“Vấn đề còn lại” của sao kê từ thiện!
Ngày 16/09, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thông báo phân bổ 1,035 tỷ đồng tiếp nhận từ Ban Vận động cứu trợ Trung ương đến 26 tỉnh thành chịu thiệt hại do bão Yagi.
Trong đó, tỉnh Lào Cai chịu thiệt hại nặng nhất do lũ quét và sạt lở đất nên được phân bổ số tiền lớn nhất 180 tỷ đồng. Kế đến là tỉnh Yên Bái 130 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn cùng nhận mức 80 tỷ đồng, Tuyên Quang và Phú Thọ mỗi tỉnh nhận 55 tỷ đồng, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng mỗi địa phương được phân bổ 50 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La và Bắc Kạn cùng nhận 40 tỷ; Thái Nguyên và Hòa Bình nhận 30 tỷ đồng. Hải Dương, Thái Bình, Điện Biên, Hà Giang và Hưng Yên mỗi tỉnh nhận 20-25 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu nhận 15 tỷ đồng, TP. Hà Nội nhận 10 tỷ đồng. Địa phương ít chịu ảnh hưởng của bão Yagi như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam và Vĩnh Phúc mỗi tỉnh nhận 5 tỷ đồng.
Đây là bước đi tiếp theo sau động thái công bố toàn bộ sao kê của người dân ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu thiên tai bão lũ nặng nề vừa qua. Cũng là bước đi hoàn thiện “hai chiều” của tổ chức Mặt trận, tức sao kê phần thu và công bố kế hoạch chi - phân bổ về các Ban cứu trợ địa phương. Cách làm của MTTQ là hết sức đúng đắn, cần thiết, nó minh định vai trò, chức năng, trách nhiệm, hiệu quả tiếp nhận, sử dụng nguồn tiền đóng góp của người dân nhằm chung sức với nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai bão lũ.
Có thể bước đầu, nhiều người chưa “quen” với việc công khai tên, thời điểm, số tiền đóng góp nhưng minh bạch nguồn tiền tự nguyện ủng hộ một sự kiện, chương trình có thời hạn là điều rất nên làm. Bởi ngoại trừ chọn cách “giấu mặt” thì còn lại, một khi đã đồng thuận lưu tên, số tiền thì đó là quyết định của bản thân mỗi người, mỗi đơn vị, tổ chức. Do đó, quyền nhân thân trước hết đã được tôn trọng.
Và vì là tự nguyện ủng hộ nên mặc nhiên không có chuyện phân biệt ít hay nhiều, trị giá đôi khi không nói lên hết giá trị của tình cảm, tấm lòng muốn san sẻ cùng người đang trong hoạn nạn cũng như tùy vào điều kiện của từng người, đơn vị mà đóng góp. Nên càng không nên, không được có sự phân biệt chỗ này, người kia nhiều, đó là đi ngược lại tính chất tự nguyện và là lòng tốt không thể đo đếm ở tất cả mọi người.
Trừ phi, việc một số ít cá nhân, đơn vị đôi khi vì dụng ý riêng đã biểu lộ “phông bạt”, công bố số tiền góp lớn hơn con số thực nhiều lần. Song, đó là hành vi đáng trách, khi bị bóc mẽ, bản thân người trong cuộc đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng cũng không nên quá nặng nề, đừng dùng những lời chì chiết, phỉ báng với họ. Bởi xét cho cùng, đều hướng về sự giúp người khác trong hoàn cảnh khó khăn.
Hay, một vài cá nhân “nghịch đùa” quá giới hạn cũng đã phải trả giá. Như trường hợp một sinh viên năm 4 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã ghi nội dung “tap the anh em Rap xiec Trung uong ung ho": 10.000 đồng”. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành xác minh, người này đã đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam để xin lỗi vì thực hiện giao dịch cá nhân nhưng ghi tên đơn vị.
Còn lại, việc công khai nguồn đóng góp, minh bạch nguồn phân bổ để "toàn xã hội và nhân dân cùng giám sát" - như phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến là rất chí lý. Bởi hơn ai hết, tổ chức Mặt trận lại là nơi thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát các hoạt động của Đảng, hệ thống chính quyền các cấp. Vậy hà cớ gì trong khi thực hiện chức năng vận động, tiếp nhận, phân bổ nguồn đóng góp xã hội của nhân dân mà tổ chức này lại không được đặt trong sự giám sát của chính người dân?
Thực tế, công bố sao kê đã từng được cơ quan MTTQ Việt Nam TP.HCM áp dụng hồi chống dịch COVID-19. Khi ấy, các nguồn đóng góp đều được đăng tải công khai trên báo Sài Gòn Giải phóng và website của Mặt trận TP. Tất nhiên mang lại hiệu ứng tốt và gia tăng hiệu quả đóng góp. Lần này, ở cấp độ quốc gia, việc công bố sao kê có tính rộng khắp hơn; và vì diễn ra trong đợt kêu gọi ủng hộ đồng bào phía Bắc chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 nên dù nhiều thì cũng dễ theo dõi, đối soát.
Ngay sau động thái của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì một số đơn vị Mặt trận địa phương cũng đã học tập, làm theo như vào ngày 13/09, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương công bố 117 trang sao kê ủng hộ đồng bào miền Bắc bị bão lũ, thông qua số tài khoản của đơn vị này mở tại Vietcombank…
Rõ ràng, sao kê nguồn tiền đóng góp từ thiện là nguyên tắc tối thiểu, là điều kiện cần để đảm bảo uy tín, sự minh bạch của đơn vị, cá nhân tiếp nhận, chuyển tiếp, sử dụng. Vì vậy, với chủ trương kể từ đây sẽ sao kể toàn bộ nguồn tiền đóng góp, ủng hộ của nhân dân là điều đúng đắn, trúng với nguyện vọng của toàn dân. Cũng như đi kèm là công khai nguồn tiền phân bổ xuống các địa phương, địa bàn trong từng thời điểm. Vấn đề còn lại là các địa phương có công khai tiếp nguồn tiền phân bổ cụ thể đến tận tay người dân bị mất mát, thiệt hại ra sao, dư luận cả nước đang trông chờ vào danh sách “sao kê” đến từng hộ dân.
Quốc Học
FILI
|