Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo toàn cầu
Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị thế thống lĩnh của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này, một xu hướng đang làm dấy lên những lo ngại về cạnh tranh từ phía Mỹ và châu Âu.
Theo nghiên cứu mới nhất của Nikkei, các công ty Trung Quốc đã tăng cường vị thế trong 21 trên 71 danh mục sản phẩm và dịch vụ quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. Tính cả thảy, các công ty Trung Quốc nắm giữ hơn 30% thị phần trong 13 lĩnh vực. Sự thống trị này đặc biệt rõ nét trong ngành công nghiệp pin mặt trời và tuabin gió.
Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi tất cả 5 công ty hàng đầu về pin mặt trời đều là doanh nghiệp Trung Quốc, tăng từ mức 4 công ty vào năm trước đó. Thị phần của họ đã tăng vọt lên 59.3%.
Trong lĩnh vực tuabin gió, họ cũng chiếm thế thượng phong. Các công ty Trung Quốc đã chiếm 4 trong 5 vị trí hàng đầu, tăng gấp đôi so với năm trước. Thị phần của họ cũng tăng gần gấp đôi, đạt 44.2%. Đặc biệt, Goldwind Science & Technology đã vượt qua Vestas Wind Systems của Đan Mạch để trở thành nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới.
Sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ dừng lại ở lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong thị trường xe điện, BYD - gã khổng lồ Trung Quốc - đang dần thu hẹp khoảng cách với Tesla. Thị phần của BYD đã tăng lên 14.7%, trong khi Tesla chiếm 18.3%.
Chuỗi cung ứng xe điện đã phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm ngoái, các nhà cung cấp hàng đầu về vật liệu cách điện cho pin lithium-ion đều là công ty Trung Quốc với tổng thị phần trên 60%. CATL và BYD, hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực pin lithium-ion cho ô tô, cùng nhau chiếm hơn một nửa nguồn cung toàn cầu.
Lý giải về sự tăng trưởng vượt bạc này, các chuyên gia chỉ ra rằng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Theo CSIS, từ 2009 đến 2023, Chính phủ Trung Quốc đã bơm 230.9 tỷ USD vào ngành công nghiệp xe điện. Khoản đầu tư khổng lồ này đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ và mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc cũng đang gây ra những lo ngại ở phương Tây. Mỹ và châu Âu đã có những động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Washington đã chấm dứt miễn thuế cho pin mặt trời Trung Quốc sản xuất tại Đông Nam Á, trong khi Ủy ban Châu Âu đang điều tra về trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất tuabin gió.
Ủy ban Châu Âu đã tiến hành điều tra xem liệu sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất tuabin gió có gây hại đến cạnh tranh hay không. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cuộc điều tra riêng về phương pháp của Ủy ban.
Yasushi Ninomiya, nhà nghiên cứu điều hành tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, nhận định: "Chuỗi cung ứng chi phí thấp của Trung Quốc đã rõ ràng hỗ trợ việc áp dụng năng lượng tái tạo trên toàn cầu".
Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần mất vị thế khi nền kinh tế suy giảm.
Trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành cổ phiếu, CITIC Group tụt từ vị trí số 1 xuống thứ 6, và China International Capital từ thứ 5 xuống thứ 10, do các đợt IPO trên đại lục giảm so với mức kỷ lục của năm trước về mặt giá trị. Các hạn chế đối với việc niêm yết ở nước ngoài vì lý do an ninh cũng góp phần làm thị trường chứng khoán trì trệ.
Một người trong cuộc tại thị trường Hồng Kông cho biết: "Chính phủ rõ ràng đã coi trọng an ninh quốc gia hơn lợi ích kinh tế từ việc niêm yết ở nước ngoài". Thị phần của các nhà cung cấp Trung Quốc trong top 5 đã giảm ở 13 danh mục, bao gồm camera giám sát và đồng hồ thông minh. Huawei Technologies vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong cơ sở hạ tầng không dây, mặc dù thị phần giảm nhẹ.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|