Góc nhìn 28/08: Ưu tiên quản trị rủi ro
Hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị nhà đầu tư cần nêu cao sự cẩn trọng trong giai đoạn thị trường hiện tại, thông qua việc giữ tỷ trọng danh mục an toàn và chờ đợi cơ hội trong các nhịp rung lắc.
Có thể xảy ra khả năng điều chỉnh
CTCK Đông Á (DAS): Khi VN-Index đã tăng hơn 60 điểm chỉ trong vòng 5 phiên và thị trường chưa có tin tức hỗ trợ mới thì có thể xảy ra khả năng điều chỉnh.
Để quản trị rủi ro khi chỉ số ở vùng đỉnh cũ, nhà đầu tư có thể đóng các trạng thái giao dịch ngắn hạn. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và theo dõi chờ giải ngân trên các nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, khu công nghiệp và bán lẻ.
Giữ tỷ trọng danh mục ổn định, nhịp rung lắc trong ngắn hạn sẽ là cơ hội cơ cấu
CTCK Asean (Aseansc): Tâm lý chờ đợi và quan sát trước lễ có thể gia tăng. Thị trường có xu hướng tiếp tục duy trì vận động trên vùng 1,270 điểm với sự luân phiên giữ nhịp của nhóm cổ phiếu lớn. Lo ngại rủi ro tiềm tàng đến từ khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ nhưng nền kinh tế trong nước cho thấy tín hiệu cải thiện.
Aseansc đánh giá rất tích cực triển vọng trung và dài hạn của thị trường trong nước, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng ổn định tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh và triển vọng lợi nhuận tốt, nhịp rung lắc trong ngắn hạn (quanh vùng 1,270 điểm) sẽ là cơ hội cơ cấu danh mục.
Duy trì tỷ trọng tài khoản, tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân
CTCK Vietcombank (VCBS): VN-Index kết phiên 27/08 hình thành nến doji thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư ở khu vực 1,280. Ở khung đồ thị ngày, hầu hết các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tại khu vực kháng cự. Tuy nhiên việc các chỉ báo mới chỉ hình thành một đỉnh và đường Senkoupan A đã có xu hướng cắt lên đường Senkoupan B cho thấy xu hướng chính của thị trường vẫn sẽ tiến lên khu vực 1,300 và xa hơn là 1,340. Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã ở mức thấp và bắt đầu cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, cho thấy VN-Index sẽ sớm bước vào nhịp tăng trong ngắn hạn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng tài khoản, tận dụng những nhịp rung lắc để giải ngân gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành đang có xu hướng tích lũy tốt như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Cẩn trọng các phiên phân phối
CTCK Tiên Phong (TPS): Thị trường phiên 27/08 “xanh vỏ đỏ lòng” khi nhóm Vingroup là động lực chính khiến chỉ số giữ được mức tăng nhẹ. Điểm sáng của phiên giao dịch đến từ nhóm công nghệ thông tin và bất động sản khi vẫn duy trì dòng tiền và trạng thái giao dịch tốt, còn lại các ngành khác đều có dấu hiệu suy yếu.
Nhà đầu tư nên cẩn trọng các phiên phân phối và cần có biện pháp phòng vệ cho tài khoản; hạ tỷ trọng và chờ đợi các cơ hội rõ ràng khi VN-Index vượt 1,300 điểm hoặc lùi về vùng giá 1,220 - 1,250 điểm.
Theo dõi sát sao diễn biến sự phân hóa của dòng tiền
CTCK Beta: Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi VN-Index đã tăng nóng trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong các phiên giao dịch gần kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Ngoài ra, chỉ số đang cho thấy sự thận trọng, với áp lực bán vẫn còn lớn, đặc biệt đối với các cổ phiếu trụ cột. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cần chú ý theo dõi sát sao diễn biến sự phân hóa của dòng tiền. Thay vì lao vào mua hoặc bán một cách vội vàng, nhà đầu tư nên xem xét việc giữ vững tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục, đồng thời cân nhắc các yếu tố kỹ thuật trước khi quyết định. Ngoài ra, việc quản lý rủi ro cũng rất quan trọng, nên cân nhắc chốt lời các mã đã đạt mục tiêu, hạn chế mua vào các cổ phiếu đang ở vùng giá cao để giảm thiểu rủi ro.
Ưu tiên sự cẩn trọng
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng, chịu áp lực bán cơ cấu danh mục trong vùng giá 1,280 – 1,300, là vùng kháng cự rất mạnh. VN-Index đang gặp áp lực điều chỉnh, sau giai đoạn tăng điểm tốt từ vùng giá 1,220 - 1,230. Trường hợp tích cực, VN-Index vẫn chịu áp lực rung lắc điều chỉnh về quanh vùng giá 1,270 – 1,275 và tiếp tục kiểm tra lại vùng 1,300 trong tuần tiếp theo với hỗ trợ luân chuyển của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hoặc vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1,250 – 1,260. Điểm tích cực là áp lực điều chỉnh vẫn đang tương đối bình thường ở nhiều mã trong khi nhiều mã vẫn luân phiên phục hồi sau áp lực điều chỉnh mạnh.
Xu hướng trung hạn vẫn duy trì tích lũy tích cực trong vùng 1,250 – 1,255 đến 1,300, mở rộng lên 1,320. Điểm cân bằng của kênh giá tích lũy này là quanh vùng 1,280.
Trong ngắn hạn, SHS khuyến nghị không giải ngân mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng 1,280 - 1.300. Nhà đầu tư trung hạn duy trì tỷ trọng hợp lý, có thể xem xét gia tăng, mở rộng danh mục khi chỉ số kiểm định vững chắc biên độ dưới 1,250 – 1,255.
Với các trường hợp tỷ trọng thấp, dưới trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể cân nhắc chọn lọc các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương VN-Index ở các thời điểm 1,230 – 1,250 trước đây. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm.
Huy Khải
FILI
|