Thứ Tư, 07/08/2024 13:36

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp siêu nhỏ được ưu đãi thuế suất

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tích tụ vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15-17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 50 tỉ đồng, thay vì cào bằng ở mức 20% như hiện tại.

Thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng. Ảnh: LÊ VŨ

Ngân sách giảm thu 12.600 tỉ đồng mỗi năm

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2024 và xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 5-2025.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật. Một trong những đề xuất chính sách đáng chú ý của cơ quan soạn thảo là áp dụng thuế suất ưu đãi hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh (trong khi vẫn giữ nguyên thuế suất phổ thông là 20%).

Cụ thể, thuế suất 15% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 3 tỉ đồng; thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng. (Hiện tại, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chịu thuế suất cào bằng 20% như các loại hình doanh nghiệp khác).

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm gần 94%. Đây là đối tượng cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Thực tế thời gian qua, có những thời điểm khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc áp thuế suất thấp hơn so với doanh nghiệp khác.

Mặt khác, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường (điều 10). Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều nước sử dụng chính sách hỗ trợ về thuế như một công cụ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp quy mô nhỏ; theo đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ được áp dụng thuế suất ưu đãi, có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), thuế suất 15% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 3 tỉ đồng; thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chịu thuế suất cào bằng 20% như các loại hình doanh nghiệp khác.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định áp dụng thuế suất thấp hơn đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, không thể áp dụng chính sách này cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ.

Bởi lẽ, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp được xếp vào diện nhỏ và vừa nếu có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: tổng nguồn vốn không quá 100 tỉ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng.

Với các tiêu chí này, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đang chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp ở nước ta và nếu tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp. Nếu dựa theo các tiêu chí này để xác định đối tượng được áp dụng mức thuế suất ưu đãi thì gần như toàn bộ doanh nghiệp ở nước ta sẽ được hưởng chính sách này.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp dụng tiêu chí doanh thu và ưu đãi thuế suất cho những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề dưới 50 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, tiêu chí này phản ánh thực chất kết quả hoạt động của doanh nghiệp, và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế đã có sẵn nên thuận lợi trong quản lý. Việc thực hiện các mức thuế suất tương ứng theo quy mô doanh thu của doanh nghiệp cũng thể hiện chính sách ưu đãi là có thời hạn (thuế suất thay đổi theo bước phát triển của doanh nghiệp) và bảo đảm sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với thực tế. Nếu đề xuất này được thông qua, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 12.600 tỉ đồng/năm.

Tránh tạo rủi ro chính sách

Trong quá trình góp ý bước đầu cho dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), cộng đồng doanh nghiệp một mặt phấn khởi với các ưu đãi thuế song cũng lo rằng một số quy định trong dự thảo luật có thể tạo ra rủi ro chính sách với họ.

Ví dụ, về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo luật bổ sung: “Khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành” (điểm m, khoản 2, điều 9). Quy định “quét” kiểu này sẽ được hiểu rất rộng, dẫn đến nguy cơ nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Một ví dụ khác, dự thảo luật quy định doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, cụ thể là 2% (điểm i, khoản 2, điều 11). Lý do đưa ra quy định này là vì việc xác định chi phí tạo ra doanh thu quá khó khăn, không có cơ sở, nên khó xác định lợi nhuận để tính thuế. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, tức là vốn của các công ty “mẹ”, công ty “bà”… qua nhiều cấp khác nhau.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế đúng là có nhiều trường hợp rất khó xác định chi phí khi doanh nghiệp tại nước ngoài có giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ quy định về góp vốn, sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) để quản lý ngoại hối. Quy định như dự thảo luật hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp này.

Đối với trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, hiện nay chưa có quy định rõ ràng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất thì chuyển nhượng vốn gián tiếp bao gồm mọi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mọi công ty mẹ, công ty bà, công ty cụ… có sở hữu dự án đầu tư tại Việt Nam. Như vậy thì sẽ có rất nhiều giao dịch phải nộp thuế và việc kê khai, nộp thuế và kiểm tra, truy thu là không khả thi. Việc không có quy định rõ ràng sẽ làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo đề xuất của VCCI, về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, trong trường hợp để tăng nặng tính răn đe của pháp luật chuyên ngành, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc bổ sung các chi phí không được trừ khi khoản chi “vi phạm quy định cấm của pháp luật chuyên ngành”. Cùng với đó, ban soạn thảo cân nhắc phân loại các trường hợp có thể và không thể xác định chi phí trong giao dịch chuyển nhượng vốn để có chính sách thuế cho phù hợp.

Những băn khoăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp rất cần được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Bởi lẽ, hạn chế tối đa rủi ro chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp là một yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cẩm Hà

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vì sao chậm hoàn thuế thu nhập cá nhân? (06/08/2024)

>   Tổng cục Thuế nói về giải pháp gỡ vướng thuế thu nhập cá nhân (05/08/2024)

>   Thu ngân sách của ngành thuế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm (03/08/2024)

>   Đề xuất quy định thu phí sử dụng đường bộ cao tốc (02/08/2024)

>   Bộ Tài chính bãi bỏ 8 thông tư trong lĩnh vực thuế (02/08/2024)

>   Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tân bị truy tố vì không chấp hành bản án (02/08/2024)

>   Vạch trần chiêu trò mua bán hóa đơn giả của nhóm đối tượng ở Bình Phước, Bình Dương (31/07/2024)

>   10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách trên ngàn tỷ, lớn nhất Việt Nam (30/07/2024)

>   Ngân sách Nhà nước bội thu gần 240 ngàn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm (29/07/2024)

>   Bộ Tài chính lên tiếng về kiến nghị điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu (29/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật