Sự suy tàn của đế chế Intel: Từ “vua chip” đến mục tiêu thâu tóm
Chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi, Intel đã chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục trong vận mệnh của mình. Từ một công ty có giá trị gấp đôi so với hiện tại và tích cực tìm kiếm cơ hội mua lại các đối thủ, giờ đây Intel lại trở thành mục tiêu thâu tóm, phản ánh những biến động sâu sắc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Câu chuyện về sự suy tàn của Intel bắt nguồn từ những sai lầm chiến lược trước khi Pat Gelsinger nhậm chức CEO vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đẩy nhanh quá trình này, khi nhu cầu thị trường đột ngột chuyển hướng sang loại chip do đối thủ Nvidia sản xuất.
Động thái tiếp cận gần đây từ Qualcomm phản ánh một điểm yếu hiếm thấy trong lịch sử 56 năm của Intel. Vấn đề bắt đầu từ những thất bại trong sản xuất trước khi ông Gelsinger nắm quyền. Và tình hình đã trở nên tồi tệ hơn khi vị CEO này theo đuổi chiến lược tái cơ cấu tốn kém mà không lường trước được cơn sốt AI sẽ chuyển hướng cơ bản nhu cầu sang loại chip do đối thủ Nvidia sản xuất.
Angelo Zino, Chuyên gia phân tích kỳ cựu tại CFRA Research nhận định: "Trong 2-3 năm qua, sự chuyển dịch sang AI thực sự là cú knockout. Họ đơn giản là không có những khả năng phù hợp”.
Ngay cả khi Intel tỏ ra cởi mở, một thỏa thuận với Qualcomm vẫn còn xa vời vì lý do pháp lý và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, ý tưởng gã khổng lồ chip điện thoại thông minh mua lại Intel sẽ là điều gần như không thể tưởng tượng được cách đây không lâu.
Intel đã thống trị trong nhiều thập kỷ với vị thế công ty bán dẫn đắt giá nhất thế giới và chip của họ có thể nhìn thấy ở gần như mọi máy tính cá nhân và máy chủ. Trong một ngành công nghiệp mà sự chuyên môn hóa ngày càng trở thành chuẩn mực, Intel là một trong số ít công ty vừa thiết kế vừa sản xuất chip của riêng mình - và là “tay chơi” số 1 thế giới ở cả hai lĩnh vực.
Đến thời điểm Gelsinger trở thành CEO vào đầu năm 2021, Intel đã mất đi một phần sức hấp dẫn, tụt hậu so với các đối thủ ở châu Á trong cuộc đua sản xuất chip có hiệu năng nhanh nhất với các bóng bán dẫn nhỏ nhất.
Gelsinger, người đã làm việc tại Intel trong nhiều thập kỷ và là Giám đốc công nghệ đầu tiên của công ty, có kế hoạch đưa Intel trở lại thời kỳ huy hoàng dưới thời các lãnh đạo như Andy Grove và Paul Otellini.
Để làm được điều đó, Intel cần phải bắt kịp các đối thủ châu Á như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics. Ông cũng lên kế hoạch chi tiêu mạnh tay để mở rộng hoạt động sản xuất của Intel, và bán năng lực sản xuất đó cho các công ty chỉ thiết kế chip như Qualcomm, tức thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh máy đúc chip (foundry) mà TSMC và Samsung đang thống trị.
Đó là một canh bạc tốn kém và đầy tham vọng, nhưng có vẻ như các yếu tố cần thiết đã sẵn sàng để nó hoạt động: Một mảng kinh doanh cốt lõi mạnh mẽ về sản xuất chip cho máy tính cá nhân và máy chủ, cùng với một loạt các mảng kinh doanh phụ trợ có thể giúp tài trợ cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Intel.
Gelsinger nhanh chóng tìm cách sử dụng nguồn lực tài chính của Intel để xây dựng mảng kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng, bắt đầu đàm phán mua lại GlobalFoundries với giá khoảng 30 tỷ USD vào mùa hè sau khi ông nhậm chức. Thương vụ đó đã không thành công, nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2021, CEO Gelsinger nói rằng Intel vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua lại. "Sẽ có sự hợp nhất trong ngành", ông nói. "Xu hướng đó sẽ tiếp tục, và tôi kỳ vọng chúng tôi sẽ là một bên đi thâu tóm”.
Cuối cùng, ông đã quyết định mua lại Tower Semiconductor, một nhà sản xuất chip theo hợp đồng khác, với giá hơn 5 tỷ USD, mặc dù thương vụ này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc không phê duyệt.
Mảng kinh doanh sản xuất theo hợp đồng của Intel đã có khởi đầu chậm chạp trong việc hướng tới mục tiêu của Gelsinger là trở thành công ty lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030. Công ty đã trải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, trong khi nhiều khách hàng tiềm năng đã cắt giảm hoặc rút lại việc kinh doanh sau khi gặp phải những sai sót kỹ thuật.
Sự trỗi dậy của Nvidia
Khi chi phí tại Intel ngày càng chồng chất, làn sóng AI tạo sinh bắt đầu bùng nổ. Làn sóng này đã chuyển hướng nhu cầu từ các bộ xử lý trung tâm của Intel sang "các chip xử lý đồ họa" từ Nvidia, có thiết kế khác biệt phù hợp hơn cho việc tạo ra và triển khai các hệ thống AI tinh vi nhất. Khi các công ty công nghệ ráo riết tìm mua chip AI khan hiếm của Nvidia, nhiều bộ xử lý của Intel vẫn nằm trên kệ.
Gelsinger buộc phải cắt giảm chi phí để duy trì nỗ lực tái cơ cấu. Intel đã sa thải hàng ngàn người bắt đầu từ năm 2022 và cắt giảm cổ tức vào năm ngoái. Nhưng vẫn chưa đủ. Vào tháng trước, Gelsinger nói rằng công ty sẽ sa thải 15,000 người, cắt giảm chi phí 10 tỷ USD vào năm tới và ngừng chia cổ tức.
"Làn sóng AI bùng nổ mạnh mẽ hơn tôi dự kiến", Gelsinger nói vào thời điểm đó, gọi những đợt cắt giảm là "điều khó khăn nhất tôi đã làm trong sự nghiệp của mình”.
Trong tuần này, Intel đã công bố những động thái mới, bao gồm kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn và tách biệt hơn nữa hoạt động thiết kế và sản xuất - mặc dù Gelsinger đã không đi đến quyết định bán hoặc tách riêng mảng sản xuất như một số nhà đầu tư đã kêu gọi.
"Chúng ta cần phải chiến đấu cho từng bước tiến và thực hiện tốt hơn bao giờ hết", Gelsinger nói với nhân viên. "Bởi vì đó là cách duy nhất để làm im lặng những người chỉ trích và đạt được kết quả mà chúng ta biết mình có khả năng đạt được”.
Các nhà phân tích cho rằng cơ hội cho một bước ngoặt tích cực trong vận mệnh của Intel đang thu hẹp nhưng vẫn còn khả thi. Cắt giảm chi phí có thể giúp công ty vượt qua khó khăn, mặc dù giá cổ phiếu giảm đã khiến nó dễ bị thâu tóm.
Tính đến cuối tuần trước, cổ phiếu của Intel đã giảm gần 70% so với mức đầu năm 2020, thời điểm họ chạm mức cao nhất kể từ thời kỳ bong bóng dot-com. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 18 lần trong cùng giai đoạn này.
'Có thể đã quá muộn'
Stacy Rasgon, Chuyên viên phân tích tại Bernstein Research, nói rằng tương lai của Intel phụ thuộc vào thành công hay thất bại của công nghệ sản xuất chip thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm tới và Intel hy vọng sẽ vượt qua các đối thủ, ít nhất là về mặt công nghệ. Việc trở lại vị trí dẫn đầu về công nghệ có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận và tạo niềm tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, Intel có một vấn đề nan giải: Mảng kinh doanh chip cốt lõi của họ khó phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh chi tiêu cho chip AI vẫn quá mạnh mẽ.
"Chúng ta có thể tranh luận liệu chiến lược có đúng hay sai, nhưng vấn đề là mảng kinh doanh cốt lõi không hỗ trợ con đường đó”, Rasgon nói. Tuy nhiên, đến lúc này, "có thể đã quá muộn để họ dừng lại”.
Đối với Qualcomm, việc mua lại Intel có thể giúp công ty nhảy vào các phân khúc mới của ngành công nghiệp chip. Qualcomm chuyên về chip điện thoại di động - họ là nhà cung cấp cho iPhone của Apple và các thiết bị khác - và đã xây dựng danh mục chip cho ô tô và Internet vạn vật (IoT) trong những năm gần đây. Intel sẽ bổ sung một mảng kinh doanh lớn về chip cho máy tính cá nhân và máy chủ.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu Qualcomm có giữ lại hoạt động sản xuất của Intel nếu hai bên đạt thỏa thuận hay không. Khác với Intel, Qualcomm chuyên thuê ngoài sản xuất. Sản xuất là một hoạt động vô cùng phức tạp và tốn kém. Intel đã đổ 25.8 tỷ USD vào chi tiêu vốn năm ngoái, tương đương khoảng 48% doanh thu. Chi tiêu vốn của Qualcomm trong năm tài chính vừa qua là 1.5 tỷ USD, chỉ hơn 4% doanh số.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|