Chân dung chủ chuỗi nhà hàng ẩm thực Lào ‘Khao Lao’
Khao Lao chỉ là một trong những chuỗi nhà hàng do Goldsun Food sở hữu sau khi chuyển đổi từ Red Sun ITI, bên cạnh những King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story, hay Seoul Garden.
Từ những năm 2010, thị trường Việt Nam bùng nổ những chuỗi nhà hàng ẩm thực mang âm hưởng từ các nước châu Á. Nổi bật trong số đó có Sumo BBQ, Gogi, iSushi, sau đó là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như ThaiExpress, Hotpot Story, King BBQ, và đặc biệt là Khao Lao - chuỗi ẩm thực Lào đang vướng phải lùm xùm trên mạng xã hội gần đây.
Chủ chuỗi Khao Lao là ai?
Những chuỗi nhà hàng với concept Á Đông phổ biến nhất hiện tại chủ yếu thuộc sở hữu của 2 đơn vị. Sumo, Gogi, iSushi... nằm trong tay CTCP Tập đoàn Golden Gate, trong khi những cái tên như KingBBQ, ThaiExpress, Hotpot Story hay Khao Lao thuộc về CTCP Ẩm thực Mặt trời Vàng (Goldsun Food).
Chuỗi các nhà hàng của Goldsun Food
Nguồn: GoldsunFood
|
Nói về Goldsun Food, Doanh nghiệp thành lập vào 17/10/2019 dưới tên gọi ban đầu Công ty TNHH Ẩm thực Mặt trời Vàng. Theo như website chính thức của Goldsun Food, Doanh nghiệp được chuyển đổi từ CTCP Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt trời Đỏ (Redsun ITI) vào năm 2020. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Phạm Thị Kim Thoa (sinh năm 1973).
Tháng 1/2020, Goldsun Food chuyển thành công ty cổ phần, lấy tên CTCP Ẩm thực Mặt trời Vàng (GSF). Vốn điều lệ lúc này là 15 tỷ đồng, với 5 cổ đông sáng lập. Chiếm nhiều nhất là ông Phạm Cao Vinh (47.6%, tức 713,700 cp), và Lê Vũ Minh (gần 46.2%, tương đương 692,700 cp). Số còn lại chia đều cho 3 cổ đông Dương Thị Việt Hương, Nguyễn Hoài Nam, và Hoàng Đức Lâm, mỗi người nắm gần 2.1%, tương đương 31,200 cp.
Đến tháng 3/2020, đại diện pháp luật được chuyển giao cho ông Vinh – người đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doanh nghiệp. Tháng 11/2021, Doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng.
Năm 2022, Goldsun Food có nhiều thay đổi về cơ cấu. Tháng 2, bà Phạm Đỗ Kim Phương nắm chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Doanh nghiệp. Nhưng chỉ 2 tháng sau, cả hai vị trí đều chuyển về cho ông Vinh. Đến tháng 5/2022, vốn điều lệ Doanh nghiệp nhảy vọt từ 30 tỷ lên 726 tỷ đồng. Trong đó 21.5% là cổ phần cổ thông, tức 15.6 triệu đơn vị, tương đương 156 tỷ đồng. Số còn lại là cổ phần ưu đãi cổ tức (78.5%), tương đương 57 triệu đơn vị (570 tỷ đồng).
Đến tháng 12/2023, vốn điều lệ của Goldsun Food tăng tiếp lên hơn 1.23 ngàn tỷ đồng. Cổ phần phổ thông giữ nguyên số lượng nên tỷ lệ giảm xuống, còn hơn 12.7%; còn lại hơn 107 triệu cp là cổ phần ưu đãi cổ tức, chiếm 87.3%. Sang tháng 1/2024, vốn điều lệ Doanh nghiệp tăng nhẹ lên 1.27 ngàn tỷ đồng, bổ sung thêm 3.9 triệu cp phổ thông.
Cơ cấu cổ phần tại Goldsun Food thời điểm tháng 1/2024
Nguồn: Bộ KH&ĐT
|
Công ty liên quan huy động gần 1 ngàn tỷ đồng trái phiếu, chậm trả lãi nửa đầu 2024
Trước khi chuyển đổi thành Goldsun Food, ông Phạm Cao Vinh cũng là một trong những cổ đông sáng lập nên Redsun ITI. Ngoài ra, hiện tại ông Vinh nắm vai trò Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật CTCP In và Bao bì Goldsun (Goldsun).
Hồi tháng 5/2024, Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) công bố quyết định nhận chuyển nhượng cổ phần từ Goldsun Food; đồng thời, giao cho Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Long ký hợp đồng và thực hiện các công việc liên quan như tìm kiếm, lựa chọn đối tác chuyển nhượng, thời điểm chuyển nhượng, số lượng cổ phần Goldsun Food nhận chuyển nhượng cụ thể (đảm bảo không vượt quá 15% vốn Goldsun Food), giá trị nhận chuyển nhượng...
Redsun ITI thành lập năm 2008, do bà Phạm Thị Kim Chi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Theo thông tin vào tháng 01/2018 cho thấy, Công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm bà Chi nắm 52.58%, ông Lê Vũ Minh 22.24%, ông Phạm Cao Vinh nắm 16.18%. Đến năm 2022, Công ty đã tăng vốn lên 250 tỷ đồng và ông Lê Vũ Minh làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Redsun ITI hiện sở hữu các thương hiệu nhà hàng do Goldsun Food vận hành.
Ông Lê Vũ Minh (trái) và ông Phạm Cao Vinh
|
|
Điểm đáng chú ý là trong những sản phẩm trái phiếu D-Bond được VND chào bán, có cả của Goldsun.
Hiện tại, Goldsun đang lưu hành 3 lô trái phiếu mã GSPCB2225001, GSPCB2227002, và GSPCB2225003, mệnh giá 100,000 đồng trái phiếu, tổng giá trị hơn 968 tỷ đồng. Trong đó, 2 lô được VND chào bán là GSPCB2225001 và GSPCB2227002, với giá trị huy động lần lượt 680 tỷ và 240 tỷ đồng, tổng cộng 920 tỷ đồng.
2 lô do VND chào bán phát hành vào ngày 29/04/2022, đáo hạn lần lượt vào 29/04/2025 (36 tháng) và 29/04/2027 (60 tháng). Trái phiếu có kỳ hạn trả lãi 12 tháng, được áp dụng lãi suất coupon thả nổi, gồm 11%/năm cho kỳ tĩnh lãi đầu tiên, và thả nổi với lãi tham chiếu (lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh) cộng biên độ 5%/năm với các kỳ tiếp theo (nhưng không thấp hơn 11%/năm).
Ngày 22/07/2022, Goldsun phát hành thêm lô trái phiếu GSPCB2225003 với kỳ hạn 36 tháng, gồm 482,000 trái phiếu, huy động 48.2 tỷ đồng. Lãi suất phát hành là 11%/năm. Các lô trái phiếu được đảm bảo bằng hàng chục triệu phần tại Goldsun và Goldsun Food, với các điều khoản khác nhau.
Theo cập nhật tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu bán niên 2024, Goldsun đang chậm trả lãi cho 2 lô trái phiếu cao nhất của mình. Cụ thể, Doanh nghiệp mới thanh toán 11.6 tỷ đồng trên tổng số hơn 83 tỷ đồng tiền lãi của lô GSPCB2225001; và hơn 19.5 tỷ đồng trên tổng số gần 29.4 tỷ đồng tiền lãi của lô GSPCB2227002. Nguyên nhân do Doanh nghiệp điều chỉnh ngày thanh toán lãi, dự kiến chậm nhất vào 25/12/2024.
Goldsun đang chậm trả lãi 2 lô trái phiếu "nặng nợ" nhất
|
Về tình hình kinh doanh, theo công bố từ VND, Doanh thu năm 2023 của Goldsun đạt 2,029 tỷ đồng, giảm 3% so với 2022. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 13% vào năm 2022 xuống 11% vào năm 2023 do doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 19 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 so với mức nền cao năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm lợi nhuận gộp và tăng chi phí lãi vay trong môi trường lãi suất cao.
Nguồn: VND
|
Hải Âu
FILI
|