Thứ Ba, 24/09/2024 11:00

Nhiều hệ lụy xấu từ việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu

Trung Quốc đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978. Động thái này được dự báo sẽ giúp hạn chế sự suy giảm của lực lượng lao động do già hóa dân số, nhưng đồng thời cũng có thể khiến tâm lý lo ngại, chán nản gia tăng.

Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, hôm thứ Sáu tuần trước (13-9), các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tới năm năm.

Theo đó, tuổi hưu của lao động nam giới ở nước này sẽ được nâng từ 60 lên 63. Tuổi hưu của lao động nữ cổ cồn xanh (lao động chân tay) sẽ được nâng từ 50 lên 55, trong khi tuổi hưu của những lao động nữ cổ cồn trắng (lao động trí óc) sẽ được nâng từ 55 lên 58.

Các nhà chức trách dự kiến ​​nhóm người trong độ tuổi từ 60 trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035, bằng dân số của Anh và Mỹ cộng lại. Ảnh minh họa: TL

Những thay đổi trên sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025 và được triển khai trong lộ trình 15 năm. Giới chức Trung Quốc hy vọng cách làm này sẽ giúp giải quyết các thách thức về dân số già hóa, có thể đè nặng lên nền kinh tế.

Trong khi đó, các nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con cho đến nay chưa mang lại hiệu quả trong việc đảo ngược sự suy giảm dân số. Năm ngoái, dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp, với tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Do vậy, theo Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm mục đích “thích ứng với tình hình phát triển nhân khẩu học mới ở Trung Quốc, cũng như phát triển toàn diện và tối ưu hóa nguồn nhân lực”.

Wang Xiaoping, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội, cho biết hôm thứ Sáu rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện dần dần, với việc điều chỉnh bắt đầu từ năm sau nhưng sẽ mất 15 năm để triển khai đầy đủ.

Theo Bộ trưởng Wang, kế hoạch này sẽ được thực hiện trên cơ sở linh hoạt và tự nguyện, theo đó người lao động có thể chọn nghỉ hưu sớm hơn hoặc kéo dài thời gian làm việc thêm ba năm.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc cũng quy định từ năm 2030, người lao động cần đóng bảo hiểm hưu trí trong thời gian dài hơn trước khi đủ điều kiện để lĩnh lương hưu. Thời gian đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc để được lĩnh lương hưu sẽ tăng dần từ mức 15 năm lên 20 năm.

Những tác động tích cực

Xiujian Peng, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách thuộc Đại học Victoria ở Úc, cho biết bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng già hóa dân số.

“Chính phủ phải hành động. Nếu dân số tiếp tục giảm, tình trạng suy giảm lực lượng lao động sẽ diễn ra nhanh hơn, tác động tiêu cực hơn nữa đến tăng trưởng kinh tế”.

Chuyên gia Bruce Pang, nhà Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Công ty Jones Lang LaSalle, cũng cho biết mức tuổi nghỉ hưu quá thấp đã dẫn đến số lượng người nghỉ hưu ngày càng tăng và nhóm người lao động đang làm việc ngày càng giảm sút, đè nặng lên nền kinh tế.

Tại Trung Quốc, các nhà chức trách dự kiến ​​nhóm người trong độ tuổi từ 60 trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035, bằng dân số của Anh và Mỹ cộng lại.

Các chuyên gia cũng đánh giá, lượng người nộp thuế lớn hơn và việc trì hoãn quyền tiếp cận với chế độ hưu trí sẽ giúp làm giảm áp lực lương hưu đối với chính phủ trong bối cảnh dân số cao tuổi gia tăng mạnh.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy 11 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của nước này đang thâm hụt ngân sách lương hưu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lo ngại hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035 nếu không có thêm các biện pháp cải cách.

“Sự bền vững của hệ thống lương hưu có thể là động lực quan trọng dẫn tới việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu”, nhà kinh tế trưởng Ding Shuang của Ngân hàng Standard Chartered phát biểu. “Dù gia tăng áp lực lên thị trường việc làm, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dài hạn sẽ giúp giảm bớt tác động của tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động”.

Những lo ngại về chính sách mới

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính sách mới có thể làm gia tăng tâm lý chán nản của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế liên tục giảm tốc. Quí 2 vừa qua, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 4,7%, mức tăng chậm nhất trong vòng năm quí gần đây.

Chuyên gia kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận xét: “Đây là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết một trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn là dân số trong độ tuổi lao động đang suy giảm. Nhưng cách làm này có thể sẽ không giúp thay đổi được tình hình. Các dự báo dài hạn của chúng tôi về kinh tế Trung Quốc, trong đó đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đến năm 2050 sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1%”.

