Quỹ mở và vai trò của các ngân hàng thương mại
Mặc dù là một sản phẩm đầu tư không còn mới lạ, thị trường quỹ mở tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, với sự tham gia sâu hơn của các ngân hàng thương mại trong chuỗi cung ứng của ngành quỹ, dự kiến quỹ mở sẽ trở thành một lựa chọn đầu tư ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy sự phát triển dân trí tài chính tại Việt Nam.
Quỹ mở là gì?
Quỹ mở là một dạng quỹ đầu tư đại chúng, nơi vốn được huy động từ nhiều nhà đầu tư khác nhau và sau đó được quản lý bởi các chuyên gia đầu tư giàu kinh nghiệm. Điều đặc biệt ở quỹ mở là nhà đầu tư có thể mua và bán chứng chỉ quỹ bất kỳ lúc nào, mang lại tính linh hoạt cao mà ít sản phẩm tài chính nào có được.
Nếu bạn đã từng lo lắng về việc đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào một cổ phiếu và chỉ để thấy nó giảm giá trong chớp mắt, thì quỹ mở có thể là giải pháp an toàn hơn rất nhiều. Đối với những người muốn tích lũy tài sản dài hạn mà không muốn rủi ro cao, quỹ mở mang lại lợi thế lớn. Nghiên cứu cho thấy, nhà đầu tư vào quỹ mở thường có tỷ lệ lợi nhuận ổn định hơn 60% so với những người đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ.
Không chỉ an toàn hơn, quỹ mở còn là một công cụ tuyệt vời để phổ cập tài chính và nâng cao dân trí tài chính cho người dân. Đầu tư vào quỹ mở yêu cầu số vốn tối thiểu rất nhỏ, có thể chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, và bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Điều này giúp quỹ mở trở nên dễ tiếp cận với đại bộ phận người dân trung lưu - những người có nhu cầu đầu tư nhưng không đủ khả năng và thời gian để theo dõi thị trường. Thực tế cho thấy, 95% nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và hiểu biết khi đầu tư trực tiếp, dẫn đến những quyết định cảm tính và dễ mắc sai lầm. Ngược lại, khi đầu tư vào quỹ mở, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ sự quản lý chuyên nghiệp của các công ty quản lý quỹ, giúp họ tránh được những lỗi tâm lý phổ biến và tập trung vào mục tiêu tài chính dài hạn.
Thị trường quỹ mở tại Việt Nam và so sánh với quốc tế
Mặc dù quỹ mở là một sản phẩm tài chính đầy tiềm năng, nhưng quy mô thị trường và sự đa dạng về sản phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2023, trên thị trường Việt Nam chỉ có 56 quỹ mở với tổng tài sản quản lý khoảng 26 ngàn tỷ đồng, thuộc về một trong ba loại hình quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng với chiến lược hầu như là chủ động và tập trung vào một trong ba sự lựa chọn chính: đầu tư vào các doanh nghiệp blue chip, đầu tư nhận cổ tức, đầu tư vào các doanh nghiệp midcap có tiềm năng tăng trưởng. Quy mô thị trường chiếm chưa đến 1% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư chiếm chưa đến 0.3% quy mô dân số. Con số này thực sự nhỏ bé nếu so với các quốc gia khác như Hàn Quốc, nơi gần 40% dân số đã quen thuộc với việc đầu tư vào quỹ mở, với số lượng quỹ lên tới hàng ngàn quỹ; hoặc Ấn Độ, quốc gia đã chứng kiến sự bùng nổ của quỹ mở với tốc độ tăng trưởng gần 300% trong một thập kỷ, đã phát triển với nhiều chiến lược đầu tư đem đến sự đa dạng lựa chọn cho nhà đầu tư phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế (các quỹ mở theo chiến lược chủ động phân bổ ngành lĩnh vực theo chu kỳ kinh tế).
Sự khác biệt này phần lớn đến từ nhận thức của người dân về tài chính. Tại Hàn Quốc, Ấn Độ, đầu tư vào quỹ mở không chỉ là một lựa chọn mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược tài chính cá nhân. Điều này giúp người dân không chỉ tích lũy tài sản mà còn xây dựng được một nền tảng tài chính vững chắc. Trong khi đó, tại Việt Nam, đa phần người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng quỹ mở như một công cụ đầu tư chính, và phần lớn họ chỉ biết đến các hình thức đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, BĐS; một số ít, 8% dân số tiếp cận thị trường chứng khoán như một kênh đầu cơ ngắn hạn, và tất nhiên chỉ 5% trong số đó thành công.
Bóng dáng của các ngân hàng thương mại trong chuỗi cung ứng quỹ mở
Theo quy định của pháp luật, các ngân hàng thương mại không phải là đơn vị trực tiếp được phân phối chứng chỉ quỹ mở, tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng thương mại đã tham gia vào chuỗi cung ứng quỹ mở dưới nhiều hình thức khác nhau như giới thiệu bán chéo sản phẩm của đối tác là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nằm trong hệ sinh thái hoặc hợp tác với các công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền kết hợp cùng với các đại lý phân phối quỹ để khép kín quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đem đến nhiều tiện ích cho khách hàng hơn.
Một thống kê thú vị cho thấy, hiện nay có đến 80% quy mô thị trường quỹ mở tại Việt Nam được phát triển với sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Điều này không chỉ đến từ vai trò tự nhiên là trung tâm trong hệ thống tài chính của các ngân hàng thương mại (đóng vai trò trung gian thanh toán) mà còn cho thấy những ưu thế vượt trội của ngân hàng thương mại để tham gia vào chuỗi cung ứng một sản phẩm tài chính đầu tư chất lượng như quỹ mở. Những ưu thế đó là nhờ nền khách hàng lớn, chất lượng (hầu hết các ngân hàng đều có tập khách hàng cá nhân lên tới vài triệu khách hàng, trong khi đối với các công ty chứng khoán chỉ vài chục ngàn khách hàng); mạng lưới phân phối rộng khắp (những ngân hàng lớn có mạng lưới phân phối trải khắp 63 tỉnh, thành phố, họ đều đã có hệ thống kênh phân phối – hệ sinh thái số hoàn chỉnh), và hơn thế nữa, ngân hàng thương mại có nguồn nhân sự chất lượng cao được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn tài chính cá nhân.
Cần nhiều hơn thế nữa
Nhu cầu của đa phần nhà đầu tư thường vượt xa việc sử dụng một sản phẩm đơn lẻ, và đó là lý do cần đến các gói giải pháp tài chính toàn diện, có khả năng giải quyết một cách tổng thể các vấn đề tài chính của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam đang khá vắng bóng những tổ chức đánh giá độc lập, xếp hạng quỹ mở theo các tiêu chí khác nhau với một phương pháp luận chặt chẽ, tin cậy để giúp nhà đầu tư, người dân có cái nhìn tổng thể về danh mục các quỹ phù hợp nhất với bối cảnh, mục tiêu tài chính trong từng giai đoạn. Đây chính là một khoảng trống lớn, một cơ hội tiềm năng mà các ngân hàng thương mại có thể khai thác.
Hướng đi cho tương lai
Trong bối cảnh nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng đa dạng và phức tạp, các ngân hàng thương mại cần định hình lại vai trò của mình bằng cách phát triển những giải pháp tài chính toàn diện, đáp ứng các mục tiêu đầu tư khác nhau. Việc kết hợp giữa sự am hiểu thị trường, năng lực đánh giá sản phẩm và khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính tích hợp sẽ giúp các ngân hàng tạo ra những giá trị gia tăng đáng kể, không chỉ cho khách hàng mà còn cho toàn bộ thị trường tài chính. Đây không chỉ là một hướng đi khả thi mà còn là con đường tất yếu để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành tài chính tại Việt Nam.
LH
FILI
|