Thứ Tư, 30/10/2024 09:59

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Sáng 30/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Quá trình xây dựng luật bám sát quan điểm tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đối với Luật Quy hoạch, Luật này quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt. Quy định “quy hoạch đô thị và nông thôn” là "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” để phù hợp với tính chất của loại quy hoạch này và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…

Đối với Luật Đầu tư, Luật này phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng KCN, KCX; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2,300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao Bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.

Đối với Luật Đấu thầu, Luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đấu thầu để cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Rà soát kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó khăn trong áp dụng pháp luật

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 675/TTr-CP của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về Hồ sơ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...

Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết Dự án Luật theo quy định.

Về tính thống nhất của Dự án Luật với hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Đối với nội dung về danh mục dự án trong nội dung của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong sửa đổi Luật Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và một số dự thảo luật đang trình Quốc hội như Dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.

Ngoài ra, đối với nội dung về đấu thầu trước trong sửa đổi Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định về đấu thầu trước; trong đó cần xem xét quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu để có quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Xuân Ký (29/10/2024)

>   Thống đốc NHNN, Bộ trưởng TT&TT, Bộ trưởng Y tế sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (29/10/2024)

>   Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do đầu tiên với một nước Arab (29/10/2024)

>   Doanh nghiệp Việt có niềm tin tích cực về triển vọng kinh tế 12 tháng tới (28/10/2024)

>   Tuần làm việc thứ 2: Quốc hội giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (28/10/2024)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm 3 nước Trung Đông (27/10/2024)

>   Chính phủ quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế (26/10/2024)

>   ĐBQH đánh giá cao điểm sáng kinh tế, nêu 3 động lực chính cho tăng trưởng (26/10/2024)

>   Ông Vũ Đại Thắng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (26/10/2024)

>   Chính phủ cần quan tâm hơn về tiếp cận vốn, hạ lãi suất cho doanh nghiệp (26/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật