Thứ Ba, 24/09/2024 11:22

Tôn vinh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024

Sáng ngày 24/09, Lễ Vinh danh IR Awards 2024 được tổ chức nhằm công bố kết quả Bình chọn IR và tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất.

Những doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (IR, Investor Relations) trong tổng số 708 doanh nghiệp niêm yết đã chính thức được công bố tại Lễ vinh danh IR Awards 2024.

Hai hạng mục được vinh danh (chia theo quy mô vốn hóa), bao gồm Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024 và Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2024. Đây là những doanh nghiệp niêm yết tuân thủ hoạt động công bố thông tin, có quản trị chiến lược, truyền thông tài chính minh bạch, đạt được hiệu quả giao tiếp giữa doanh nghiệp, cộng đồng tài chính cùng các thành phần khác, góp phần đưa chứng khoán công ty đạt được mức định giá hợp lý, giá trị doanh nghiệp được tối ưu.

Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024

Tại kỳ IR Awards năm nay, ST8 lần đầu tiên được vinh danh danh hiệu Small Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024. Chủ tịch HĐQT ST8 Nguyễn Văn Hoàng (Hans Nguyễn) cho biết bản thân rất vui, rất hân hạnh khi ST8 đạt giải lần này vì đó là niềm khích lệ, giúp cho Công ty cố gắng làm tốt hoạt động IR hơn nữa.

“Tôi từng ở vai trò người tìm kiếm cơ hội đầu tư nên hiểu rõ điều quan trọng là khi Công ty có giá trị phải biết trình bày, chia sẻ cho những nhà đầu tư thật sự quan tâm, để những đối tượng phù hợp nhận ra giá trị của mình”, Chủ tịch ST8 chia sẻ.

Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2024

Hội thảo IR View: “Xanh hóa” chuỗi cung ứng

Trong khuôn khổ Lễ vinh danh IR Awards lần thứ 14, hội thảo IR View chủ đề “Xanh hóa” chuỗi cung ứng đã có phần chia sẻ từ 6 diễn giả - là các đại diện đến từ doanh nghiệp niêm yết, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán - về những câu chuyện thực tiễn về hành trình dịch chuyển đổi xanh, giải pháp hiệu quả để tiếp cận nguồn vốn chất lượng cao, kinh nghiệm thực tế khi vận hành bộ phận IR.

Phát triển bền vững trở thành một xu hướng chung của toàn cầu bởi nếu không hành động, chúng ta và thế hệ mai sau sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đưa ra những khái niệm về phát triển bền vững, trách nhiệm đặt rất lớn trên vai các doanh nghiệp - những thành phần quan trọng trong mắt xích chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi cách thức hoạt động, kinh doanh để đảm bảo tăng trưởng song hành với việc bảo vệ các nguồn lực con người, tài nguyên, môi trường.

Bà Bùi Thị Thao Ly (SSV): Công bố thông tin ESG gia tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn ngoại

Đại diện góc nhìn từ bên bán trên thị trường chứng khoán, bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đã mang đến câu chuyện về “Công bố thông tin ESG gia tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn ngoại”.


Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Trung tâm Phân tích SSV chia sẻ tại Hội thảo IR View

Bà Ly cho biết, trong vài năm gần đây, SSV nhận được nhiều câu hỏi mới, yêu cầu phân tích mới từ nhà đầu tư, các nhóm nghiên cứu, các tổ chức xếp hạng… về mức độ cam kết và thực hành phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gặp khó khăn trong việc đánh giá, sàng lọc để chọn cổ phiếu tiềm năng của Việt Nam cho chủ đề đầu tư ESG trong bối cảnh xu hướng đầu tư “xanh”, đầu tư có trách nhiệm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thống kê tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand) cho thấy, số lượng quỹ ESG tăng rất mạnh mẽ kể từ năm 2020, tập trung ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... với quy mô tổng tài sản lên đến 58 tỷ USD vào thời điểm cuối quý 2/2024, gấp hơn 10 lần so với thời điểm 10 năm tước.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực, với chỉ một quỹ đầu tư ESG, thấp hơn các nước lân cận như Malaysia hay Thái Lan vốn đang bùng nổ rất mạnh trong những năm gần đây.

Có nhiều nguyên nhân khiến lĩnh vực “đầu tư xanh” của Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực, nhưng theo đại diện SSV, dữ liệu ESG đang là rào cản lớn nhất, ảnh hưởng đến việc sàng lọc các cơ hội đầu tư.

Số liệu thống kê từ Bloomberg cho thấy chỉ có khoảng 3% số công ty niêm yết trên HOSE có dữ liệu để đánh giá, tỷ lệ này gây ngạc nhiên bởi theo khảo sát của PwC có 44% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã thực hiện cam kết và kế hoạch ESG.

Mức độ công bố thông tin ESG cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 23% hệ thống các tiêu chí đánh giá với nhiều chỉ tiêu định lượng. Trong đó, mức độ công bố thông tin về môi trường chưa tới 10%, thông tin xã hội 14% và thông tin về quản trị cao hơn đáng kể, đạt gần 47%. Qua đó cho thấy xếp hạng quản trị cũng là yếu tố quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.

Dù số lượng quỹ đầu tư ESG tại Việt Nam còn chưa nhiều, nhưng thực tế có những doanh nghiệp niêm yết đi đầu trong việc công bố thông tin phát triển bền vững đã thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Ví dụ điển hình như VNM thu hút được 300 quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có đến 126 quỹ đầu tư ESG. Từ đó cho thấy việc chủ động thực hành báo cáo thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận đến quỹ ESG toàn cầu với quy mô lớn.

Theo Bloomberg Intelligence, tổng tài sản quỹ ESG toàn cầu ước tính lớn hơn rất nhiều so với khu vực châu Á, lên đến 30 ngàn tỷ USD năm 2022 và dự kiến vượt 40 ngàn tỷ USD vào năm 2030.

Do đó, SSV tin rằng việc thực hành báo cáo phát triển bền vững, công bố thông tin đầy đủ, có lưu tâm đến việc lấp đầy các ô thông tin yêu cầu cho công việc phân tích, xếp hạng của các tổ chức trong và ngoài nước, sẽ gia tăng đáng kể cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư ESG của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam.

Ngoài việc thu hút đầu tư, nhu cầu cải thiện hình ảnh và danh tiếng của công ty, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút và giữ chân nhân tài… cũng là những động lực thôi thúc doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững.

Với vai trò là một nhà phân tích của CTCK, SSV mong được đọc báo cáo phát triển bền vững từ nhiều doanh nghiệp niêm yết hơn, với tiêu chuẩn ngày càng được nâng cao hơn và tự hào được góp phần vào việc chuyển tải những thông tin này đến với nhiều nhà đầu tư, thông qua những báo cáo phân tích của mình, chung tay cùng doanh nghiệp hướng đến mục tiêu quốc gia Net Zero 2050.

Ông Nguyễn Thành Long (HD Capital): IR có thể là chìa khoá kích hoạt dòng vốn tỷ đô vào Việt Nam

Sau giai đoạn dài chinh chiến trên thị trường chứng khoán Việt, ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital) nhận thấy sự chuyển mình đáng kinh ngạc của hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tại Việt Nam.


Ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital)

"Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng 2011-2012, tôi còn nhớ rõ một báo cáo của Vietstock cho thấy chỉ có chưa đầy 10% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn về hoạt động IR", ông Long mở đầu câu chuyện. "Đến năm 2018-2019, con số này đã tăng lên 40%. Và bây giờ, năm 2024, chúng ta đã chạm mốc 60%".

Những con số này phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc, nhưng đồng thời cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện.

Ông Long cho biết, bức tranh chung tuy đã cải thiện, nhưng vẫn có sự phân hóa rõ rệt về thực hành IR giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Lý giải về sự chênh lệch này, Tổng Giám đốc HDCapital cho rằng nguồn lực đã ảnh hưởng tới cách thực hiện hoạt động IR ở các doanh nghiệp.

"Ở doanh nghiệp nhỏ, bộ phận IR thường được giao cho phòng kế toán và tài chính kiêm nhiệm. Họ có thể làm việc rất chăm chỉ, nhưng không thể chuyên nghiệp bằng một đội ngũ được đào tạo bài bản về IR", ông Long giải thích.

Các ngành nghề khác nhau cũng có mức độ tuân thủ IR khác nhau. "Các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng", ông nhận xét.

Nhìn về phía trước, Tổng Giám đốc HDCapital cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Ông chỉ ra một điểm đáng chú ý: "Chỉ 10% doanh nghiệp niêm yết cung cấp báo cáo song ngữ. Đây là một rào cản lớn trong việc tiếp cận nhà đầu tư quốc tế".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh những cơ hội đang mở ra. "Sau đại dịch COVID-19, việc tổ chức họp trực tuyến, webinar đã trở nên phổ biến hơn. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, với chi phí thấp hơn", ông nói.

Khi được hỏi về vai trò của hoạt động IR hiệu quả, ông Long đưa ra ba yếu tố chính: Tính minh bạch và chính xác của thông tin, sự công bằng trong đối xử với cổ đông, và khả năng xây dựng niềm tin dài hạn.

"Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với cổ đông nhỏ lẻ", ông Long nhấn mạnh. "Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc họp cổ đông, nơi ban lãnh đạo có xu hướng ưu ái các cổ đông lớn. Đây là điểm cần cải thiện vì một bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, dù tương đối nhỏ, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".

Cơ hội từ nâng hạng thị trường và xu hướng ESG

Nhìn về tương lai, ông Long đặc biệt kỳ vọng việc thực hiện tốt hoạt động IR sẽ thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam và xu hướng đầu tư ESG.

Nâng hạng thị trường từ lâu đã là vấn đề luôn “đau đáu” trong tâm trí của Chính phủ lẫn giới đầu tư Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới để thúc đẩy quá trình này, chẳng hạn như việc Bộ Tài chính vừa đưa ra thông tư mới liên quan tới prefunding (ký quỹ trước) đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

"Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí của FTSE và 10/18 tiêu chí của MSCI để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài", ông Long dự đoán. Ông dẫn chứng: "Khi được nâng hạng, Qatar và UAE đã thu hút được 2 tỷ USD, trong khi Pakistan thu hút được 500 triệu USD".

Về xu hướng ESG, ông Long đưa ra con số ấn tượng: "Hiện có khoảng 140,000 tỷ USD đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Con số này gấp 5 lần GDP của Mỹ. Đây là lượng vốn khổng lồ và có thể làm thay đổi bức tranh của một ngành".

Ông Long kết luận: "Hoạt động IR không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nó là chìa khóa để tối ưu hóa giá trị cổ đông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp".

VietinBank dùng 42.3 ngàn tỷ tài trợ cho dự án xanh, khuyến khích đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia chuỗi cung ứng xanh

Ông Vương Huy Đông - Phó Ban Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) mang đến nội dung về “Cách thực hành IR của VietinBank”. Ngân hàng làm thế nào để cải thiện chất lượng của bộ phận IR; hoạt động IR với nhà đầu tư tổ chức, tiếp cận vốn ngoại; và cách thích ứng trong thời đại số hóa, xanh hóa.


Ông Vương Huy Đông - Phó Ban Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG)

Theo chia sẻ của ông Đông, từ năm 2009, Ngân hàng đã thành lập bộ phận IR và từ năm 2014, bộ phận IR được tổ chức trực thuộc Thư ký HĐQT thuộc văn phòng HĐQT. Bộ phận IR trực tiếp tham mưu cho HĐQT, trực tiếp phản ánh các thông tin từ cổ đông và nhận chỉ đạo của HĐQT, cho nên các hoạt động liên tục được cập nhật và phản ánh đến nhà đầu tư nhanh nhất.

Hoạt động IR của VietinBank là tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích cổ đông và tích hợp truyền thông vào hoạt động tài chính. Đối với VietinBank, các cổ đông đều có thể tiếp cận thông tin bằng tiếng Việt và Tiếng Anh.

Ngân hàng cũng liên tục phân tích cơ cấu cổ đông, để đưa ra chiến lược IR phù hợp. Hiện, VietinBank có 2 cổ đông lớn là cổ đông Nhà nước (64.46%), MUFG Bank (19.73%).

Xét theo yếu tố trong, ngoài nước, cổ đông trong nước chiếm gần 74% với khoảng 53,000 cổ đông. Cổ đông ngoại chiếm 26.15% với số lượng gần 1,000 cổ đông. Như vậy, bình quân mỗi cổ đông trong nước sở hữu khoảng 9,500 cp CTG, mỗi cổ đông ngoại sở hữu 400,000 cp CTG. Có thể thấy, giá trị đầu tư của cổ đông ngoại cao hơn rất nhiều. Do đó, Ngân hàng cần định hướng được nhà đầu tư tổ chức cần thông tin gì, định hướng gì. Bộ phận IR của VietinBank đang quan hệ với 170 CTCK, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều quỹ lớn đến từ 20 quốc gia trên thế giới.

Các quỹ đầu tư là cầu nối đến với các nhóm cổ đông. VietinBank có mức độ quan tâm cao tới các quỹ đầu tư. Mỗi năm, Ngân hàng đều tham gia trên dưới 100 hội nghị chủ động và hội nghị nhà đầu tư. Năm 2024, con số đã vượt ngưỡng thực hiện 2023. Dự kiến đến hết năm nay là 120-130 hội nghị.

VietinBank không quan niệm phân biệt giữa các nhà đầu tư với nhau. Do đó, 100% yêu cầu, thắc mắc của cổ đông đều được hỗ trợ. Ngân hàng cũng tinh gọn quy trình để rút ngắn thời gian phản hồi tới cổ đông.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông trong công tác quan hệ cổ đông luôn được quan tâm, mỗi năm Ngân hàng có 1,500 lượt tin bài trên các thông tin truyền thông đại chúng. Điều này giúp cập nhật nhanh nhất thông tin đến nhà đầu tư, giải đáp các điểm nghẽn truyền thông, các thắc mắc liên quan tới cổ phiếu CTG và hạn chế rủi ro truyền thông.

Nói về chuyển đổi số, VietinBank là ngân hàng tiên phong chuyển đổi số của Chính phủ và của ngành. Ngân hàng có 108 sáng kiến đổi mới. IR là hoạt động tiên phong để nhà đầu tư thấy sự chuyển đổi số của VietinBank đang tới giai đoạn nào.

Cụ thể hơn, Ngân hàng áp dụng hội thảo trực tuyến, livestream sự kiện, xây dựng và cải tiến website để nhà đầu tư thuận tiện tiếp cận thông tin.

Nếu truy cập website IR của VietinBank thì nhà đầu tư có thể gộp các báo cáo lại với nhau để lấy thông tin nhanh nhất. Hoặc nhà đầu tư đăng ký để chủ động nhanh thộng tin về ngành ngân hàng, thông tin cổ phiếu CTG nhanh và cập nhật nhất. Hàng tuần đều có báo cáo phân tích về cổ phiếu CTG để thể hiện các dữ liệu, thông tin, cập nhật giải đáp các khúc mắc liên quan tới CTG nhanh và cập nhật nhất.

Ngân hàng cũng có các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube với tiêu đề ngắn gọn để tăng khả năng tiếp cận thông tin đến nhà đầu tư.

Ngân hàng có nhiều hoạt động phát triển bền vững, chẳng hạn như ký hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như tham gia diễn đàn kinh tế toàn cầu.

VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững.

Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5,000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững.

Tổng dự nợ tín dụng xanh của VietinBank đạt 42.3 ngàn tỷ đồng, chiếm 2.7% tổng dư nợ tín dụng, với gần 1,000 khách hàng. Không chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh mà còn khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia vào chuỗi cung ứng xanh.

Bộ phận IR cũng tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững để cổ đông hiểu hơn về phát triển bền vững tại VietinBank. Ngân hàng nắm rõ quan điểm rằng, việc có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường sẽ thu hút các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ có yếu tố ESG. VietinBank kết hợp báo cáo phát triển bền vững vào báo cáo thường niên, cập nhật thông tin tốt nhất để truyền tải đến nhà đầu tư.

PAN Group và hành trình "xanh hóa" chuỗi cung ứng

Tại Hội thảo IR View, ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN (HOSEPAN) đã chia về câu chuyện “Xanh đầu vào”. PAN đã làm gì để thu hút được các nguồn vốn quốc tế như IFC, Standard Chartered…?


Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn PAN phát biểu tại Hội thảo IR View

"Hành trình 'xanh hóa' của chúng tôi bắt đầu từ năm 2012, khi công ty chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm", ông Hiệp mở đầu. Tầm nhìn đó không chỉ dừng lại ở việc phát triển doanh nghiệp, mà còn hướng tới mục tiêu nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Hiệp chỉ ra một nghịch lý: "Mặc dù Việt Nam đứng vị trí cao trong bảng xếp hạng xuất khẩu nông sản, nhưng lại đứng khá thấp về vị trí trong chuỗi giá trị, chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt là hàng có thương hiệu". Nhận thức được điều này, ban lãnh đạo PAN Group đã đặt ra mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp cùng chí hướng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Hiện nay, PAN Group ghi nhận doanh thu lớn từ xuất khẩu, với đóng góp 50% tổng doanh thu, chủ yếu tới các thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Canada, Úc, Hàn quốc.

"Để đạt được điều này, chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất rất khắt khe, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chí phát triển bền vững", ông Hiệp nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng được chú trọng, đặc biệt sau cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, PAN Group đã sớm có sự chuẩn bị. Năm 2015, khi Liên hợp quốc công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, PAN Group đã nhanh chóng đề ra 9 mục tiêu riêng, tập trung vào tiêu dùng, sản xuất và chuỗi cung ứng bền vững.

"Để đạt mục tiêu, PAN Group phải xác lập hệ thống quản trị bền vững, chuẩn chỉnh ngay từ đầu”, ông Hiệp cho biết.

"Chúng tôi bắt đầu phát hành báo cáo phát triển bền vững tách biệt từ năm 2015, là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong. Điều này giúp chúng tôi tiếp cận rất tốt với nhà đầu tư quốc tế", ông Hiệp tự hào chia sẻ.

PAN Group không chỉ áp dụng các nguyên tắc này cho chính mình, mà còn khuyến khích những công ty thành viên cùng hướng tới phát triển bền vững. Tùy theo trình độ và tình trạng niêm yết, các doanh nghiệp thành viên được yêu cầu phát hành báo cáo phát triển bền vững hoặc có báo cáo nội bộ minh bạch.

Mô hình quản trị phát triển bền vững (PTBV) của PAN Group được tổ chức bài bản, với 3 cấp: Tiểu ban PTBV trực thuộc HĐQT, Ban chỉ đạo PTBV, và Bộ phận PTBV chuyên trách. Cấu trúc này đảm bảo việc triển khai chiến lược xuyên suốt từ cấp cao nhất đến từng đơn vị thành viên.

"Có thể nói, PAN Group đã tương đối thành công trong việc 'xanh hóa' chuỗi cung ứng của mình. Chúng tôi đã trải qua một quá trình bài bản, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, và ngày càng được ghi nhận nhiều hơn", ông Hiệp cho biết.

Hoạt động IR của VNM được xây dựng trên 4 trụ cột chính

Câu chuyện “Quản lý hoạt động IR trong doanh nghiệp” do ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) chia sẻ. Vinamilk là doanh nghiệp niêm yết có đến 8 năm được vinh danh IR Awards trong giai đoạn 2011 - 2023 vừa qua.


Ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư VNM phát biểu tại Hội thảo IR View

Theo chia sẻ từ Trưởng ban Quan hệ IR VNM, mô hình IR tại VNM được xây dựng trên 4 trụ chính là minh bạch, khả năng tiếp cận, sự tham gia và xử lý khủng hoảng.

Với trụ thứ nhất, VNM thấu hiểu minh bạch là nền tảng của sự tin tưởng. Công ty chú trọng cung cấp thông tin qua nhiều dạng khác nhau, như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, thông cáo báo chí và các thông tin đều được cung cấp dưới dạng song ngữ để đảm bảo quyền lợi cổ đông trong và ngoài nước. Báo cáo thường niên của VNM luôn nằm trong top đầu của cuộc bình chọn do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM tổ chức.

VNM luôn tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Việc công bố thông tin trên website ngoài việc giúp nhà đầu tư hiểu còn giúp các bộ phận nội bộ của Công ty nắm bắt tốt hơn về việc công bố thông tin. Trong hoạt động công bố thông tin, nhiều thông tin do các bộ phân chuyên môn khác thực hiện, nếu các bộ phận chuyên môn không nắm thì sẽ không đáp ứng quy định công bố thông tin.

Trụ tiếp theo là khả năng tiếp cận. VNM hiểu được thời gian là quý giá, do đó, Công ty xây dựng hệ thống để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin của VNM. Hướng tới vượt trên công bố thông tin, Công ty còn công bố nhiều loại tài liệu đa dạng cho nhà đầu tư. Các tài liệu được cập nhật thường xuyên hàng quý để đảm bảo nhà đầu tư nắm rõ nhất thông tin về doanh nghiệp.

