Xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2
Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm trở thành một trong những vụ án kinh tế lớn và phức tạp nhất thời gian gần đây.
Sáng nay (19-9), TAND TP HCM bắt đầu đưa vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm ra xét xử (giai đoạn 2). So với giai đoạn đầu, các cáo buộc phạm tội mới trong giai đoạn này phơi bày những thủ đoạn tinh vi hơn của các bị cáo và tính chất đặc biệt phức tạp của vụ án.
Chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng
Trong giai đoạn 1 của vụ án, các bị cáo đã bị tuyên phạt với các tội danh: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Đưa hối lộ" và "Tham ô tài sản". Những hành vi này chủ yếu liên quan đến việc quản lý tài sản tại Ngân hàng SCB và các hoạt động hối lộ để thực hiện hoặc bao che cho các sai phạm. Phạm vi chủ yếu của các hành vi phạm tội này xoay quanh lĩnh vực ngân hàng và các giao dịch tài chính trong nước.
Giai đoạn 2 của vụ án, VKSND Tối cao đã truy tố Trương Mỹ Lan và đồng phạm các tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới". Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Mỹ Lan thành lập từ năm 1992 đóng vai trò trung tâm trong việc thao túng và chi phối nhiều pháp nhân, bao gồm Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán TVSI, thông qua mạng lưới các cá nhân và pháp nhân đứng tên hộ.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo một loạt các hành vi gian dối, bao gồm việc phát hành 308.691.388 trái phiếu "khống" thông qua các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, với tổng giá trị hơn 30.000 tỉ đồng. Số trái phiếu này được phát hành nhằm huy động vốn từ 35.824 nhà đầu tư nhưng sau đó số tiền huy động được lại không được sử dụng cho mục đích ban đầu mà được chuyển sang các mục tiêu khác, khiến các công ty này mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Từ năm 2018 đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng thông qua nhiều hành vi gian lận và phát hành trái phiếu bất hợp pháp. Bà Lan cũng chỉ đạo việc rút và chuyển số tiền này ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của tài sản, sử dụng số tiền để chi trả các khoản nợ nội bộ và chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hợp đồng mua bán và tư vấn "khống".
Từ năm 2012-2022, thông qua các hợp đồng "khống", nhóm của Trương Mỹ Lan đã chuyển một số lượng tiền khổng lồ, ước tính khoảng 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng), từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Các giao dịch này bao gồm việc nhận về và chuyển đi hàng tỉ USD, làm cho vụ án trở thành một trong những vụ lừa đảo và rửa tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Hơn 35.000 nhà đầu tư bị ảnh hưởng
Trong vụ án, liên quan đến phát hành trái phiếu "khống" chiếm đoạt 30.000 tỉ đồng, có hơn 35.000 nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức về việc bồi thường từ Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Quyền lợi của nhà đầu tư sẽ phụ thuộc vào quyết định của tòa án về việc thu hồi và phân bổ tài sản.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa giai đoạn 1 của vụ án. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Các tài sản của Trương Mỹ Lan, bao gồm bất động sản, tiền mặt và cổ phần, đã bị kê biên để bù đắp tổn thất cho nhà đầu tư. Việc truy thu tài sản từ nước ngoài cũng đang được thực hiện. Theo đó, trong quá trình điều tra và xét xử, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 408 tỉ đồng, bao gồm hơn 224 tỉ đồng trong giai đoạn điều tra và hơn 183 tỉ đồng trong giai đoạn truy tố. Cơ quan điều tra đã phong tỏa 79 tài khoản ngân hàng của các bị cáo với tổng số tiền hơn 92 tỉ đồng và hơn 5.700 USD, cùng với 205 tài khoản thanh toán và tài khoản chứng khoán có tổng giá trị hơn 824 tỉ đồng và hơn 261.000 USD. Ngoài việc phong tỏa tài khoản, nhiều tài sản của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại 9 công ty cũng bị kê biên, bao gồm cổ phần tại các công ty lớn như Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam và Công ty Chứng khoán TVSI. Cơ quan điều tra cũng kê biên nhiều bất động sản của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng.
Trong đó, cơ quan chức năng đã kê biên bất động sản của Trương Mỹ Lan gồm thửa đất tại 181 Bến Chương Dương (nay là 268 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP HCM); lô đất CN1 tại Khu Công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; 6 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Ngoài ra, với 5 bị cáo đang bị truy nã, bao gồm Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương, các biện pháp ngăn chặn cũng được áp dụng đối với tài khoản và bất động sản của họ nhằm bảo đảm thu hồi tài sản trong quá trình điều tra và xét xử.
Bên cạnh việc thu hồi tài sản trong nước, cơ quan chức năng còn đang truy tìm và thu hồi các khoản tiền đã được chuyển ra nước ngoài thông qua các giao dịch bất hợp pháp. Những biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và ngăn chặn giao dịch này là các bước quan trọng để bảo đảm thu hồi tài sản trong quá trình điều tra và xét xử, đồng thời ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản, bảo đảm việc bồi thường cho các nhà đầu tư bị thiệt hại.
Truy số tiền 147 triệu USD
Công ty Amaland tại Singapore sở hữu toàn bộ cổ phần của Công ty Sing - Việt, chủ đầu tư Khu Đô thị Sing - Việt. Tháng 5-2020, Amaland bán cổ phần cho Công ty SVIC với giá 170 triệu USD, trong đó SVIC đã trả 116,5 triệu USD. Tuy nhiên, Amaland không chuyển giao cổ phần mà yêu cầu hủy hợp đồng, dẫn đến việc hai bên kiện nhau ở tòa án Singapore và Việt Nam. Trong giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát, tòa xác định vào năm 2022, bà Trương Mỹ Lan đã dùng 147 triệu USD để mua cổ phần Amaland (chưa sang tên) nhưng nguồn gốc số tiền này chưa rõ. Việc xác minh và thu hồi số tiền bà Lan sử dụng để mua cổ phần tiếp tục được điều tra và giải quyết trong giai đoạn hai của vụ án, nhằm bảo đảm bồi thường thiệt hại.
|
Phiên tòa kéo dài 1 tháng, dự kiến kết thúc vào ngày 19-10-2024. Phòng xử án và các phòng chức năng sẽ được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Thông tin về phiên tòa được công bố công khai, đồng thời bảo mật tài liệu và chứng cứ liên quan...
|
Ý LINH
Người lao động
|