Báo cáo nhận ý kiến kiểm toán từ chối, giá cổ phiếu LTC 'lau sàn' 4 phiên liên tiếp
Do ở trong tình trạng khó khăn, gần đây, CTCP Điện nhẹ Viễn Thông (UPCoM: LTC) mới công bố BCTC kiểm toán 2023, trong đó nhận về ý kiến từ chối của đơn vị kiểm toán vì nhiều nguyên nhân.
Theo BCTC kiểm toán 2023, LTC đạt doanh thu 2.4 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trừ đi giá vốn, lãi gộp chỉ 32 triệu đồng, tăng 28%.
Trừ thêm các khoản chi phí, Doanh nghiệp lỗ thuần 4.4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ khoảng 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khác tới 6.2 tỷ đồng đã cứu Doanh nghiệp. Sau cùng, lãi ròng hơn 500 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 4.4 tỷ đồng). Theo giải trình, đây là lợi nhuận có được từ việc bán đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản tại BIDV để trả nợ.
Các chỉ tiêu kinh doanh của LTC trong năm 2023
|
Điều đáng nói, BCTC 2023 của LTC nhận về ý kiến từ chối của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC, với rất nhiều nguyên nhân đằng sau.
Đầu tiên là tính hiện hữu và đúng đắn tại nhiều khoản mục khiến AAC không thể đưa ra ý kiến bao gồm:
- Tại ngày 31/12/2023, LTC có số dư tiền mặt khoảng 2.7 tỷ đồng, tồn kho gần 21.5 tỷ đồng, tài sản cố định 5.78 tỷ đồng và bất động sản đầu tư 564 tỷ đồng (đều đã hao mòn hết), nhưng lại chưa được kiểm kê. Tồn kho tồn đọng nhiều năm và không được đánh giá để xác định giá trị trích lập dự phòng, kiểm toán không thể khắc phục được do giới hạn phạm vi kiểm toán.
- Các khoản nợ phải thu, tiền gửi, nợ phải trả cũng chưa được đối chiếu, xác nhận. Toàn bộ số nợ phải thu (gần 185 tỷ đồng) đã tồn đọng nhiều năm và là nợ khó đòi, trong khi Công ty chỉ trích lập một khoản giá trị gần 15 tỷ đồng.
- Có 1.3 tỷ đồng tổng nợ phải trả không rõ đối tượng, là khoản nợ không biến động số dư từ năm trước. Kiểm toán không thể đưa ý kiến vì không tiếp cận được tài liệu liên quan. Số dư nợ vay ngắn hạn các cá nhân và tổ chức (gần 30 tỷ đồng) với lãi hơn 1.4 tỷ đồng cũng chưa được đối chiếu, xác nhận.
Thứ 2, khoản đầu tư vào đơn vị liên kết là CTCP Cáp và Thiết bị Viễn Thông đang được hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu từ BCTC bán niên 2021, giá trị hơn 19.2 tỷ đồng. Nhưng do không được cung cấp BCTC 2021, 2022, 2023 của đơn vị này, nên kiểm toán không thể xác định giá trị khoản đầu tư theo phương pháp trên.
Thứ 3, tổng số dư tiền gửi ngân hàng (hơn 1 tỷ đồng) trên BCTC hợp nhất 2023 là tiền gửi đồng sở hữu của 2 cá nhân Nguyễn Ngọc Thu và Phạm Đức Thưởng. Việc ghi nhận lên BCTC hợp nhất là không phù hợp với điều kiện Chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Thứ 4, tổng chi phí phải trả ngắn hạn cuối năm 2023 gần 62 tỷ đồng, đã bao gồm gần 40 tỷ là chi phí trích trước đã ghi nhận vào giá vốn xây lắp từ các năm trước đây. Đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chính thích hợp để đánh giá.
Cuối cùng, số thuế phải nộp vào cuối năm 2023 hơn 19.4 tỷ đồng, là số phải nộp của Công ty mẹ. Tuy nhiên, quyết định từ cơ quan thuế và Cục thuế Hà Nội cho thấy số tiền nợ thuế và chậm nộp quá hạn bị cưỡng chế của Công ty mẹ đến 31/07/2024 hơn 45 tỷ đồng, tức chênh gần 26 tỷ đồng. Do giới hạn phạm vi, AAC không thể đưa ra ý kiến về khoản này.
Việc bị cưỡng chế thuế cũng khiến AAC đưa ra ý kiến nhấn mạnh về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của LTC.
Trước những ý kiến trên, LTC giải trình tương đối ngắn gọn. Theo đó, Doanh nghiệp cho biết vẫn đang tiếp tục đối chiếu, thu thập chứng từ để rà soát và xác nhận toàn bộ công nợ phải thu - phải trả tồn tại nhiều năm qua, và cần thêm thời gian để kiểm kê, rà soát chi tiết các khoản mục. Theo LTC, các khoản mục đã diễn ra từ nhiều năm trước, khiến việc xác nhận lại vô cùng khó khăn, và “sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất”.
Thực tế, LTC đã nhận ý kiến kiểm toán từ chối từ năm 2022. Việc chậm trễ nộp BCTC kiểm toán 2023 cùng ý kiến kiểm toán từ chối trên BCTC kiểm toán 2022 cũng khiến cổ phiếu của Doanh nghiệp bị HNX duy trì diện hạn chế giao dịch. Theo giải trình, LTC đang trong tình trạng khó khăn, thiếu nhân sự. Doanh nghiệp cũng chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến được thực hiện sau khi công bố BCTC kiểm toán 2023.
LTC tiền thân là Trung tâm Kỹ thuật điện nhẹ Viễn thông, thuộc Công ty công trình bưu điện - Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Doanh nghiệp thành lập năm 1989, được cổ phần hóa vào năm 2000, trở thành CTCP Điện nhẹ Viễn Thông và đi vào hoạt động từ tháng 5/2001.
Doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng sản xuất cáp và thiết bị thông minh, vật tư phụ trợ ngành điện, tự động hóa; cung cấp giải pháp công nghệ, dịch vụ lưu trữ, số hóa tài liệu; xây lắp công trình điện nhẹ viễn thông.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu LTC vẫn đang trên đà lao dốc. Từ đỉnh 7,700 đồng/cp cuối tháng 7/2024, thị giá hiện còn 4,400 đồng/cp (giá kết phiên 27/09). Do trong diện hạn chế, cổ phiếu LTC chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần, nên thực tế mã này đã trải qua 4 phiên giảm sàn liên tiếp. Cũng có thể nói việc bị hạn chế là điều... may mắn với LTC, bởi giá mã này có khả năng rơi sâu hơn trong bối cảnh đường hầm tăm tối vẫn chưa thấy ánh sáng xuất hiện.
Diễn biến giá cổ phiếu LTC từ đầu năm 2024 |
|
Châu An
FILI
|