Thứ Tư, 30/10/2024 09:30

Doanh nghiệp ngành sợi dần phục hồi

Thị trường có những chuyến biến tích cực giúp các doanh nghiệp ngành sợi giảm thua lỗ đáng kể trong quý 3, không ít doanh nghiệp đã có lãi trở lại.

Bên trong một nhà máy sợi dệt. Ảnh minh họa

Bức tranh kinh doanh quý 3/2024 của các doanh nghiệp xơ sợi, thuộc phân khúc thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may, nghiêng nhiều về phục hồi lợi nhuận. Trong 6 đơn vị đầu tiên hé lộ số liệu lợi nhuận, có 2 doanh nghiệp tăng lãi, 2 doanh nghiệp lãi trở lại, 1 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp lỗ.

Tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành là CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK), với lãi ròng quý 3 hơn 5 lần cùng kỳ, đạt gần 82 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá, trong khi doanh thu đi lùi 19% về 307 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của Doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh hàng quý của STK giai đoạn 2020-2024

Nhờ đó, khoản lỗ nửa đầu năm được bù đắp và lãi ròng 9 tháng ở mức 27 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. So với mục tiêu 2024 lãi 301 tỷ đồng, Công ty mới thực hiện được 9% kế hoạch năm.

Tính đến cuối tháng 9, nợ vay tài chính của Sợi Thế Kỷ gần 1,600 tỷ đồng (khoảng 75% vay bằng USD). Do đó, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trong quý 3 là nguyên nhân chính giúp STK có lãi từ tỷ giá.

Cùng chung tín hiệu tích cực, CTCP Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng (HOSE: SVD)CTCP Sợi Phú Bài (UPCoM: SPB) cùng có lãi trở lại trong quý 3, lần lượt hơn 2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 12 tỷ đồng) và gần 1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 26 tỷ đồng).

Cả 2 doanh nghiệp đều đưa ra nguyên nhân lợi nhuận cải thiện do sự phục hồi tích cực của thị trường, nhu cầu mua sắm tăng lên cũng như giá bán tốt, cùng với việc tối ưu các chi phí...

Mặc dù có lãi trở lại nhưng cũng chỉ giúp SVDSPB giảm lỗ lũy kế tại ngày 30/09/2024 xuống lần lượt gần 27 tỷ đồng và hơn 22 tỷ đồng.

SVD từng có chuỗi lỗ 6 quý liên tiếp

Khoản lỗ kỷ lục 40 tỷ đồng năm 2023 đã phá sạch thành quả của SPB

Tiết giảm đáng kể giá vốn hàng bán khiến Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (Vicotex, HOSE: TVT) có lãi ròng quý 3 tăng 21% so với cùng kỳ, lên gần 4 tỷ đồng, mức lợi nhuận hàng quý cao thứ 2 trong hai năm trở lại đây (sau quý 4/2023 lãi 5 tỷ đồng).

Trái ngược với các doanh nghiệp trên, CTCP Damsan (HOSE: ADSgiảm 53% lãi ròng xuống còn 7.5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do doanh thu quý 3 chỉ đạt 366 tỷ đồng, mức thấp nhất 1 năm qua và giảm 19% so với cùng kỳ; trong khi giá vốn giảm không tương xứng khiến lãi gộp lao dốc 59% về 24.5 tỷ đồng; biên lãi gộp thu hẹp 6.6 điểm phần trăm về mức 6.7%. 

Công ty cho biết do trong quý 3, giá bông sợi giảm 35% so với cùng kỳ khiến Công ty chỉ thực hiện sản xuất 70% công suất, làm doanh thu và lãi gộp giảm.

Kết quả kinh doanh hàng quý của Damsan giai đoạn 2023-2024

Trong khi đó, kinh doanh dưới giá vốn vẫn là tác nhân chính khiến CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, UPCoM: FTM) tiếp tục lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng trong quý 3, nối dài mạch thua lỗ 23 quý liên tiếp kể từ quý 1/2019, song giảm đáng kể so với mức lỗ 76 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Nguyên nhân chủ yếu do các chi phí cố định đều được tiết giảm so với cùng kỳ, chi phí quản lý giảm mạnh nhất 87%; chi phí tài chính giảm 40%...

Sau cùng, tổng lỗ 9 tháng của Fortex ở mức 82 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 175 tỷ đồng cùng kỳ, song khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/09/2024 đã tăng lên 1,216 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm gần 707 tỷ đồng.

Fortex đánh dấu 23 quý lỗ liên tiếp từ quý 1/2019

Hiệu quả ngành sợi khó cải thiện trong quý 4?

Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), nhận định ngành sợi có sự cải thiện nhẹ trong 9 tháng đầu năm, giá bông nguyên liệu bị tác động nhiều bởi yếu tố đầu cơ và logistics nên tăng giảm đột ngột, rất khó đoán định.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chia sẻ tại hội thảo chuyên đề tháng 10. Ảnh: Vinatex

Các phân tích cho thấy giá bông tăng hiện tại chỉ là tạm thời, chưa có trụ đỡ chắc chắn từ lực cầu. Tổng Giám đốc Vinatex kỳ vọng đến cuối năm 2024, giá bông sẽ đi lên trong ổn định nhưng khả năng cao không tăng đột biến. Giá bông giảm sẽ khiến giá sợi giảm sâu, trong khi việc tăng giá sợi chủ yếu phụ thuộc nhu cầu chứ không tăng đồng thời khi giá bông tăng.

"Dự kiến quý 4, nhu cầu sợi nhìn chung vẫn chưa có khả năng phục hồi mạnh, bên cạnh đó giá cước vận chuyển tăng, cạnh tranh gay gắt với sợi nội địa Trung Quốc… sẽ khiến hiệu quả ngành sợi không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt", ông Hiếu dự báo.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   PNC: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   PNC: BCTC quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   PMG: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   PMG: BCTC quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   PHR: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   SGS: Báo cáo tài chính quý 3/2024 (29/10/2024)

>   PGI: BCTC quý 3 năm 2024 (29/10/2024)

>   NBB thực hiện 2% mục tiêu lợi nhuận 2024 sau 9 tháng (29/10/2024)

>   HTL: Nghị quyết và Biên bản kiểm phiếu ĐHĐCĐ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (29/10/2024)

>   MTA: Báo cáo tài chính quý 3/2024 (29/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật