Hậu thanh lý hết tàu biển, hơn 33% vốn Transco sắp được Vinalines chào bán công khai
Ngày 17/10, HĐQT Vinalines (UPCoM: MVN) thông qua phương án chào bán công khai toàn bộ 33.49% vốn sở hữu tại Transco (HNX: TJC), với giá khởi điểm cao hơn 55% thị giá, giữa bối cảnh kết quả kinh doanh Transco sa sút nghiêm trọng do đã thanh lý hết tàu biển.
Theo phương án, Vinalines sẽ chào bán toàn bộ 2.88 triệu cp TJC (chiếm 33.49% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến thực hiện trong quý 4/2024.
Với giá khởi điểm 26,410 đồng/cp, ước tính thương vụ này giúp Vinalines thu về khoảng 76 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức giá chào bán cao hơn 55% so với thị giá TJC bình quân gần đây khoảng 17,000 đồng/cp, mức giá này cũng đã tăng gần 50% trong 1 năm qua.
Cổ phiếu TJC tăng mạnh trong 1 năm qua |
|
Transco tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Vận tải hàng hóa và Hành khách trực thuộc Công ty Vận tải Biển III (thành viên của Vinalines). Công ty hiện có trụ sở chính tại khu đô thị mới ngã 5 - sân bay Cát Bi, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Tại thời điểm 30/09/2024, ngoài Vinalines sở hữu 33.49% vốn, Transco còn có cổ đông lớn khác và cũng là công ty mẹ là CTCP Transimex (HOSE: TMS), với tỷ lệ nắm giữ 57.45%.
Vào ngày 03/11/2023, Transimex đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thêm gần 390 ngàn cp TJC (tỷ lệ 4.53% vốn), qua đó nâng tỷ lệ biểu quyết từ 49.51% lên 54.04% và chính thức trở thành công ty mẹ của Transco. Trong giai đoạn từ tháng 5-9/2024, Transimex liên tục mua vào cổ phiếu TJC để nâng sở hữu lên 4.94 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 57.45% như hiện tại.
Còn lại gì sau khi bán hết tàu biển?
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của Transco có nhiều biến động. Công ty trải qua 2 năm liên tiếp đột biến về lợi nhuận, bắt đầu từ năm 2022, nhờ thị trường vận tải biển quốc tế tăng trưởng vượt trội, đặc biệt trong nửa đầu năm, nguồn hàng ổn định, giá cước tăng mạnh, qua đó lãi từ hoạt động kinh doanh 14.9 tỷ đồng; đồng thời, Công ty có khoản thu lớn, hơn 44 tỷ đồng, từ việc thanh lý tàu Transco Sky (đóng năm 1997); qua đó lãi ròng hơn 49 tỷ đồng.
Trong năm 2023, mảng kinh doanh cốt lõi Công ty gặp khó khăn do tình hình suy thoái toàn cầu, mặt bằng giá cước giảm mạnh, thương mại hàng hóa sụt giảm gây khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn hàng phù hợp. Công ty chỉ còn khai thác tàu Transco Glory (đóng năm 2004). Kết hợp với chi phí đầu vào neo cao, hoạt động dịch vụ duy trì khách hàng nhỏ lẻ hay căng thẳng địa chính trị, Công ty lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh gần 5.6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý 4/2023, Công ty tiếp tục thanh lý chiếc tàu đang khai thác cuối cùng là Transco Glory và thu về gần 56 tỷ đồng, qua đó giúp Công ty lãi ròng 40 tỷ đồng.
Hai tàu biển đã được Transco thanh lý trong năm 2022 và 2023
|
Từ chỗ có hoạt động kinh doanh chính là vận tải biển quốc tế, sau khi bán tàu, bức tranh kinh doanh của Transco ghi nhận nhiều khác biệt.
Quý 3/2024, hoạt động kinh doanh chính của Công ty là cho thuê văn phòng, tỷ lệ lấp đầy đạt 83% tại thời điểm 30/09/2024. Hoạt động thuê tàu ngoài chưa triển khai như kế hoạch do khách hàng có hàng truyền thống là than và thạch cao đã tạm dừng kế hoạch xuất khẩu.
Sau cùng, Công ty chỉ lãi ròng gần 743 triệu đồng trong quý 3 và lãi lũy kế 9 tháng đầu năm gần 1.5 tỷ đồng.
Lợi nhuận Transco biến động lớn trong bối cảnh thanh lý toàn bộ tàu biển
Đvt: Tỷ đồng
|
Nói về Transco, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Trasimex, Chủ tịch HĐQT Bùi Tuấn Ngọc từng chia sẻ năm 2023, Transco thua lỗ do 2 tàu hàng rời lão hóa buộc phải thanh lý vào cuối 2023 và có lãi từ thanh lý. Nhân sự tại Transo chỉ còn 11 người, kể cả lái xe.
“Hy vọng năm 2024 sẽ mua tàu container mới để hợp với tàu Transimex Sun trở thành một cặp tàu, khai thác hiệu quả trong mọi tình huống”, ông Ngọc chia sẻ.
Huy Khải
FILI
|