Xác định IR là một quá trình hai chiều, do đó VNM rất quan tâm tới trụ thứ 3 là sự tham gia. VNM luôn có ứng dụng các cuộc họp trực tuyến để nhà đầu tư có thể tham gia các cuộc họp của Công ty. Trước đây, ĐHĐCĐ tổ chức trực tiếp của Công ty có khoảng 400 - 500 nhà đầu tư tham dự. Con số này tăng lên 1,300 nhà đầu tư do tổ chức trực tuyến. Viêc tổ chức trực tuyến giúp cổ đông dễ dàng tham gia. Con số 1,300 vẫn còn khiêm tốn và VNM sẽ cố làm tốt hơn nữa.

VNM cũng thực hiện khảo sát với cổ đông thông qua danh sách email Công ty quản lý. Đồng thời, Công ty tiến hành mời nhà đầu tư tham gia vào các cuộc họp hàng quý với Ban điều hành.

Xử lý khủng hoảng là trụ cột để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. VNM dùng các hệ thống quản lý khủng hoảng truyền thông. Hàng ngày hệ thống sẽ gửi về các email để quản lý các thông tin trên mạng xã hội, internet. Nếu có sai lệch thì cùng bộ phận truyền thông, quan hệ công chúng triển khai đính chính thông tin.

Ông Trung cũng nói thêm về cách VNM tiếp cận nhà đầu tư tổ chức. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới VNM, hiện danh sách cổ đông của Công ty có 500 nhà đầu tư ngoại, 300 trong đó là các quỹ. Hàng năm, VNM vẫn dành nguồn lực để tham gia 10 sự kiện đầu tư thu hút vốn ở các thị trường trọng điểm là Singapore, Anh, Mỹ, Hồng Kông.

Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới ESG. Một thực hành quan trọng là VNM được nhận lời mời tham gia các bảng xếp hạng ESG, và đến nay đã tham gia bảng xếp hạng CDP và được đánh giá tích cực. 

Ngoài ra, VNM cũng cung cấp nhiều thông tin chuyên sâu về vĩ mô, ngành cho các nhà đầu tư tổ chức. Đây là nhóm thông tin rất được quan tâm bởi nhà đầu tư.

Hành trình ESG của ACB bắt đầu từ trăn trở: “Ta để lại gì cho mai sau”

Bắt đầu từ trăn trở của Chủ tịch Trần Hùng Huy: “Ta để lại gì cho mai sau”, ACB trong vai trò định chế tài chính nhưng xác định tiền không phải là quan trọng nhất, mà làm sao để lại một trái đất nguyên vẹn cho thế hệ mai sau và ACB muốn chung tay trên hành trình đó.


Ông Trần Vũ Hiền - Giám đốc khối Tài chính ACB phát biểu tại Hội thảo IR View

Mở đầu bài phát biểu, ông Trần Vũ Hiền - Giám đốc khối Tài chính Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSEACB) hồi tưởng, thời điểm ông Trần Hùng Huy bắt đầu nhận vai trò Chủ tịch HĐQT ACB đã thực hiện khảo sát về mức độ quan tâm của nhân viên đến môi tường. Kết quả nhận về 90% câu trả lời là không quan tâm. Nhưng qua gần 10 năm, ACB đã từng bước thành công trong việc thay đổi quan điểm này.

Trong các chuyến đi chơi, teambuilding,… nhân viên ACB luôn hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường như dọn sạch bãi biển, trồng thêm cây xanh,… hay trong hoạt động hàng ngày, ACB từng bước xanh hóa thông qua việc không sử dụng chai nước nhựa, không xả rác thải nhựa, thảm trải trong văn phòng đều làm từ lưới đánh cá tái chế, cửa kính tiết kiệm năng lượng. Có thể thấy, xanh hóa bắt đầu từ những hành động rất nhỏ.

Hành trình 10 năm qua là bước đi đầu tiên để ACB thay đổi bản thân - hướng đến xanh hơn. Trong tương lai, ACB muốn được cùng tất cả cổ đông, đối tác, các ngân hàng bạn chung tay làm ESG.

“ACB không tham vọng là ngân hàng dẫn đầu về ESG, mà hi vọng trở thành niềm cảm hứng để tất cả cùng làm”, ông Hiền chia sẻ.

ACB có gói tín dụng xanh triển khai đầu năm nay hơn 2,000 tỷ đồng và đã giải ngân hết. Đại diện Ngân hàng cho biết, sẽ gia hạn thêm để giúp khách hàng tiếp tục hành trình chuyển đổi xanh.

Gói tín dụng này không chỉ dành cho các doanh nghiệp xanh, mà còn hướng đến các doanh nghiệp, lĩnh vực chưa xanh để thúc đẩy họ xanh hơn, như cải thiện hệ thống xử lý nước và khí thải, sử dụng dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn. Các doanh nghiệp thỏa mãn tiêu chí xanh của ACB có thể tiếp cận nguồn vốn vay rất ưu đãi.

Bắt đầu từ trăn trở của Chủ tịch Trần Hùng Huy: “Ta để lại gì cho mai sau”, ACB trong vai trò định chế tài chính nhưng xác định tiền không phải là quan trọng nhất, mà làm sao để lại một trái đất nguyên vẹn cho thế hệ mai sau.

Lễ Vinh danh IR Awards lần thứ 14: Tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024

Sáng ngày 24/09/2024, Lễ Vinh danh IR Awards 2024 đã được tổ chức nhằm công bố kết quả Bình chọn IR và tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất năm 2024.

Lễ Vinh danh có sự tham dự của ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng Đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM; ông Phạm Quý Trọng - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan thường trực khu vực miền Nam Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng lãnh đạo các đơn vị trong Hội đồng Bình chọn, lãnh đạo các Doanh nghiệp được vinh danh cùng các cơ quan thông tấn báo đài.

IR Awards 2024 là sự kiện nhằm ghi nhận những nỗ lực, thành tích và tôn vinh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024. Qua 14 năm thực hiện chương trình IR Awards, doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến hoạt động IR. Điều này phần nào đã được thể hiện qua kết quả cuộc khảo sát toàn diện hoạt động công bố thông tin trên cả hai sàn niêm yết trong năm qua với tỷ lệ Doanh nghiệp Đạt Chuẩn Công bố thông tin lên đến 60%, tăng mạnh so với mức 50% của 3 năm liền trước và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Yếu tố cốt lõi của hoạt động IR là tính minh bạch, đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Như Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi)

Phát biểu khai mạc Lễ vinh danh, nhà báo Nguyễn Như Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) cho biết: “Thông qua quá trình thực hành bài bản và có chiến lược, hoạt động quan hệ nhà đầu tư giúp thị trường vốn định hình, khai phá giá trị doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực để hướng đến phát triển bền vững.

Trải qua 14 mùa vinh danh, Chương trình đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, ghi nhận và tôn vinh thành tựu của những doanh nghiệp xuất sắc nhất trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Đây là thước đo khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược quản trị doanh nghiệp và hiệu quả vượt trội trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Điều này được cả bên mua và bên bán trên thị trường vốn công nhận, thông qua sự đồng thuận bình chọn từ các định chế tài chính và từ cộng đồng nhà đầu tư đại chúng.

Với nỗ lực không ngừng đổi mới sáng tạo, gia tăng các hoạt động tạo giá trị và truyền cảm hứng cho cộng đồng, trong năm 2024 này, Chương trình đã nâng cấp toàn diện đối với tất cả các khâu triển khai, phát hành Tập san IR Awards với chủ đề Phát triển bền vững nhằm chia sẻ những câu chuyện dịch chuyển thực tế tại các doanh nghiệp tiêu biểu, và giải pháp huy động vốn hiệu quả đến từ các thành viên Hội đồng bình chọn.

Hội đồng bình chọn nhận kỷ niệm chương IR Awards 2024

Vượt qua 708 doanh nghiệp niêm yết trên HOSEHNX, các Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2024 được gọi tên tại Lễ vinh danh IR Awards 2024 diễn ra sáng ngày 24/09/2024. Hai hạng mục được vinh danh gồm Nhà đầu tư yêu thích nhất Định chế tài chính đánh giá cao nhất theo quy mô 4 nhóm vốn hóa gồm Financial Large Cap, Non-Financial Large Cap, Mid Cap và Small Cap.

FILI

Các tin tức khác

>   24/09: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán? (24/09/2024)

>   Theo dấu dòng tiền cá mập 23/09: Tự doanh và khối ngoại suy nghĩ trái chiều (23/09/2024)

>   FUESSVFL: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   E1VFVN30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUEIP100: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUEMAV30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUEMAVND: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUESSV30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUESSV50: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

>   FUESSV50: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 20/09/2024 (23/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật