‘Phá giá’ 69,8 triệu đồng/m2, đất đấu giá Phúc Thọ lập đỉnh mới 75 triệu đồng/m2
Tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), 3 phiên đấu giá đất gần đây liên tục ghi nhận kỷ lục mới, khi mức trúng cao nhất phiên sau cao hơn phiên trước, từ 60 đến 69,8 và 75 triệu đồng/m2.
Ngày 16/9, 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc được huyện Phúc Thọ tổ chức đấu giá thành công. Trong đó, giá trúng cao nhất là 75 triệu đồng/m2, cao hơn gấp 3 lần giá khởi điểm.
13 thửa đất đấu giá đợt này có diện tích từ 108-129m2, giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước dao động từ hơn 500-600 triệu đồng.
Phiên đấu giá thu hút khoảng 140 hồ sơ đăng ký hợp lệ, với 75 khách hàng tham gia đấu giá 13 thửa đất, tương đương mỗi lô đất khoảng 6 người quan tâm.
Kết quả đấu giá cho thấy, các lô nằm ở mặt đường tỉnh lộ đều ghi nhận mức giá trúng cao từ 52,8-75 triệu đồng/m2. Đối với những lô đất nằm phía bên trong thì có mức trúng thấp hơn, lô thấp nhất là 28,6 triệu đồng/m2, chênh vài triệu đồng so với giá khởi điểm.
Lô trúng cao nhất 75 triệu đồng/m2 có ký hiệu ĐG58 với diện tích 127m2, tương đương hơn 9,5 tỷ đồng.
Ghi nhận trong 3 phiên đấu giá gần đây tại huyện Phúc Thọ liên tục lập đỉnh với mức trúng cao nhất phiên sau cao hơn phiên trước, từ 60 đến 69,8 rồi 75 triệu đồng/m2.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Cụ thể, phiên đấu giá ngày 29/8, với 39 thửa đất ghi nhận hơn 650 hồ sơ, với hơn 350 nhà đầu tư tham gia, tương đương mỗi lô đất có 9 người quan tâm. Lô đất trúng cao nhất là 60 triệu đồng/m2.
Tiếp đến, ngày 10/9, cuộc đấu giá 47 thửa đất có tổng số 416 hồ sơ, thu hút 180 khách hàng đăng ký tham gia, tương đương mỗi lô đất khoảng 4 người quan tâm.
Trong khi đó, phiên đấu giá 68 lô đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) được tổ chức ngày 10/8, tiếp tục làm “nóng” dư luận khi xuất hiện việc bỏ cọc tràn lan.
Tính đến ngày 16/9, dù đã hết thời gian nộp tiền nhưng chỉ có 13/68 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 55 lô bị bỏ cọc có giá trúng từ 80 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2, gồm cả lô trúng giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2.
Đặt lo ngại về việc mức đấu giá liên tục “phá đỉnh” tại huyện Phúc Thọ có thể xảy ra việc bỏ cọc, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội đánh giá, giá khởi điểm tại các phiên đấu giá này cũng tương đối cao với số tiền đặt cọc trên 500 triệu đồng nên tỷ lệ bỏ cọc có thể có nhưng sẽ không nhiều.
“Trong các phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ có thể thấy, giá trúng cao là ở các lô góc, mặt đường lớn. Mức giá trúng cao nhất gấp khoảng 3 lần so với khởi điểm nên cũng chưa thể gọi là đột biến. Mức giá này ghi nhận đi lên ở các phiên nhưng chênh lệch không quá lớn, ở mức vài triệu là bình thường. Nhìn vào số hồ sơ và người tham gia đấu giá có thể thấy ở mức hợp lý bởi số tiền đặt cọc lớn nên sẽ hạn chế đầu cơ”, vị này nói.
Cũng theo vị này, trong buổi đấu giá, đôi khi cảm xúc tâm lý đám đông cũng tác động đến tâm lý người mua, có thể đua nhau về giá như một dạng “hưng phấn” đám đông nên đưa ra giá cao. Tuy nhiên, sau đó, mới thấy là mức giá đó cao và cần xem xét tính toán lại.
“Nhà đầu tư cần quan sát thị trường để đánh giá đúng, tránh bị cuốn vào vòng xoáy thị trường ảo do giới đầu cơ tạo ra. Chỉ một vài lô đất đấu giá không thể hiện giá của toàn bộ thị trường”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
|
Hồng Khanh
VietNamNet
|