Cần 'bơm' 1,2 triệu tỉ đồng ra nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm
Tính đến hết quý 2-2024, có ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm, song cũng nhà băng đã “tiêu gần hết” hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm.
Theo số liệu thống kê mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, đến ngày 26-8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm ngoái.
Có ngân hàng tăng trưởng tín dụng lên tới 95%
Con số này cách xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành mà của NHNN đưa ra đầu năm là khoảng 15%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng cần phải đẩy 8,37% (tương đương gần 1,2 triệu tỉ đồng) ra nền kinh tế.
Dù mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng vẫn ở mức thấp, song nếu tách biệt từng ngân hàng thương mại thì tốc độ tăng trưởng tín dụng lại có sự phân hóa không đồng đều. Bởi trong khi có ngân hàng thương mại vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Ở chiều ngược lại, một số nhà băng đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tiệm cận với với chỉ tiêu mà NHNN đã giao từ đầu năm.
Trước tình hình đó, ngày 28-8, NHNN đã có thông báo gửi đến các tổ chức tín dụng. Trong đó khẳng định, tổ chức tín dụng nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 80% chỉ tiêu được giao từ đầu năm, được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán VPBanks cho biết, hiện một số nhà băng đã hoàn thành khoảng 80% room tín dụng trở lên (như ACB, HDB, LPB và TCB) sẽ được nới room thêm từ 2-2,5% nữa. Qua đó, đưa hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm của những ngân hàng này lên khoảng 18 - 18,7%.
Hết 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 48,4%. Ảnh minh họa
|
Nhờ lãi suất thấp
Chia sẻ với PLO, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết: Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay vẫn còn chậm do khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, dù thị trường còn nhiều khó khăn, TPBank vẫn đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch đề ra và giữ được đà tăng trưởng.
Để đạt được kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho vay cả năm nay tăng 15,75% so với năm 2023, TPBank đang thực hiện một loạt các chiến lược kinh doanh như đẩy mạnh khai thác tệp khách hàng hiện hữu, linh hoạt điều chỉnh chính sách các sản phẩm cho vay. Thông qua nền tảng ngân hàng số vững mạnh để đa dạng hóa về dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng. Đây chính là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu và kinh doanh hiệu quả.
Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong năm nay, nhóm phân tích thị trường tại Chứng khoán MB (MBS) cho biết: Nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp đã được cải thiện kể từ tháng 4-2024 nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ thực sự được cải thiện nhanh hơn, mạnh hơn hẳn vào tháng 6, trong khi 5 tháng đầu năm mức độ tăng trưởng trồi sụt thất thường. Điều đó cho thấy sự không chắc chắn trong các tháng tiếp theo.
Một điểm đáng chú ý nữa là nhóm các ngân hàng thương mại quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp.
Theo MBS, trong những tháng còn lại của năm tại những ngân hàng nào có khả năng hy sinh NIM bằng cách giảm lãi suất cho vay hoặc chất lượng tài sản vững chắc hơn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Dư nợ tín dụng chưa bứt phá tăng trưởng
Theo Cục Thống kê TP.HCM, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Từ tháng 6 đến nay tình hình tín dụng có mức tăng trưởng chậm (tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023).
Trong khi tổng vốn huy động tăng 10,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ.
|
Thùy Linh
PLO
|