Niwaco hủy ĐHĐCĐ bất thường năm 2024
CTCP Cấp nước Ninh Thuận (Niwaco, UPCoM: NNT) vừa thông báo hủy ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 nhằm mục đích thông qua việc tham gia đấu giá nhà máy cấp nước Cà Ná - Phước Nam và hệ thống cấp nước Sơn Hải.
Nguyên nhân hủy là do UBND tỉnh Ninh Thuận (sở hữu 52.06% vốn NNT) chưa có ý kiến về phương án vay vốn để thực hiện dự án nói trên. HĐQT dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường sau.
Công ty cũng đồng thời hủy danh sách người sở hữu chứng khoán thực hiện quyền tham dự đại hội đã chốt khoảng 1 tháng trước.
Theo tài liệu công bố trước đại hội, lãnh đạo NNT cho rằng việc tham gia đấu giá nhà máy cấp nước Cà Ná - Phước Nam và hệ thống cấp nước Sơn Hải là rất cần thiết và quan trọng trong hoạt động cấp nước của toàn Công ty, nhằm đảm bảo cung cấp nước thường xuyên, liên tục và giảm áp lực cho nhà máy nước Tháp Chàm.
NNT hiện đang trực tiếp quản lý nhà máy nước Phước Dân, công suất thiết kế 10,000m3/ngày đêm để cung cấp nước cho các khu vực của huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam. Công ty cũng đang quản lý và vận hành hệ thống cấp nước cho khu dân cư Sơn Hải, huyện Thuận Nam với công suất 2,000m3/ngày đêm. Tất cả hệ thống này đều sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước Tháp Chàm.
Nhà máy nước Phước Dân. Nguồn: NNT
|
Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay, nhà máy nước Tháp Chàm trong thời gian tới sẽ quá tải, việc đưa nước từ nhà máy này vào khu vực phía Nam của tỉnh sẽ rất khó khăn, tốn kém và phi kinh tế.
Với mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho người dân và nhu cầu dùng nước cho ngành du lịch, công nghiệp trên địa bàn khu vực phía Nam; đồng thời phát huy tối đa năng lực cấp nước của những tài sản hiện có; tận dụng công suất của nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam để cân đối cho toàn hệ thống, nâng cao cấp nước an toàn, hạn chế rủi ro của hệ thống hiện hữu do đang phải phụ thuộc vào một nguồn cấp duy nhất từ nhà máy nước Tháp Chàm.
Phạm vi phục vụ của nhà máy cấp nước Cà Ná - Phước Nam và hệ thống cấp nước Sơn Hải gồm các khu công nghiệp Phước Nam, Hiếu Thiện, Cà Ná; Cảng tổng hợp Cà Ná; Trung tâm điện khí Cà Ná. Các khu du lịch ven biển từ Cà Ná đến Mũi Dinh, xã Phước Dinh, thôn Văn Lâm 3. Dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2025 của khu vực này khoảng 29,000m3/ngày đêm (nước sạch) và 63,386 m3/ngày đêm (nước thô).
Việc tham gia đấu giá còn góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho NNT khi không phải đầu tư tuyến ống D400 thay thế, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả và đảm bảo hoạt động cấp nước được liên tục, an toàn.
NNT dự định trình cổ đông về kế hoạch đầu tư 350 tỷ đồng bao gồm giá trị tham gia đấu giá và duy tu, sửa chữa toàn bộ nhà máy và hệ thống. Trong đó, 20% tổng giá trị (70 tỷ đồng) trích từ quỹ đầu tư phát triển của Công ty; 80% còn lại (280 tỷ đồng) sẽ vay từ ngân hàng với tài sản thế chấp bằng toàn bộ dự án nhà máy cấp nước Cà Ná – Phước Nam và hệ thống cấp nước Sơn Hải.
Ngày 04/05/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản triển khai công tác đấu giá nhà máy cấp nước Cà Ná - Phước Nam và hệ thống cấp nước Sơn Hải, nhằm thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2020 về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. “Khẩn trương đưa dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã thuộc huyện Ninh Phước và Khu Công nghiệp Phước Nam, xây dựng hệ thống cấp nước Cà Ná - Phước Nam, huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam vào hoạt động, không để lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, thất thoát tài sản Nhà nước”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.
Trong thời gian triển khai phương án đấu giá, NNT có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản và đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho nhân dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo kế hoạch, việc đấu giá sẽ dự kiến diễn ra trong tháng 5/2024 và thanh toán tiền mua tài sản dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 6-9/2024. Công ty phải bàn giao lại toàn bộ hồ sơ và tài sản thuộc nhà máy cấp nước Cà Ná – Phước Nam cho Sở Xây dựng để thực hiện các bước tiếp theo của công tác đấu giá.
Tử Kính
FILI
|