Chủ tịch Techcombank đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị giúp khơi thông dòng vốn trong 4 tháng cuối năm 2024
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho rằng cần có những giải pháp như: Bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu … nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước tổ chức chiều 21/9, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng cho ngành ngân hàng như chỉ thị số 14/CT-TTg, Chị thị số 29/CT-TTg, chỉ thị số 01/CT-NHNN... Techcombank luôn tích cực bám sát những chủ trương, chỉ đạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Triển khai nhiều giải pháp tín dụng
Cụ thể, theo Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như có thể giải quyết được triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Techcombank đã tập trung phát triển tín dụng cho phân khúc SMEs theo phương châm tín dụng dễ dàng bằng các chương trình/ chiến dịch cụ thể như: Chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ) cho nhóm khách hàng phi tín dụng hiện hữu đang có giao dịch tài khoản tại trên FEB; Chương trình cấp tín dụng nhanh không có tài sản bảo đảm (đến 5 tỷ) thông qua khách hàng khai thác trên kênh đối tác.
Quy trình vay vốn trên MISA Lending chỉ mất 2 phút thực hiện và được số hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp nhận kết quả hồ sơ vay vốn chỉ trong 1 ngày và không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Đối với các chương trình này, Techcombank đã cấp tín dụng được cho hơn 1 nghìn khách hàng trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, chương trình vay tín chấp một phần hoặc toàn bộ được mở rộng thông qua chính sách quản lý khoản vay thông qua các biện pháp kiểm soát sau giải ngân thay vì dùng công cụ tài sản bảo đảm.
Thực hiện chuỗi các chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng lĩnh vực, Techcombank giúp doanh nghiệp có thêm nhiều bạn hàng, ví dụ như kết nối với hiệp hội gỗ, hiệp hội Logistics hoặc các chương trình mở rộng quan hệ đối tác để phát triển tín dụng theo chuỗi với chính sách tín dụng đồng nhất phù hợp.
Ngoài ra,thực hiện chính sách giảm phí, lãi vay trên diện rộng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 và Thông tư 06/2024/TT-NHNN gia hạn thêm 6 tháng cho Thông tư 02/TT-NHNN, tính đến hết 31/8/2024, tổng giá trị nợ gốc mà Techcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 6,206 tỷ đồng, tổng giá trị nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 154 tỷ đồng.
Techcombank cũng thực hiện chiến dịch xây dựng các giải pháp nhằm đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay để khách hàng dễ dàng thuận lợi tiếp cận vốn vay và áp dụng số hóa để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, ví dụ: Chương trình giải ngân và phát hành bảo lãnh online.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết còn có chương trình tín dụng cho chủ đầu tư dự án và người mua tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ với tổng doanh số giải ngân đăng ký 5,000 tỷ đồng.
Về tình hình lãi suất huy động và cho vay, thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay của Techcombank có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022.
Tính đến thời điểm tháng 8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7.73%, tiếp tục giảm so với tháng 3/2024 và đã giảm 2.24% so với thời điểm Tháng 12/2023. Trong đó, so với thời điểm 31/12/2023, tại 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2.48% từ mức 10.11% xuống còn 7.63%).
Tìm giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường
Tại hội nghị, đại diện Techcombank, ông Hồ Hùng Anh đã đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị để khơi thông dòng vốn trên thị trường trong 4 tháng cuối năm 2024.
Thứ nhất, cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", ông Hồ Hùng Anh kiến nghị.
Thứ hai, với nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng bán hàng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo ông Hồ Hùng Anh, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu khiến Techcombank nói riêng và các Ngân hàng tại Việt Nam nói chung gặp một số khó khăn bất lợi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Do vậy, cần có những giải pháp như: Bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu … nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thứ ba, cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về Tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và sự công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng. Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Khang Di
FILI
|