Hà Nội đưa tình trạng ngập úng khi mưa lớn vào tiêu chí xác định giá đất
Hà Nội quy định cụ thể 8 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện. Điều kiện này dựa trên tiêu chí về khu vực cấp nước, cấp điện ổn định hay không ổn định và tình trạng ngập úng khi lượng mưa lớn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 55 ban hành quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về xác định giá đất cụ thể trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 16/9.
Trong đó, Điều 5 quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất (thực hiện khoản 3 Điều 8 Nghị định số 71 năm 2024 của Chính phủ).
Cụ thể, đối với đất phi nông nghiệp, có 8 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.
UBND TP Hà Nội quy định cụ thể các tiêu chí hình thành yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để phân tích, xác định mức tương đồng nhất định, điều chỉnh của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất giữa tài sản định giá và tài sản so sánh.
Yếu tố về vị trí, địa điểm của thửa đất, khu đất xác định dựa trên khoảng cách theo thứ tự ưu tiên đến trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, giáo dục và đào tạo, công viên, khu vui chơi giải trí, chợ, cơ sở y tế (theo vị trí, hiện trạng của dự án, khu đất, thửa đất), mức điều chỉnh chênh lệch không quá 5%. Và giá đất theo bảng giá đất của thành phố (theo vị trí của dự án, khu đất, thửa đất), mức điều chỉnh chênh lệch không quá 15%.
Điều kiện về giao thông, xét trên ba tiêu chí về loại đường (kết cấu đường nhựa, bê tông, đất và kết cấu đường khác), độ rộng đường (bao gồm cả vỉa hè), số mặt đường tiếp giáp của dự án, khu đất, thửa đất. Mức điều chỉnh chênh lệch lần lượt là 5%, 10% và 5%.
Đối với trường hợp ước tính giá chuyển nhượng đất, nhà ở riêng lẻ, tổ chức xác định giá đất thực hiện khảo sát, thu thập và đánh giá thêm tiêu chí về mặt cắt đường nội bộ (nếu có) tiếp giáp của thửa đất theo quy hoạch được phê duyệt, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 5%.
Đáng lưu ý, về điều kiện cấp thoát nước, cấp điện, UBND TP quy định dựa trên hai tiêu chí: Khu vực cấp nước, cấp điện ổn định hay không ổn định, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 5% và tình trạng ngập úng khi lượng mưa lớn, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 5%.
Khu đô thị phía Tây Hà Nội ngập sâu trong biển nước sau cơn mưa kéo dài ngày và đêm 23/7. Ảnh: Hồng Khanh
|
Ngoài ra còn yếu tố về diện tích, kích thước, hình thể của thửa đất, khu đất; các yếu tố liên quan đến quy hoạch xây dựng; hiện trạng môi trường, an ninh; thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương (gồm: danh lam thắng cảnh; đền, chùa, miếu mạo; làng nghề truyền thống).
Đối với đất nông nghiệp, theo quy định, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất với mức điều chỉnh chênh lệch đều không quá 20%.
Cụ thể là năng suất cây trồng, vật nuôi; vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất khoảng cách gần nhất đến nơi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; điều kiện giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm độ rộng, cấp đường, kết cấu mặt đường, điều kiện về địa hình;
Thời hạn sử dụng đất, trừ đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất.
Bên cạnh đó là các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Yếu tố này được xác định căn cứ tình hình thực tế, tổ chức tư vấn xác định giá đất đề xuất cụ thể trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất.
Cứ mưa to là ngập sâu nhưng giá bất động sản tăng phi mã
Ghi nhận thực tế thời gian qua, nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội rơi vào cảnh cứ mưa to là ngập nước. Trong đó, khu vực phía Tây Hà Nội, nhất là dọc theo đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông)... thường bị ngập sâu.
Tuy nhiên, giá bất động sản tại khu vực này lại không ngừng tăng cao. Thời gian qua, khu vực phía Tây Hà Nội trở thành điểm nóng bất động sản Hà Nội với hàng loạt dự án của các “ông lớn”.
Khảo sát thị trường cho thấy, chung cư tại khu vực này có giá lên đến 80 triệu đồng/m2. Một số tòa chung cư của Masterise đã đạt ngưỡng gần 100 triệu mỗi m2.
Khoảng 3 năm qua, giá biệt thự, liền kề thứ cấp tại đây cũng tăng gấp 3 lần, từ mức 40-50 triệu đồng/m2 năm 2021 nay lên 150-180 triệu đồng/m2. Nhưng tình trạng ngập úng vẫn là nỗi ám ảnh với người dân tại nhiều khu đô thị mới phía Tây Hà Nội.
Chuyên gia về quy hoạch đánh giá, những khu đô thị mới phía tây Hà Nội bị chìm trong biển nước mưa trước hết là do lượng mưa quá lớn.
Bên cạnh đó, cốt nền các khu đô thị phía tây cao, hầu hết khu đô thị mới được cấp phép tại Hà Nội quy hoạch theo cốt nền mới, chia theo 4 vùng thoát nước đô thị.
Riêng đối với nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - đại lộ Thăng Long, có cốt thấp nhất khu vực, nhiều lần bị ngập nên thành phố đã lên phương án xây hầm ngầm và đào thêm hồ điều hòa để thoát nước.
Ngoài ra, cần xem xét việc liên kết hạ tầng thoát nước của các khu đô thị này với trục thoát nước chính bên ngoài.
|
Hồng Khanh
VietNamNet
|