Dòng tiền đổ vào bluechips nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây
Kể từ sau lần chinh phục mốc 1,200 điểm trong sóng COVID-19, thị trường mới được chứng kiến hiện tượng dòng tiền phân bổ "lệch" tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips như giai đoạn hiện tại.
Tiền dồn vào VN30 nhiều nhất trong vòng 3 năm trở lại
Hiện tượng dòng tiền hút về các cổ phiếu VN30 đã được ghi nhận trong quãng thời gian trở lại đây. Trong phiên giao dịch gần nhất (16/10), tỷ trọng khớp lệnh của VN30 chiếm khoảng 52% tổng giá trị giao dịch của HOSE.
Trạng thái này cũng đã xuất hiện trong nhiều phiên giao dịch kể từ tháng 8/2024 với những ngày giao dịch nhóm VN30 chiếm hơn 50% giá trị của HOSE, thậm chí có thời điểm đạt trên 60%. Từ đó, cho thấy một xu hướng dòng tiền "lệch" vào nhóm các cổ phiếu lớn trong lần thứ 6 chỉ số VN-Index áp sát mốc 1,300 điểm của năm 2024.
So với các lần tiệm cận mốc 1,300 điểm trước, mức độ tập trung vào nhóm bluechips đang là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Mức độ tập trung vào VN30 đang cao nhất kể từ giai đoạn đầu năm 2021.
|
Lần gần nhất, thị trường được chứng kiến sự tập trung cao hơn là vào tháng 4-8/2021, giai đoạn thị trường đang dành sức lực để bứt phá khỏi mốc 1,200 điểm trong đợt sóng COVID-19.
Dù ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt qua khỏi mốc 1,300 điểm nhưng với những chuyển biến lớn kể trên, thực tế vẫn đang giúp cho nhiều cổ phiếu lớn trở lại với xu hướng tăng dài hạn.
Theo thống kê, đã có 25/30 trong VN30 đã vượt lên trên đường MA200 (tính đến phiên giao dịch 16/10), tương ứng với tỷ lệ 83%. Đây cũng là một tỷ lệ vượt trội chỉ được ghi nhận từ cuối tháng 9/2024.
Có 25/30 mã trong VN30 đã ghi nhận xu hướng tăng dài hạn. (Tính đến hết phiên 16/10)
|
Hiện đã có những mã trong VN30 đạt thành tích tăng trưởng từ đầu năm 2024 trên 50% như GVR (+70.3%), FPT (+64.2%), TCB (+57%), MWG (+54.3%).
Nhà đầu tư cần thích nghi với thị trường
Với một thị trường đang dồn tiền vào các cổ phiếu lớn, nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu Midcap và Penny đang phải trải qua một giai đoạn khá "ngán ngẩm".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chiến lược giao dịch phù hợp trong bối cảnh hiện tại là cần thích nghi với thị trường, tránh đi ngược lại xu hướng.
Sự hiện của dòng tiền ở các cổ phiếu Mid Cap và penny đang bị thu hẹp.
|
Khi dòng tiền đang ưu tiên bluechips, nhà đầu tư cũng nên hướng sự chú ý đến nhóm này trước khi phân bổ dần sang các cổ phiếu Mid Cap và penny. Thực tế, một số cổ phiếu Mid Cap và penny đã nhen nhóm có dòng tiền chuyển dịch từ tuần trước nhưng chưa có tín hiệu rõ ràng.
"Tạm thời, để chinh phục mốc 1,300 điểm, vẫn cần đến nỗ lực của các cổ phiếu lớn cũng như nhóm Ngân hàng bởi khi xu hướng chưa rõ ràng, các cơ hội an toàn sẽ chủ yếu xuất hiện ở nhóm vốn hóa lớn thay vì các cổ phiếu có biến động mạnh. Sau khi VN-Index vượt qua mốc tâm lý kể trên, thị trường có thể sẽ bớt phân hóa và nhà đầu tư có thể linh hoạt chuyển dịch danh mục sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, còn cần lưu ý trong mùa báo cáo tài chính quý 3/2024, yếu tố kết quả kinh doanh cũng sẽ tác động tới các quyết định đầu tư từ nay cho đến tháng 11/2024", ông Minh cho biết thêm.
Trong khi đó, một báo cáo vào đầu tháng 9/2024 của CTCK VNDIRECT cho biết thị trường vẫn trong thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu tiềm năng.
Thị trường vẫn duy trì sức hấp dẫn do định giá thị trường hiện đang thấp hơn trung bình 5 năm và sẽ thấp hơn nữa khi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong những tháng cuối năm nay.
VNDIRECT dự báo, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dòng tiền có thể lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (vốn mới chỉ phục hồi khiêm tốn sau nhịp chỉnh vừa qua), qua đó tiếp tục duy trì xu hướng tích cực của thị trường.
Quân Mai
FILI
|