Người nuôi ong và giới khoa học ở Vương quốc Anh phối hợp chống nạn mật giả
Lynne Ingram có dáng vẻ thanh thản khi chăm sóc dãy tổ ong đang vo ve ở một góc vườn xanh mướt tại Somerset, miền tây nam nước Anh.
Tuy nhiên, bậc thầy nuôi ong với kinh nghiệm nuôi ong hơn 40 năm này thấy mình đang phải chiến đấu với một kẻ thù gian xảo và lắm mưu mẹo, đó là những kẻ pha giả mật ong.
Hành vi pha giả mật ong là điều ai cũng biết, và trong lịch sử, thậm chí tro và bột khoai tây cũng được dùng để trộn vào mật ong.
Ngày nay, những tiến bộ trong công nghệ và khoa học đã giúp việc này trở nên dễ dàng hơn nhiều, với các loại xi-rô “được làm riêng hoặc được chế tạo sinh học” được sử dụng làm chất pha loãng có khả năng qua mặt những phương pháp kiểm tra, Ingram cho biết.
Bà đã thành lập Mạng lưới xác thực mật ong Vương quốc Anh (HAN UK) vào năm 2021 để nâng cao nhận thức về mật ong tự nhiên và cảnh báo về mối đe dọa do gian lận gây ra.
"Một trong những tác động mà chúng ta đang chứng kiến trên toàn thế giới là sự phá sản của người nuôi ong", bà cho biết.
Mật ong bị pha giả có thể được bán cho nhà bán lẻ với giá thấp hơn nhiều lần so với mức giá mà người sản xuất thật bỏ ra.
Ngoài việc sản xuất mật ong, nhiều người nuôi ong quy mô lớn còn có hợp đồng thụ phấn cây trồng với nông dân, khi cung cấp hàng nghìn đàn ong cho người trồng trọt trên khắp cả nước.
Nếu họ bị phá sản do cạnh tranh không lành mạnh, phương pháp thụ phấn tự nhiên quan trọng này cho cây trồng sẽ bị giảm và việc sản xuất lương thực sẽ bị ảnh hưởng.
Hiệp hội nuôi ong Vương quốc Anh, nơi đại diện cho hơn 25,000 nhà sản xuất và Ingram giữ vai trò đại sứ mật ong, muốn mọi người thấy rằng nguy cơ bị làm giả mật ong là có thật và ngành này, cũng như người tiêu dùng, cần được bảo vệ.
Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) đã cập nhật các quy định về mật ong để đảm bảo việc dán nhãn sản phẩm rõ ràng hơn và cần phải có "hệ thống truy xuất nguồn gốc mật ong" để tăng tính minh bạch.
Ví dụ, trên nhãn đối với mật ong pha, tất cả các quốc gia xuất xứ phải xuất hiện gần tên sản phẩm, trong khi trước đây chỉ bắt buộc nêu rõ có pha hay không.
Việc dán nhãn ở Vương quốc Anh, quốc gia hiện đã rời khỏi EU, không nghiêm ngặt như vậy và Ingram tin rằng người tiêu dùng "đang bị đánh lừa" bởi thông tin mập mờ trên bao bì.
Đằng sau hành động của EU là sự gia tăng rõ rệt lượng mật ong pha tràn vào khối 27 quốc gia này.
Những chất pha trộn kém tiêu chuẩn có thể gây ô nhiễm tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, và tổn thương gan hoặc thận.
Giữa năm 2021 và 2022, 46% mật ong được kiểm tra khi nhập khẩu vào EU được xác định là có khả năng gian lận, tăng mạnh so với mức 14% trong giai đoạn 2015 đến 2017.
Trong số lô hàng nghi vấn này, 74% có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Mật ong nhập từ Vương quốc Anh có tỷ lệ nghi ngờ lên đến 100%.
EU cho biết loại mật ong này có thể đã được sản xuất ở những nước thứ ba và được pha ở Anh trước khi nhập vào EU.
Vương quốc Anh là nước nhập khẩu mật ong lớn thứ hai xét về khối lượng trên toàn châu Âu. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu.
Tuy vậy, không phải tất cả mật ong nhập khẩu của Vương quốc Anh đều rời khỏi đất nước này. Một lượng lớn vẫn nằm trên thị trường trong nước.
"Chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều mật ong trên các kệ hàng", Ingram cho biết, đồng thời nói thêm rằng mật ong pha "được bày bán rộng rãi" tại các siêu thị lớn.
Giới khoa học vào cuộc
Đằng sau những bức màn che kín của một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Aston ở Birmingham, miền trung nước Anh, các nhà nghiên cứu chống mật ong giả đang khai thác công nghệ tiên tiến.
Các nhà khoa học và người nuôi ong của Aston, gồm cả Ingram, đang sử dụng ánh sáng để làm rõ thành phần của những mẫu mật ong ở cấp độ phân tử.
Kỹ thuật này - được gọi là Phổ phát xạ kích thích huỳnh quang (FLE) - bao gồm việc chiếu tia laser vào các mẫu.
Sau đó, các tần số ánh sáng phát ra lại được đối chiếu thành hình ảnh ba chiều - hay còn gọi là "dấu vân tay phân tử" - của mẫu mật ong được kiểm tra.
Alex Rozhin, người đứng đầu dự án và là Phó giáo sư về công nghệ nano, cho biết việc kiểm tra "có thể theo dõi các phân tử khác nhau thông qua quang phổ và xác nhận loại chất sinh hóa nào có mặt".
Trong phòng thí nghiệm tối, ánh sáng từ các loại mật ong khác nhau có thể nhìn thấy rõ ràng.
Loại đầu tiên phát ra màu xanh lá tươi sáng và loại thứ hai có màu xanh lam dịu hơn, cho thấy thành phần hóa học riêng biệt.
Rozhin cho biết khi sử dụng FLE, nhóm của ông "có thể ngay lập tức theo dõi nồng độ gian lận bên trong các mẫu" với "những dải quang phổ khác nhau tương ứng với xi-rô hoặc mật ong tự nhiên".
Cũng theo Rozhin, FLE chính xác hơn những cách kiểm tra hiện có và có thể cho kết quả nhanh hơn nhiều, với chi phí giảm đáng kể và không cần nhân viên được đào tạo chuyên sâu.
Một trong những mục tiêu của nhóm Aston là tạo ra phiên bản FLE có thể được sử dụng bởi người sản xuất mật ong hoặc thậm chí là người tiêu dùng với thiết bị thu nhỏ hoặc cuối cùng là chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh.
Việc triển khai kiểm tra như thế này cũng sẽ đẩy nhanh quá trình tạo cơ sở dữ liệu mật ong, và thông qua máy học (machine learning), cơ sở dữ liệu này có thể được sử dụng làm danh mục chữ ký sinh trắc học.
"Nếu nhận được một mẫu mới và nó đã bị làm giả, khác với cơ sở dữ liệu, chúng tôi sẽ biết có điều gì đó mờ ám", Steven Daniels, cộng sự nghiên cứu của Aston chuyên về máy học cho biết.
Ingram cho biết cách kiểm tra này có thể thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia với nhau trong phương pháp kiểm tra bằng cách thiết lập một tiêu chuẩn thống nhất, nhưng chính phủ cũng cần giám sát lĩnh vực này.
"Chúng ta thực sự cần phải nỗ lực giải quyết điều này", bà nói.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|