Nhật Bản hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam
Ngày 23/09, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam”. Đây là Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm nay 2024 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 51 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các hoạt động hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến chung hướng tới phát triển bền vững và nâng cao tính công bằng, minh bạch trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Chủ tịch UBCKNN chia sẻ, từ khi thành lập, TTCK Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu, khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện đảm bảo thị trường hoạt động ngày càng an toàn và minh bạch. Đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa TTCK đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (280 tỷ USD), tăng 19.1% so với cuối năm 2023, tương đương 69.2% GDP ước tính năm 2023. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1 tỷ USD, tăng 31.3% so với bình quân năm trước.
Thị trường hiện có 728 cổ phiếu niêm yết và 878 cổ phiếu trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt 2,246 ngàn tỷ đồng, tăng 5.5% so với cuối năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường. Những kết quả này chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của TTCK Việt Nam.
Ông Sugamo Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - Ảnh: VGP/HT
|
Tiếp nối sự thành công của dự án "Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam", với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển TTCK Nhật Bản, Chủ tịch UBCKNN tin tưởng JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển phù hợp với chiến lược phát triển ngành, giúp UBCKNN tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu "bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường" trong dự án này.
Người đứng đầu ngành chứng khoán đánh giá dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra của việc nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát và vận hành TTCK của ngành chứng khoán Việt Nam. Các mảng kết quả của dự án cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát TTCK.
"Sau hội thảo khởi động này, cùng với việc triển khai các nội dung của biên bản thảo luận giữa UBCKNN và JICA, thể chế về TTCK, bao gồm các quy định về quản lý niêm yết, phát hành, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư sẽ ngày càng hoàn thiện, song song với đó, nhận thức của các thành viên thị trường ngày càng được nâng cao", Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương bày tỏ.
Hội thảo “Thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam” - Ảnh: VGP/HT
|
Tại hội thảo, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua JICA đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật và tài chính để phát triển nền kinh tế định hướng thị trường và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Trong khuôn khổ dự án "Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam" từ năm 2019 đến năm 2023, JICA đã đóng góp tích cực vào quá trình cải thiện hệ thống văn bản dưới luật của Luật Chứng khoán như hệ thống nghị định, thông tư liên quan, và quá trình xây dựng chiến lược phát triển TTCK Việt Nam.
Ông Sugano Yuichi đánh giá thị trường cổ phiếu Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng trong hơn hai thập kỷ; sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như nhà đầu tư trong nước đối với TTCK Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy TTCK phát triển hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm nâng cấp TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong bối cảnh đó, JICA tiếp tục hợp tác qua giai đoạn 2 của dự án để tiếp tục hỗ trợ UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan thông qua hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy hơn nữa tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của TTCK Việt Nam trong giai đoạn hợp tác phát triển mới.
Tại hội thảo, đại diện UBCKNN đã chia sẻ về chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030.
Về vấn đề phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), ông Kojima Kazunobu, Cố vấn trưởng JICA nhấn mạnh: "Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản đang dành rất nhiều sự quan tâm cho TTCK Việt Nam. Cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là tham gia IPO, nhưng với quy trình thông qua đấu giá như hiện nay lại khiến họ khó tham gia. Hơn thế nữa, số lượng các công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên TTCK Việt Nam trong những năm gần đây là khá hạn chế".
Để giải quyết vấn đề này, ông Kojima cho rằng Việt Nam cần phải có một phương thức IPO mới có thể tương thích với các chuẩn mực quốc tế, như bảo lãnh phát hành, dựng sổ cần sớm được thiết lập.
"Các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO (chào bán công khai lần đầu) và niêm yết thì một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam", ông Kojima Kazunobu nói.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải nhận định, so với các quốc gia trong khu vực, TTCK Việt Nam phát triển đạt quy mô tương đồng với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. UBCKNN nhận thức đến thời điểm hiện nay cần tập trung phát triển mạnh hơn về chất lượng thị trường.
"Dự án lần này cần thiết phù hợp với nhu cầu của UBCKNN, nâng cao tính hiệu quả thị trường sơ cấp, tăng cường khả năng tổ chức trung gian, tăng cường chức năng của hiệp hội trong việc hỗ trợ UBCKNN giám sát thị trường, Để đạt được những kết quả này, thời gian tới UBCKNN sẽ thực hiện các kế hoạch, nội dung dự án đảm bảo tiến độ chất lượng thực hiện dự án", ông Bùi Hoàng Hải nói.
Dự án "Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK Việt Nam" nhằm mục đích nâng cao năng lực của UBCKNN và 3 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) tại Hà Nội và TPHCM, thông qua nhiều hoạt động như tư vấn chặt chẽ, xây dựng năng lực về nhiều vấn đề liên quan. Dự án tập trung vào giám sát và thanh tra TTCK, giám sát các định chế trung gian thị trường, quản lý niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng theo chuẩn mực quốc tế và nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư của công ty niêm yết. Dự án bao gồm 4 cấu phần:
(1) Tăng cường năng lực của UBCKNNN và các Sở Giao dịch trong việc thanh tra giám sát thị trường để phát hiện các giao dịch và hoạt động không công bằng trên thị trường cổ phiếu (gồm cả thị trường phái sinh) và quản lý hiệu quả.
(2) Tăng cường năng lực của UBCKNN trong việc giám sát và phát triển các trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) hướng tới tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, sử dụng hiệu quả các tổ chức tự quản, và phát triển nhà đầu tư tổ chức.
(3) Tăng cường năng lực của UBCKNN và các Sở Giao dịch trong việc quản lý niêm yết và phát hành chứng khoán ra công chúng, tập trung vào tái cấu trúc thị trường (gồm thị trường khởi nghiệp) và quy định niêm yết; quản lý niêm yết (tập trung vào công bố thông tin của các công ty niêm yết, gồm các các thông tin phi tài chính như ESG, TCFD; phương thức bảo lãnh phát hành/dựng sổ dựa trên chuẩn mực quốc tế.
(4) Tăng cường năng lực các trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) nhằm tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và đẩy mạnh tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Thông qua dự án, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan thông qua hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy hơn nữa tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của TTCK Việt Nam trong giai đoạn hợp tác phát triển mới.
|
Huy Khải
FILI
|