Giá vàng có thể cán mốc 3,000 USD?
Giá vàng đang có đà tăng chưa từng có trong lịch sử. Kim loại quý này vừa thiết lập mức giá kỷ lục mới 2,733 USD/ounce trong phiên ngày 21/10. Tính từ đầu năm, mức tăng đã vượt 30%.
Michael Widmer, Trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại tại Bank of America, cho rằng đà tăng này còn tiếp diễn. "Nếu vàng không tăng giá lúc này thì tôi không biết khi nào nó mới tăng. Thực tế, tôi nghĩ nền tảng cơ bản đang rất tốt", ông nói với chương trình "Squawk Box Europe" của CNBC vào hôm thứ Hai.
Ông là một trong số các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 3,000 USD/ounce vào năm 2025. Thông thường, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn sẽ gây áp lực lên giá vàng, khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời ở nơi khác. Tuy nhiên, Widmer lưu ý về mối tương quan giữa lãi suất thực 10 năm của trái phiếu Chính phủ (đã điều chỉnh theo lạm phát) và giá vàng.
"Lãi suất thực 10 năm thấp hơn là tín hiệu tích cực cho vàng, nhưng lãi suất thực 10 năm cao hơn không nhất thiết là tín hiệu tiêu cực cho vàng. Điều này một phần là do tôi nghĩ đang có những lo ngại ngày càng tăng về mức nợ Chính phủ, đặc biệt khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, việc củng cố tài khóa lại không được chú trọng", Widmer nói.
Khi thâm hụt tài khóa tăng lên trong những năm tới, chuyên gia kim loại này mô tả vàng là "thực sự hấp dẫn". "Đây gần như là tài sản trú ẩn an toàn tối ưu nếu có nhiều lo ngại về thị trường trái phiếu Chính phủ", ông bổ sung.
Todd Jablonski, Giám đốc toàn cầu về đầu tư đa tài sản và định lượng của Principal Asset Management, cũng lạc quan về triển vọng vàng. Vị này đang nắm giữ vàng với tỷ trọng cao hơn bình thường lần đầu tiên trong "25 năm quản lý tiền của người khác".
Sự lạc quan của ông bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu vàng gia tăng đều đặn, ví dụ từ các ngân hàng trung ương. "Đây là một trong số ít các tài sản thay thế thanh khoản mà chúng tôi đang nắm giữ với tỷ trọng cao hơn hiện nay. Tôi thích sự đa dạng hóa", Jablonski nói với CNBC Pro vào ngày 16/10.
"Nhu cầu vàng tăng cao có nghĩa là nguồn cung sẽ phải điều chỉnh theo. Chúng ta đều biết nguồn cung khá hạn chế, do đó tôi nghĩ giá sẽ tiếp tục tăng", ông nói.
Tuy nhiên, John Reade, Chiến lược gia thị trường cao cấp tại Hiệp hội Thương mại thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cảnh báo về biến động sắp tới. Ông thận trọng về vàng trong ngắn hạn do vị thế ròng của nhà đầu tư đang ở mức cao nhất hậu COVID-19.
"Tôi nghĩ lãi suất giảm sẽ là động lực tốt cho thị trường vàng và đẩy giá lên trong 6-12 tháng tới. Nhưng bạn có thể thấy biến động trong ngắn hạn... một phần do các nhà đầu tư đầu cơ", ông nói với CNBC đầu tháng này. "Tôi nghĩ mọi người nên thận trọng về việc đổ hết tiền vào vàng lúc này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không nên sở hữu vàng".
Về phân bổ đầu tư, Reade khuyên nhà đầu tư nên luôn có một vị thế trong vàng, dù chỉ là một phần nhỏ trong danh mục. "Cổ phiếu luôn là thành phần lớn nhất trong danh mục đối với hầu hết nhà đầu tư. Sẽ có một số trái phiếu để tạo lợi suất và giúp phòng ngừa rủi ro cho cổ phiếu, nhưng cũng nên có một ít vàng vì nó mang lại đặc tính phòng ngừa rủi ro độc đáo và hoạt động tốt trong thời kỳ khó khăn trong khi vẫn tạo ra lợi nhuận dài hạn", ông nói thêm.
Khi được hỏi về tỷ lệ vàng nên chiếm bao nhiêu trong danh mục, Reade cho biết điều này phụ thuộc vào các khoản đầu tư khác. "Càng nhiều cổ phiếu hoặc kim loại công nghiệp, Bitcoin hoặc tiền ảo trong danh mục của bạn, thì mục tiêu phân bổ cho vàng càng nên cao hơn", ông nói, khuyến nghị tỷ lệ từ 4% đến 10%.
Trong khi đó, Jablonski của Principal Asset Management cho biết ông có dưới 5% danh mục được phân bổ vào hàng hóa, bao gồm cả vàng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|