BoE cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tín dụng tại Anh
Ngày 2/10, Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) thuộc BoE cảnh báo thị trường tài chính của nước này có thể điều chỉnh mạnh, từ đó đẩy chi phí đi vay tăng cao, kéo theo khủng hoảng tín dụng.
Trụ sở Ngân hàng trung ương Anh tại thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ngày 2/10, Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo thị trường tài chính của nước này có thể điều chỉnh mạnh, từ đó đẩy chi phí đi vay tăng cao, kéo theo khủng hoảng tín dụng.
Theo phóng viên TTXVN tại London, cảnh báo của FPC được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Anh đã đi ngang trong 2 tháng vừa qua, căng thẳng leo thang ở Trung Đông và tình trạng các quỹ đầu cơ của nước này đang đặt cược nhiều hơn vào trái phiếu kho bạc Mỹ - vốn đạt mức cao mới là hơn 1.000 tỷ USD trong những tháng gần đây.
Theo cơ quan giám sát ổn định tài chính của Anh, trong trường hợp giá cổ phiếu vẫn “bị kéo căng”, thị trường vẫn dễ bị điều chỉnh mạnh, có thể ảnh hưởng đến chi phí và khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nhạy cảm với những diễn biến ngắn hạn trong môi trường rủi ro toàn cầu đầy thách thức. Các lỗ hổng toàn cầu vẫn còn đáng kể, cũng như sự không chắc chắn xung quanh môi trường địa chính trị và triển vọng toàn cầu.
Tuy nhiên, FPC đã trấn an dư luận khi cho biết lãi suất giảm sẽ làm giảm bớt tác động đối với khoảng 3 triệu hộ gia đình đang thế chấp lãi suất cố định. Đây là những người vẫn chưa tái cấp vốn để chuyển sang các hợp đồng đắt đỏ hơn.
Đối với những người nắm giữ thế chấp, BoE đã cung cấp thông tin tươi sáng hơn khi cho biết 1,7 triệu người, chiếm khoảng 20% số người đi vay, đang được hưởng lợi từ quyết định hạ lãi suất của BoE từ 5,25% xuống 5% vào tháng 8.
Cũng theo thông tin cập nhật từ các nhà hoạch định chính sách, có thêm 3 triệu người cần tái cấp vốn vào năm 2027.
Trong thông báo mới, FPC đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc các quỹ đầu cơ của Anh đặt cược ngày càng tăng vào trái phiếu kho bạc Mỹ.
FPC cho rằng sự mong manh của thị trường tài chính đã bị phơi bày trong đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt vào tháng 8. Sự bán tháo này được kích hoạt bởi dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến và các ngân hàng đang tháo gỡ cái gọi là “giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yen” khi kỷ nguyên vay mượn giá rẻ ở Nhật Bản kết thúc.
Mặc dù giai đoạn biến động này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, FPC cho biết cơ quan này đã nêu bật những điểm yếu đáng kể trên toàn cầu. FPC cũng cho thấy có sự mất kết nối giữa định giá cổ phiếu cao hiện nay và những lo ngại tăng trưởng toàn cầu khi các nhà đầu tư vẫn lo lắng cả về tin tức kinh tế tích cực và tiêu cực.
Theo FPC, thị trường vẫn dễ bị điều chỉnh mạnh khi các nhà đầu tư nhạy cảm với diễn biến trong bối cảnh môi trường rủi ro toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.
Nền kinh tế Anh vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc trên thị trường tài chính trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và mức nợ công cao ở các nền kinh tế lớn.
Hữu Tiến
Vietnamplus
|