Trong khi đó, áp lực đối với hệ thống y tế cũng sẽ là rất đáng kể. Shen Meng, Giám đốc Ngân hàng đầu tư Chanson & Co. có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết “người lao động có thể sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe hơn khi tuổi nghỉ hưu tăng lên. Và có thể sẽ cần thêm nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi để chia sẻ gánh nặng với các gia đình, trong việc chăm lo cho các bậc cha mẹ”.

Ngay sau khi kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu được công bố, cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi tại Trung Quốc đã tăng vọt. Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu Shanghai Everjoy Health Group Co. tăng 10%, trong khi cổ phiếu của Chalkis Health Industry Co. và Youngy Health Co. tăng hơn 6%.

Sức ép lên thị trường việc làm cũng sẽ lớn hơn trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn ở mức cao. Thống kê cho thấy, trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 17,1%. Tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, giới chức Trung Quốc đã thừa nhận áp lực tiềm tàng trong ngắn hạn đối với thị trường việc làm.

Trên mạng xã hội Weibo, thông tin về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành một trong những nội dung được tìm kiếm nhiều nhất. Một hashtag liên quan đã nhanh chóng lên đầu danh sách “tìm kiếm phổ biến” của nền tảng truyền thông xã hội này, thu hút 560 triệu lượt xem vào tối thứ Sáu tuần trước.

Một số người ủng hộ động thái mới của chính phủ. “Nó ôn hòa hơn tôi mong đợi, tôi có thể chấp nhận được”, một người dùng mạng xã hội Weibo bình luận, và đã nhận được hơn 3.000 lượt thích. “Các chính sách quốc gia phù hợp với điều kiện của đất nước”, một người dùng khác viết.

Tuy vậy, tâm lý lo lắng vẫn là khó tránh khỏi. Nhiều người lao động Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về việc phải làm việc trong thời gian dài hơn, trong khi một số khác lo lắng về mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường việc làm.

“Tôi không biết họ nghĩ ra chính sách này như thế nào, những người trẻ tuổi đã rất lo lắng, giờ tuổi nghỉ hưu lại được kéo dài”, một người dùng mạng xã hội chia sẻ.

Những lao động lớn tuổi cũng phàn nàn về việc các doanh nghiệp thường có sự phân biệt đối xử giữa họ đối với các ứng viên tìm việc trẻ tuổi hơn – một vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cam kết giải quyết, nhưng chưa thể thay đổi được tình hình.

“Có phải các ông đang muốn tôi đến 60 tuổi vẫn phải cạnh tranh tìm việc với những người trẻ tuổi?”, một cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, các nhà lập pháp Trung Quốc đã kêu gọi giới chức nước này tích cực ứng phó với tình trạng già hóa dân số, bảo vệ quyền của người lao động và cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc cũng nêu rõ Quốc vụ viện Trung Quốc có thể điều chỉnh các biện pháp này nếu cần thiết.

“Lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu là tương đối chậm rãi. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã tính đến ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của kế hoạch và lựa chọn triển khai một cách cẩn trọng”, nhà kinh tế Michelle Lam của Ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định với hãng tin Bloomberg.

Tuy nhiên, có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian và nỗ lực điều chỉnh nữa để những nỗi lo ngại của người lao động Trung Quốc dần lắng dịu.

“Khi tôi chào đời, họ nói có quá nhiều trẻ con. Khi tôi sinh con, họ nói có quá ít trẻ nhỏ. Khi tôi muốn làm việc, họ nói tôi đã quá già. Còn khi tôi muốn nghỉ hưu, họ lại nói tôi còn quá trẻ”, một người dùng Weibo chia sẻ.

Song Thanh (Nguồn: Bloomberg, Reuters, Fortune)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lo ngại đình công ở cảng, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng tốc vận chuyển hàng (24/09/2024)

>   Ngành thép Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phá sản? (23/09/2024)

>   Trung Quốc lại hạ lãi suất và bơm thanh khoản (23/09/2024)

>   Canada đối mặt với 4 rủi ro có thể đẩy nền kinh tế vào vòng suy thoái (21/09/2024)

>   Trung Quốc cân nhắc gỡ bỏ hàng loạt rào cản mua nhà (21/09/2024)

>   BOJ đứng yên giữa "vùng biển động" (20/09/2024)

>   “Nền kinh tế bạc” của Trung Quốc đang ăn nên làm ra (20/09/2024)

>   Mỹ đón tin vui về kinh tế, nỗi lo suy thoái lắng xuống (20/09/2024)

>   Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất (20/09/2024)

>   Nhật Bản kỳ vọng đạt thỏa thuận với Trung Quốc về lệnh cấm nhập khẩu hải sản (20/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật