Nợ xấu ngân hàng sẽ vẫn chịu áp lực gia tăng từ đâu?
Trong khi các khoản nợ xấu cũ còn chưa xử lý xong, các khoản nợ xấu mới đang tiếp tục phát sinh càng gây áp lực lên công tác thu hồi nợ xấu của nhiều nhà băng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, khiến công tác xử lý tài sản đảm bảo là nhà đất càng trở nên khó khăn.
Diễn biến nợ xấu
Theo dữ liệu chia sẻ của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cập nhật đến cuối tháng 7/2024 ở mức 4.75%, tăng so với mức 4.55% vào cuối năm 2023 và mức 2.03% cuối năm 2022. Như vậy, nợ xấu đã tăng trở lại trong tháng 7, khi trước đó số liệu công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 của toàn ngành đã giảm xuống 4.56% từ mức 4.94% của tháng 5 trước đó.
Với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống cuối tháng 7 là hơn 14.37 triệu tỷ đồng, tăng 5.93% so với đầu năm, theo đó nợ xấu tuyệt đối đến cuối tháng 7 xấp xỉ hơn 682.7 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, trong khi dư nợ tín dụng giảm gần 22.9 ngàn tỷ đồng riêng trong tháng 7, nợ xấu lại tăng gần 26.3 ngàn tỷ đồng, đã kéo tỷ lệ nợ xấu trong tháng 7 tăng 0.19% so với tháng 6.
So với cuối năm 2023, nợ xấu tuyệt đối đến cuối tháng 7/2024 đã tăng thêm 65.3 ngàn tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng 10.6%. Nếu so với mức tăng mạnh mẽ trong năm 2023, tốc độ tăng của nợ xấu nội bảng trong 7 tháng qua đã chậm lại đáng kể, phần nào nhờ vào chính sách tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn đã được thực thi trong thời gian qua.
Dù vậy, xu hướng nợ xấu tiếp tục đi lên và chưa cho thấy điểm dừng đang gây ra không ít lo ngại, khiến hoạt động của ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức hơn, từ việc phải đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, ngay cả đối với các khoản nợ đã tái cơ cấu theo đúng tiến độ, thận trọng hơn trong công tác phát triển tín dụng, cho đến tăng cường nguồn vốn đầu vào. Về phía khách hàng, khả năng tiếp cận tín dụng cũng bị thu hẹp, bao gồm cả những doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nợ.
Đáng lưu ý, theo NHNN, khối NHTMCP tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 ngàn tỷ đồng, tăng 4.8% so với cuối năm 2023 và chiếm 79.65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu của nhóm này là 7.77%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn ngành. Có lẽ chiếm tỷ trọng không nhỏ trong số này là các khoản nợ của ngân hàng SCB, với các khoản vay liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trong trường hợp tính theo tỷ lệ tổng nợ xấu gộp của toàn hệ thống, gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC và nợ tiềm ẩn rủi ro, số cập nhật gần nhất là 6.44% tính đến cuối tháng 6/2024. Điều bất ngờ là trong khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn đi lên, tỷ lệ nợ xấu gộp lại giảm so với con số 6.9% vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện những yếu tố có thể kéo tỷ lệ nợ xấu gộp tiếp tục đi lên trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý nhất là khoản mục nợ tiềm ẩn rủi ro.
Nỗi lo chưa tan
Trong khi các khoản nợ xấu cũ còn chưa xử lý xong, các khoản nợ xấu mới đang tiếp tục phát sinh càng gây áp lực lên công tác thu hồi nợ xấu của nhiều nhà băng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng khiến công tác xử lý tài sản đảm bảo là nhà đất càng trở nên khó khăn. Gần đây lại có những đề xuất về việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2,được cho là sẽ càng kéo lùi thị trường bất động sản trong những năm tới.
Ngoài các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 và 06 nói trên, danh mục nợ tái cơ cấu của nhiều ngân hàng sẽ còn chịu áp lực tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).
|
Với chính sách gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo thông tư 02/2023/TT-NHNN đã được kéo dài thực hiện đến hết năm nay, qua việc ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN, để kiềm chế tốc độ tăng của nợ xấu nội bảng, các ngân hàng sẽ cần tận dụng cơ chế và tăng cường tái cơ cấu nợ cho các khoản vay đáp ứng đủ điều kiện trong thời gian còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, nợ tái cơ cấu cũng có thể xem chính là các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro. Trước đó theo số liệu của NHNN, đến hết năm 2023, đã có gần 188 ngàn lượt khách hàng được cơ cấu lại theo Thông tư 02, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.5 ngàn tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị nợ gốc và lãi được tái cơ cấu đã tăng thêm 25.5% so với cuối năm 2023 lên 230.4 ngàn tỷ đồng, còn số lượng khách hàng cũng tăng mạnh từ 188 ngàn lên 282 ngàn. Và con số này chắc chắn đã tiếp tục tăng lên trong 3 tháng qua.
Ngoài các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 và 06 nói trên, danh mục nợ tái cơ cấu của nhiều ngân hàng sẽ còn chịu áp lực tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, khi NHNN đang khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi). Cùng với đó là các Quyết định về việc phân loại tài sản, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Trong khi đó, các khoản nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID 19 những năm trước đây, theo các Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, số 03/2021/TT-NHNN và số 14/2021/TT-NHNN, có lẽ cũng đang dần chuyển thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu mà khách hàng vẫn chưa thể phục hồi và hoàn trả. Thực tế cho đến nay, các ngân hàng vẫn đang phải tiếp tục theo dõi các khoản nợ tái cơ cấu theo chính sách này để tiếp tục xử lý hoặc quyết định chuyển nhóm khi đến hạn.
Một áp lực khác lên xu hướng nợ xấu chính là lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mà các ngân hàng đang nắm giữ. Báo cáo tài chính quý 2/2024 của các ngân hàng có công bố cho thấy lượng TPDN đang nắm giữ là 179 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu cập nhật đến ngày 20/9 của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy tổng giá trị TPDN sẽ đến hạn trong thời gian còn lại của năm 2024 là 86.2 ngàn tỷ đồng, trong đó 34.2% là thuộc nhóm bất động sản với khoảng 29.5 ngàn tỷ đồng.
Còn theo CTCP xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, dù tỷ lệ chậm thanh toán trái phiếu trên toàn thị trường có xu hướng giảm kéo dài từ quý 1/2024 cho tới nay, nhưng tổ chúc này cũng ước tính có khoảng 18% trong số 245 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong vòng 12 tháng tới vẫn có nguy cơ chậm trả nợ gốc, tức xấp xỉ 44.1 ngàn tỷ đồng. Trong số đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành bất động sản, nhà ở và xây dựng.
Thụy Nhiên
FILI
|