và 6,2%.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, cho biết kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dù có những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi nhu cầu từ bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực đã góp phần làm gia tăng sản xuất.
Quá trình phục hồi cũng được hỗ trợ từ sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Trong 8 tháng (1-8/2024), xuất khẩu và nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với mức nền thấp của 8 tháng cùng kỳ 2023.
Công ty TNHH Sợi Đà Lạt ở cụm công nghiệp Phát Chi, thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Sự bất ổn trong việc tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã tác động tới triển vọng thương mại.
ADB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 4% trong hai năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga-Ukraine, có thể tác động tới giá dầu và có khả năng làm gia tăng lạm phát.
Trong khi đó, với nhận định cho rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra, HSBC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh hơn nhờ sự phục hồi vững vàng, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Theo HSBC, tăng trưởng GDP được cải thiện và gây bất ngờ trong quý 2/2024, đạt 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực sản xuất phục hồi mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn của năm ngoái.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng đã ghi nhận 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng, còn chỉ số sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận sự phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày. Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số.
Thêm vào đó, các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Về lạm phát, các chuyên gia của HSBC cho rằng, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do giá năng lượng giảm dần.
Một chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ góp phần giảm bớt áp lực về tỷ giá.
Xét tất cả những yếu tố nêu trên, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng này cũng giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3%.
Khởi công xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ Làng Nủ sau bão số 3. (Ảnh: TTXVN phát)
|
Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ cơn bão Yagi , các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, Ngân hàng UOB, Singapore đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam xuống còn 5,9%, giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%.
Ngoài những gián đoạn tạm thời do bão, UOB đánh giá các yếu tố cơ bản dài hạn của nền kinh tế vẫn khá vững chắc.
Mức dự báo tăng trưởng cả năm của UOB đối với kinh tế Việt Nam cho năm 2024 được hạ xuống nhưng vẫn được xem là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, UOB cũng dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.
Một số rủi ro
Báo cáo ADO cũng nêu bật một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, nhu cầu từ bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ gia tăng và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Mỹ trong tháng 11 tới có thể khiến thương mại bị phân mảnh, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Ngoài ra, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ làm tăng thêm sự bất ổn.
Hơn nữa, việc Fed hạ lãi suất, cùng những động thái tương tự được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trước đó, cũng là yếu tố có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam suy yếu.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: TTXVN phát)
|
Còn theo HSBC, các hoạt động kinh tế trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Điều đáng khích lệ là chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ từng bước vực dậy lòng tin.
HSBC cũng đưa ra một số rủi ro chính cho nền kinh tế Việt Nam như hậu quả đặc biệt nặng nề của siêu bão Yagi, biến động đột ngột của giá năng lượng thế giới, giá thực phẩm, mức độ hồi phục của nhu cầu hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Âu.
Trong báo cáo “Dự báo triển vọng kinh tế quý 3/2024” vừa công bố, Ngân hàng UOB nhận định ảnh hưởng từ cơn bão Yagi đối với Việt Nam sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý 3/2024 và đầu quý 4/2024 ở các vùng phía Bắc.
Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ.
Những khuyến nghị chính sách
Các chuyên gia của ADB khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách là cần thiết để thúc đẩy phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam được cho là cần tiếp tục tập trung vào hai mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Tuy nhiên, rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên do việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa.
Chuyên gia của ADB chỉ rõ thêm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo thuận lợi cho các khoản tài trợ có chi phí thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị Chính phủ cần tăng trưởng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế của các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ. Việc giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và đây sẽ là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế năm nay của Việt Nam.
Nhận định về nỗ lực tái thiết nền kinh tế Việt Nam sau những thiệt hại nặng nề của cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng cơ chế tốt nhất để tái thiết là dựa vào bảo hiểm và các nguồn hỗ trợ ngân sách như đầu tư công.Bên cạnh gói cứu trợ trực tiếp lên đến 350 tỷ đồng của Chính phủ Việt Nam và sự đồng lòng của toàn dân cũng như bạn bè quốc tế, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng bảo hiểm sẽ là nguồn lực đóng góp trực tiếp vào quá trình phục hồi tài sản.
Ông trích dẫn kinh nghiệm của nước Mỹ trong cơn bão Katrina hồi năm 2005. Thời điểm đó, con số thiệt hại về kinh tế lên tới khoảng 120 tỷ USD, trong đó ngành bảo hiểm bù đắp khoảng hơn 40 tỷ USD.
Ngoài ra, các hình thức hỗ trợ ngân sách như đầu tư công liên quan đến xây dựng hạ tầng sau thiên tai và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng là rất quan trọng./.
Lê Minh
Vietnamplus
|